"Tiền bạc là năng lượng sống của gia đình, nên không có lý gì lại tiêu xài hoang phí"
Nguyệt Hạ (1992, Hà Nội, chuyên viên tư vấn tài chính) kết hôn với chồng cách đây 7 năm. Lúc mới cưới, cặp đôi đều tay trắng làm nên. Ngoài số tiền mừng và 2 cây vàng bố mẹ cho thì gia đình gần như không có tài sản tích lũy.
Thời gian đầu, vợ chồng Nguyệt Hạ dự tính tích góp tiền để mua miếng đất vùng ven biển, giá rẻ mà còn có tiềm năng phát triển trong tương lai. Ngoài ra, họ còn có kế hoạch sinh con trong 2 năm tới. Chính vì thế, tiết kiệm là mục tiêu hàng đầu trong quản lý tài chính của cặp vợ chồng trẻ.
Khi đó, tổng thu nhập của cả hai khoảng 30-40 triệu đồng/tháng. Họ đều đặn dành 50% số tiền để phòng lúc đau ốm. Còn dư bao nhiêu, họ dùng để chi tiêu và thi thoảng phụ giúp gia đình nội ngoại. Thời điểm mới kết hôn, cuộc sống của cặp đôi cũng không dễ dàng gì.
"Thời điểm chưa có con, tụi mình sống ở căn nhà thuê 15m2 giá chỉ 1,3 triệu đồng. Cộng thêm sinh hoạt phí mỗi tháng khoảng 3,5 triệu đồng nữa. Dù thu nhập cũng nằm ở mức trung bình khá, nhưng cả hai không ngần ngại sống chắt bóp một chút để dư tiền tiết kiệm. Vì tụi mình tính rồi: Trả giá bằng 10 năm nhà thuê thì mới có cơ hội mua được căn nhà của chính mình", vợ chồng Nguyệt Hạ hồi tưởng lại.
Thời điểm mới cưới, vợ chồng Nguyệt Hạ sống căn nhà thuê 15m2 giá chỉ 1,3 triệu đồng (Ảnh minh hoạ)
Cùng chung quan điểm với Nguyệt Hạ rằng vợ chồng trẻ nên tiết kiệm tiền để đầu tư cho tương lai, Nguyễn Yến (1996, Hà Nội, nhân viên phát triển thị trường) bày tỏ: "Tiền bạc là năng lượng sống của gia đình, nên không có lý gì lại tiêu xài hoang phí".
Được biết, cách đây không lâu Nguyễn Yến đã kết hôn cùng anh Đức Hải (1994, Hà Nội, IT). Trong quản lý dòng tiền thu - chi của gia đình, hai vợ chồng đều rất hợp nhau khoản không thích nhu cầu vật chất bên ngoài thân. Thay vào đó, họ dành phần lớn số tiền tiết kiệm để đầu tư vào tài sản, của cải để dành.
Nguyên tắc tiết kiệm của cặp đôi mới cưới: Kiếm 100 triệu đồng/tháng vẫn ở nhà thuê
Với riêng gia đình Nguyệt Hạ, trong 7 năm cưới nhau, trừ 2 năm sinh con và không có nguồn thu nhập, vợ chồng cô luôn áp dụng quy tắc: Giữ sinh hoạt phí ở mức tối thiểu nhất. Sinh hoạt phí ở đây bao gồm tiền thuê nhà, điện nước, ăn uống và những chi phí cơ bản khác. Ngoài ra, nếu có khoản chi tiêu nào đột ngột tăng lên, họ liền tìm cách cân bằng lại.
Hiện tại, tổng thu nhập của hai vợ chồng đã lên đến trăm triệu mỗi tháng. Tuy nhiên, sinh hoạt phí hàng tháng của cặp đôi vẫn ở mức khá khiêm tốn, chỉ khoảng 10 triệu đồng, bao gồm 4,5 triệu tiền nhà, tiền ăn uống của gia đình 3 người và các khoản tiền lặt vặt khác. Riêng khoản tiền nuôi con và phát triển bản thân của vợ chồng được Nguyệt Hạ tính riêng vào khoản chi tiêu khác.
"Từ khi sinh con, vợ chồng thống nhất lập cho con 1 sổ tiết kiệm. Hàng tháng mình đều đặn bỏ vào 20% tổng thu nhập để làm chi phí nuôi con. Dù cho vợ chồng có sống chắt bóp nhường nào, thì tiền nuôi con cũng không thể tiết kiệm", vợ chồng Hạ nhấn mạnh.
