Binh sĩ Nga tại Kaliningrad tham gia cuộc tập trận với Belarus hồi năm 2021. Ảnh: Reuters
Phía Belarus đã cáo buộc Ukraine lên kế hoạch thực hiện các cuộc tấn công trên lãnh thổ của nước này khi hầu hết các cây cầu biên giới đã bị phá huỷ còn các tuyến đường sắt và đường bộ bị cài mìn.
Mặc dù, Bộ Ngoại giao Belarus đã trao công hàm phản đối chính thức tới Đại sứ Ukraine tại Belarus, nhưng phía Ukraine cho biết, họ kiên quyết bác bỏ cáo buộc, đồng thời cho rằng, đây có thể là một phần trong kế hoạch của Nga nhằm khiêu khích và đổ lỗi cho Ukraine.
Tình hình ở khu vực biên giới hai nước
Tổng thống Lukashenko đã lên tiếng về việc Ukraine đang tích cực tiến hành trinh sát tại khu vực giáp biên giới với Belarus và đã điều 15.000 quân tới đó, đồng thời chỉ thị cho người đứng đầu các cơ quan thực thi pháp luật giám sát chặt chẽ biên giới nhà nước.
Cũng do gia tăng căng thẳng ở biên giới phía tây của quốc gia liên minh, các nhà lãnh đạo Nga và Belarus đã đồng ý triển khai một nhóm quân chung trong khu vực. Theo nhà lãnh đạo Belarus, cơ sở của nhóm này là quân đội Belarus. Còn về lực lượng Nga, ông không nêu cụ thể nhưng nhấn mạnh rằng, đó “không phải là một nghìn người”. Trước đó, ông Lukashenko đã tuyên bố rằng, trong trường hợp được điều động, quân đội Belarus sẽ được bổ sung khoảng 500.000 quân dự bị.
Theo thông cáo của Bộ Quốc phòng Belarus, kể từ ngày 11/10, Ban Thư ký Nhà nước của Hội đồng An ninh nước này, theo chỉ thị của Tổng thống, đã tiến hành kiểm tra các lực lượng vũ trang của Belarus. Đặc biệt, đưa các đơn vị vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu, hành quân, triển khai tại các khu vực quy định với thực hiện nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu.
Trong khi đó, Phó Chủ chủ tịch Cơ quan Biên phòng Nhà nước Ukraine Sergei Serdyuk cho biết, Ukraine đang tăng cường hơn nữa khả năng của mình để đẩy lùi một cuộc tấn công có thể xảy ra từ Belarus. Bộ Quốc phòng Ukraine đang điều các đơn vị dự bị đến biên giới Belarus, đồng thời tăng cường thành phần hỏa lực. Ngoài các đơn vị của Cơ quan Biên phòng Nhà nước, lực lượng phòng thủ lãnh thổ và các đơn vị của Lực lượng vũ trang Ukraine cũng được triển khai tới khu vực biên giới.
Nguyên nhân khiến khu vực biên giới Belarus-Ukraine căng thẳng
Ukraine lo ngại về nguy cơ tiềm tàng bị Nga tấn công từ lãnh thổ Belarus. Nguy cơ thứ hai là Belarus sẽ tham gia vào chiến dịch quân sự đặc biệt và tấn công Ukraine. Ngược lại, Belarus cho rằng, chính Ukraine đang có ý định xâm chiếm lãnh thổ của họ.
Tổng thống Belarus Lukahsenko đã tuyên bố rằng, tình hình xung quanh nước cộng hòa này vẫn căng thẳng và phương Tây đang lan truyền quan điểm rằng, quân đội của họ sẽ tham gia trực tiếp vào một chiến dịch quân sự đặc biệt trên lãnh thổ Ukraine. Trong bối cảnh đó, ban lãnh đạo NATO và một số nước châu Âu đang cân nhắc công khai các lựa chọn một cuộc tấn công vào Belarus, cho đến tấn công hạt nhân. Theo Tổng thống Belarus, mục tiêu chính của phương Tây là lôi kéo Minsk vào cuộc chiến và "đối phó với cả Nga và Belarus".
Tác động tới xung đột Nga-Ukraine
Tổng thống Belarus Lukashenko đã nhiều lần tuyên bố rằng, Minsk không có kế hoạch tấn công Kiev và gọi nhiệm vụ của nước này là ngăn chặn các cuộc tấn công vào lãnh thổ của mình, bao gồm từ Ba Lan, Litva và Latvia. Đồng thời, không cho phép “bắn vào lưng người Nga từ lãnh thổ của Belarus.” Ông nhấn mạnh quan điểm, “muốn có hòa bình, phải chuẩn bị chiến tranh”.
Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Belarus Viktor Khrenin đã lưu ý rằng, Minsk không muốn chiến đấu với người Litva, hoặc Ba Lan, và thậm chí là với người Ukraine. Nếu họ không muốn và không thực hiện các bước sai lầm, thì sẽ không có chiến tranh.
Mặc dù vậy, theo Nhà khoa học chính trị Belarus Aleksei Dzermant, ở Ukraine, họ nhìn thấy mối đe dọa tiềm tàng ở mặt trận phía bắc của mình, đó là biên giới với Belarus. Và để loại bỏ nó, họ đang phát triển kịch bản cho cuộc tấn công phòng ngừa nhằm đánh lạc hướng cả lực lượng Nga và quân đội Belarus.
Theo ông, nếu Nga càng gặp thất bại ở mặt trận Ukraine thì càng có nhiều nguy cơ Belarus bị đẩy vào cuộc xung đột, để cuối cùng mở rộng mặt trận đối với Moscow và phân tán lực lượng của họ. Nhà khoa học chính trị Dzermant cho rằng, Ukraine đang dựa vào một phản ứng dây chuyền. Nếu Belarus bị lôi kéo vào cuộc xung đột, thì có thể kéo theo Ba Lan và các nước Baltic. Họ cần mở rộng xung đột.
Nhà khoa học chính trị Alexander Nosovich lưu ý, việc gia tăng các hành động thù địch trên lãnh thổ Ukraine có thể kích động các nước láng giềng - vốn không phải là các nước NATO hùng mạnh nhất, nhưng lại là những nước ồn ào nhất, với một kiểu khiêu khích nào đó.
Hy vọng rằng, các bên sẽ cân nhắc về những tác động sâu rộng từ cuộc xung đột Nga-Ukraine hiện nay, để không mở thêm một mặt trận mới, gia tăng nguy hiểm và khó lường./.