Thủ tướng Hungary Orban. Ảnh: Reuters.
Trong 2 ngày 30 và 31/5, Liên minh châu Âu (EU) tổ chức hội nghị thượng đỉnh bất thường nhằm đánh giá và thảo luận tình hình khủng hoảng ở Ukraine, hợp tác quốc phòng, chi phí năng lượng và an ninh lương thực. Trong bối cảnh khối này gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm sự đồng thuận nội bộ về các gói trừng phạt tổng thể mới nhằm vào các nguồn năng lượng từ Nga, Hội nghị lần này đang bị bao phủ bởi một bầu không khí căng thẳng bởi các lo ngại chia rẽ và rạn nứt.
Liệu hội nghị bất thường lần này có thể gợi mở giải pháp nào để thu hẹp bất đồng, hay sẽ lại “bi quan” như chính giới chức EU lo ngại rằng chưa bao giờ sự đoàn kết thống nhất của Liên minh châu Âu lại đứng trước nhiều thách thức như hiện nay?
Nóng vấn đề cấm vận dầu mỏ của Nga
Bao trùm hội nghị thượng đỉnh EU bất thường lần này chắc hẳn là việc tìm kiếm thỏa thuận về một lệnh cấm vận dầu mỏ của Nga liên quan cuộc xung đột tại Ukraine.
Trước khi bước vào Hội nghị Thượng đỉnh đặc biệt, quan điểm của phía Hungary không quá quyết liệt nhưng cũng không nhượng bộ . Phát biểu khi đặt chân đến Brussels trong chiều ngày 30/5, Thủ tướng Hungary - Viktor Orban tuyên bố chưa có bất kỳ thoả hiệp nào giữa các nước về lệnh cấm vận dầu mỏ Nga, dù cũng cho biết Hungary sẵn sàng thảo luận và ủng hộ một thoả thuận nếu thoả thuận đó đảm bảo việc cung cấp năng lượng cho Hungary không bị gián đoạn.
Trước đây Hungary kiên quyết phản đối việc cấm vận dầu mỏ Nga bởi nước này phụ thuộc đến 65% vào lượng dầu mỏ nhập từ Nga. Để gỡ bỏ lá phiếu phủ quyết của Hungary, Uỷ ban châu Âu đã sửa đổi các dự thảo, qua đó cho phép các nước vẫn được nhập dầu của Nga qua đường ống dẫn dầu Druzhba, chỉ cấm nhập khẩu đường biển. Đây là một ngoại lệ, cho phép không chỉ Hungary mà các nước khác như CH Séc, Slovakia, thậm chí cả Đức, Ba Lan có thể tiếp tục nhập dầu của Nga qua đường ống Druzhba. Nhưng Hungary còn yêu cầu cao hơn nữa, đó là muốn EU phải đảm bảo các phương án dự phòng khác để cung ứng dầu cho nước này trong trường hợp đường ống dẫn dầu Druzhba, vốn chạy qua đất Ukraine, bị cuộc chiến tại Ukraine phá huỷ.
Trước đó, Uỷ ban châu Âu đã đề xuất chi 2 tỷ euro giúp các nước như Hungary, CH Séc, Slovakia xây dựng các cơ sở lọc dầu mới để chuyển đổi nguồn cung từ Nga nhưng Hungary cũng cho rằng số tiền này là không đủ bởi hiện nay công nghệ tại các nhà máy lọc dầu của Hungary chỉ có thể xử lý dầu thô của Nga, muốn chuyển đổi để nhập dầu qua đường ống từ Croatia thì phải xây mới hoàn toàn và có thể tốn kém hàng chục tỷ euro. Ngoài ra, Hungary hiện cũng không thể tiếp cận được với số tiền 2 tỷ euro mà EU đề xuất bởi nước này đang bị Uỷ ban châu Âu đưa vào diện điều tra vi phạm vì các cáo buộc liên quan đến việc không tôn trọng các nguyên tắc về nhà nước pháp quyền. Do đó, các thoả hiệp giữa Hungary với Uỷ ban châu Âu và các nước khác đã rất khó khăn. Tuy nhiên, đến rạng sáng nay theo giờ địa phương tại Brussels, các lãnh đạo châu Âu cũng đã đạt được thoả thuận cấm vận dầu mỏ Nga trong gói trừng phạt mới, theo đó, từ nay đến cuối năm châu Âu sẽ cắt 2/3 nguồn dầu mỏ nhập từ Nga.