Vợ chồng Nguyệt Hạ luôn cố gắng tiết kiệm hết mức chi phí sinh hoạt. Ngoài ra, dù chắt bóp đến đâu, họ cũng không để con cái thiếu thốn (Ảnh minh hoạ)
Như vậy, sau khi trừ tất cả khoản chi phí, số tiền còn lại được Nguyệt Hạ chia thành 3 khoản gồm tiền trả nợ hàng tháng (15 triệu đồng), tiền phụng dưỡng bố mẹ hai bên (10 triệu đồng) và tiền tiết kiệm. Trước đó, vợ chồng Hạ đã vay ngân hàng 800 triệu đồng/tháng để đầu tư bất động sản.
Đã có nhiều người khuyên vợ chồng Hạ nên dùng tiền tiết kiệm để trả hết nợ ngân hàng. Tuy nhiên, họ lại có những tính toán riêng.
"Với số tiền tiết kiệm, nếu mỗi tháng mình đều đặn gửi vào ngân hàng thì vẫn có lời. Còn tiền nợ ngân hàng tụi mình chọn trả góp. Cứ được một thời gian, vợ chồng mình dành tiền tiết kiệm để mua vàng, bảo hiểm hoặc tiếp tục đầu tư bất động sản. Dự kiến trong 2 năm nữa, tụi mình sẽ mua được căn nhà đầu tiên".
Vì làm công ăn lương nên vợ chồng Nguyệt Hạ tính toán tài chính rất kỹ. Châm ngôn của vợ chồng cô suốt những năm tháng qua luôn là: "Biết đủ thì đủ, không biết đủ thì lúc nào cũng thấy thiếu".
Sau 7 năm chăm chỉ chắt bóp, hiện trong tài khoản Nguyệt Hạ không có nổi 10 triệu, tài khoản của anh chồng thì có 30 triệu. Tuy nhiên, vợ chồng cô đã mua được 2 miếng đất vùng ven biển trị giá 4 tỷ đồng, có sổ tiết kiệm và bảo hiểm để phòng ngừa rủi ro.
Ảnh minh hoạ
Cùng chăm chỉ tiết kiệm từ những ngày mới cưới, đến hiện tại vợ chồng Đức Hải - Nguyễn Yến đã sở hữu 2 mảnh đất làm của để dành. Ngoài ra, họ còn đầu tư vàng để nâng tài sản tích luỹ.
Cách quản lý chi tiêu của vợ chồng Nguyễn Yến rất rạch ròi mà cặp đôi nào cũng có thể tham khảo. Cụ thể, với tổng thu nhập 75 - 80 triệu đồng/tháng, họ phân chia số tiền này thành 5 khoản như sau:
- Tiết kiệm (35-40 triệu): Đây là khoản tiền quan trọng nhất nên được ưu tiên trích ra đầu tiên. Vợ chồng cô đặt mục tiêu mỗi tháng phải tiết kiệm ít nhất 50%.
- Dự phòng (10-15% thu nhập): Gia đình cô dùng quỹ này cho những trường hợp khẩn cấp bất khả kháng. Một nửa quỹ là tiền mặt để trong ngân hàng, nửa còn lại được cất trong bảo hiểm.
- Chi tiêu: Sau khi trích hơn 60% thu nhập để tiết kiệm và dự phòng, vợ chồng Yến mới bắt đầu tính toán đến chi tiêu. Vì chưa có con nên khoản này rất dễ tính. Với khoản tiền này, họ chỉ đang tốn kém tiền thuê nhà và ăn uống là chính. Những nhu cầu vật chất khác gần như rất ít, vì cả 2 đều quan niệm "chưa giàu thì đừng lãng phí".
- Đầu tư: Đây là khoản tiền được sử dụng dựa trên quỹ tiết kiệm. Họ dùng 2/3 số tiền tiết kiệm chỉ để mua bất động sản.
- Quỹ riêng: Đây là khoản kiếm thêm so với thu nhập hàng tháng của vợ chồng Yến. Tháng nào tiền dư ra thì có quỹ, tháng nào quỹ chung thiếu thì lấy quỹ riêng bù vào.
Ngoài việc tiết kiệm tiền, một mục tiêu quan trọng của vợ chồng Nguyễn Yến trong quản lý chi tiêu là tìm cách gia tăng thu nhập.
Một điểm đặc biệt trong cách quản lý tài chính của gia đình là không phân chia ai là người giữ tiền trong nhà. Trong 5 khoản chi tiêu trên, Nguyễn Yến nắm khoản "chi tiêu" và "dự phòng", còn lại là thuộc về nhiệm vụ của chồng cô. Cơ sở để đưa ra việc quản lý tiền bạc hoàn toàn dựa trên thế mạnh của từng người. "Ai mạnh cái gì thì giữ cái đó", Yến hài hước nói.
Trước câu hỏi, liệu việc tách tiền chung thành nhiều quỹ có thể gây khó khăn trong việc kiểm soát tài chính hay không, Yến suy nghĩ khác hẳn. Theo cô, trong chuyện tiền nong, vợ chồng nên chọn tin tưởng nhau và ghi chép chi tiết trên từng con số.