Kế hoạch dài hơi của Nguyễn Tử Quảng
Sau buổi chia sẻ hôm qua tại TP.HCM, ông Nguyễn Tử Quảng, Tổng giám đốc BKAV có thêm một buổi nói chuyện ở Hà Nội, giải đáp các vấn đề xung quanh Bphone 2 – chiếc smartphone ở phân khúc cận cao cấp vừa ra mắt.
Ông nói sau nhiều năm ở “ẩn”, giờ mới có dịp chia sẻ. Ông Quảng khẩng định sẽ nói thật, nói hết với truyền thông. Trợ lý ông Quảng đã yêu cầu không quay phim hay làm livestream để phía BKAV được thoải mái.
Sau phần giới thiệu ngắn gói gọn trong khoảng 3 phút của ông Tử Quảng, phóng viên liên tục đặt câu hỏi. Những vấn đề đó, thực tế đã được bàn luận rất nhiều trên các diễn đàn kể từ khi Bphone 2 ra mắt hồi đầu tháng này.
“BKAV sản xuất được cái gì trong Bphone”, “vốn nghiên cứu, sản xuất của Bphone lấy từ đâu”, “tại sao Bphone không sản xuất điện thoại tầm trung mà lại chọn phân khúc tiệm cận cao cấp, muốn đối đầu với Apple, Samsung”... đều được ông Quảng trả lời.
Luôn miệng khẳng định nói hết, nói thật vì BKAV làm thật nên cũng phải nói thật, ông Tử Quảng cho biết chỉ 0,9% xuất xứ Trung Quốc, phần lớn linh kiện được nhập về từ Nhật, Mỹ, châu Âu. Riêng phần thiết kế thực hiện từ kiểu dáng, cơ khí, phần mềm... là do Việt Nam làm.
“Samsung, Apple đang làm như thế nào thì BKAV làm như vậy”, ông Quảng nói.
Mạnh dạn nói thêm – ông chủ BKAV nhấn mạnh từ này, bởi ông Quảng cho biết bản thân hay bị “ném đá” về các phát ngôn. Tổng giám đốc BKAV nói: “Tôi tin rằng Apple hay Samsung không có nhà máy làm khuôn. Họ thuê đối tác làm, còn tôi thì không. Tôi không nói trước là sau này mình có như thế không, nhưng hiện tại việc này cho phép tôi chủ động trong sản xuất”.
Hiểu rõ các phát ngôn của mình có thể gây tranh cãi, khi nhận xét về Bphone, ông cẩn trọng nói đây là sản phẩm có thiết kế cơ khí số 1 hay số 2 trên thị trường, thay vì chỉ nói là số 1 như mọi khi.
500 tỷ đồng vốn nghiên cứu sản xuất, ông Quảng cho biết tiền hoàn toàn từ BKAV, phần lớn có được nhờ bán phần mềm diệt virus. Cho đến nay, khi bán ra, công ty vẫn phải trợ giá trên từng sản phẩm.
Thế nhưng, thay vì làm ở phân khúc trung, thấp cấp để có lời ngay và không nhận “gạch đá”, ông Tử Quảng nói rằng ông thà chọn việc khó – tấn công phân khúc cận cao cấp nhằm định vị thương hiệu. Bởi lẽ, đó là chiến lược dài hạn của công ty mà như ông tin tưởng, là sứ mệnh.
“Sứ mệnh của BKAV là tạo ra nền sản xuất, công nghiệp sản xuất smartphone cho Việt Nam. Tôi muốn tạo ra hình mẫu rằng người Việt Nam có thể phát triển bằng chất xám, trí tuệ thay vì bám vào tài nguyên thiên nhiên.
Nếu như tôi thành công, đấy sẽ là nguồn cảm hứng cho nhiều doanh nghiệp, bạn trẻ khởi nghiệp, mạnh dạn cạnh tranh với các tập đoàn hàng đầu”, ông Quảng nói với giọng hào hứng.
Chính vì lẽ đó, ông tâm sự là không kỳ vọng có ngay sản lượng lớn, có lời ngay mà mục tiêu chính của giai đoạn này là chinh phục niềm tin người tiêu dùng.
“Sản phẩm tầm trung sẽ có trong tương lai. Chúng tôi mong muốn người Việt Nam đều cầm chiếc Bphone trên tay”, ông nói.
Nhưng nếu làm ngay sản phẩm tầm trung, sau này để định vị được một thương hiệu như Apple, Samsung là rất khó, theo ông Quảng giải thích, vì điều này tương tự như việc Oppo tăng giá 300 nghìn đồng ở sản phẩm mới nhanh chóng phải hạ giá vì mắc kẹt bởi bẫy định vị.
Nước mắt Tử Quảng...
“Thực ra tôi không lỳ lợm gì đâu, tôi chỉ có một khát vọng, vì khát vọng đó nên tôi cố gắng vượt qua”, ông Tử Quảng tâm sự.
Ông nói rằng bản thân mình cũng giống như những người khác, có những lúc thực sự “khủng hoảng” như cách dùng từ của ông.
“Stress, tôi còn hơn cả như thế”, ông nói.
Ông thú nhận bản thân cũng rất khó chịu, bực bội khi đọc những nhận xét về Bphone. Tuy nhiên, “chúng tôi luôn cầu thị, luôn rút kinh nghiệm”.
Kể ra câu chuyện của Tổng thống Putin khi sang Trung Quốc và mang theo chiếc điện thoại của người Nga sản xuất làm quà tặng, ông Quảng cho biết bản thân ông được củng cố niềm tin là nước lớn cũng như mình, mang theo nhiều khát khao chinh phục được công nghệ, làm ra được sản phẩm tân tiến.
Gần cuối buổi nói chuyện, khi được hỏi về số lượng Bphone 1 được bán ra, ông Quảng thành thật cho biết số lượng đặt hàng “có số điện thoại đầy đủ” đăng ký lên đến hơn 10.000, tuy nhiên vì trục trặc, 2 tháng sau mới có sản phẩm đầu tiên nên nhiều người không chờ. Cuối cùng, chỉ khoảng 3.000 máy được bán.
“Tôi muốn gửi lời cảm ơn tới...”, ông Quảng không nói hết được câu, giọng ông nghẹn lại và khóc. Phải mất vài phút sau, ông mới bình tĩnh để bày tỏ: “Tôi xin lỗi không kìm chế được, tôi muốn gửi lời cảm ơn đến khách hàng đã sử dụng Bphone 1”.
Bên cạnh đó, ông Tử Quảng cũng nhấn mạnh rằng bản thân BKAV không “ăn mày tinh thần dân tộc” khi không một văn bản nào của công ty hay bản thân ông nói rằng người Việt Nam phải dùng hàng Việt Nam.
“Dù bản thân tôi mong muốn người Việt dùng hàng Việt nhưng tuyệt đối không ép buộc người khác”, ông cho biết. Đấy cũng chính là lý do, như ông đã nói lúc ban đầu, 500 tỷ tiền vốn là tự thân của BKAV.