Phương án thỏa hiệp
Để tránh kịch bản không mong muốn là hội nghị bế tắc trong việc đưa ra giải pháp cắt giảm sự phụ thuộc vào năng lượng Nga, Ủy ban châu Âu vừa đưa ra đề xuất mang tính thoả hiệp để hướng tới một lệnh cấm vận vận chuyển dầu mỏ của Nga bằng đường biển, nhưng vẫn cho phép vận chuyển qua hệ thống đường ống Druzhba dài nhất thế giới.
Đây là kịch bản dễ thực hiện nhất về mặt kỹ thuật bởi khi EU đặt đường ống Druzhba ra ngoài danh sách trừng phạt, các nước như Hungary, Slovakia, CH Séc sẽ có thể tiếp tục nhập khẩu dầu mỏ từ Nga như bình thường trong vài năm tới. Đức và Ba Lan cũng có thể tiếp cận nguồn dầu này thông qua đường ống Bắc Druzhba dù hiện tại chính phủ Đức và Ba Lan đều tuyên bố đã sẵn sàng để loại bỏ toàn bộ nguồn dầu mỏ nhập từ Nga. Tuy nhiên, có một số vấn đề đặt ra đối với phương án này. Đầu tiên, đó là đòi hỏi thêm từ Hungary, như phân tích ở trên, đó là Hungary vẫn yêu cầu Uỷ ban châu Âu phải có thêm phương án dự phòng cho nước này, để đảm bảo nếu đường ống Druzhba bị phá huỷ bởi chiến sự tại Ukraine thì Hungary vẫn có cách khác để nhập dầu từ Nga. Trong thoả thuận mới đạt được đêm 30/5, châu Âu chưa nêu rõ các chi tiết liên quan đến yêu cầu này của Hungary.
Thách thức thứ 2 lớn hơn, đó là sự đồng thuận từ các quốc gia thành viên khác của EU. Việc EU tạo ngoại lệ cho Hungary, CH Séc, Slovakia sẽ khiến các nước khác đặt dấu hỏi về sự cạnh tranh công bằng trong nội bộ EU bởi trong khi Hungary, CH Séc, Slovakia vẫn có thể tiếp tục nhập khẩu dầu của Nga với giá rẻ thì các nước khác lại phải đi tìm nguồn cung khác với giá cao hơn nhiều. Đây là một vấn đề không thể xem nhẹ bởi 3/4 lượng dầu mỏ mà các nước EU nhập từ Nga được vận chuyển qua đường biển, chỉ có 1/4 là thông qua đường ống dẫn dầu nên nếu cấm nhập khẩu đường biển và tạo ngoại lệ cho nhập khẩu qua đường ống dẫn dầu thì tác động đến các nước EU sẽ rất lớn. Trong bối cảnh lạm phát tại các nước châu Âu đều đang tăng cao, chính phủ các nước EU chịu sức ép lớn về kinh tế nên nếu có một sự phân biệt đối xử, cạnh tranh không bình đẳng trong chính nội bộ EU thì chắc chắn sự đoàn kết của EU sẽ bị lung lay. Trong trường hợp này, Uỷ ban châu Âu có lẽ sẽ buộc phải chuẩn bị thêm một biện pháp khác nhằm bù đắp cho các nước thành viên EU chấp nhận việc cắt ngay lập tức nguồn dầu mỏ từ Nga, và như thế châu Âu sẽ lại có thêm một gánh nặng tài chính mới
Tiếp đến, việc EU chỉ cấm vận một phần dầu mỏ từ Nga sẽ làm cho chính lệnh trừng phạt này bị suy yếu, khiến mục đích lớn nhất của các lệnh trừng phạt – là răn đe Nga về mặt kinh tế - khó có thể đạt được. Trên thực tế, kể từ khi cuộc chiến nổ ra tại Ukraine, Liên minh châu Âu đã áp đặt 5 vòng trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga, và chuẩn bị là vòng trừng phạt thứ 6, nhưng mục tiêu lớn nhất mà các lãnh đạo châu Âu đưa ra là ép Nga phải dừng cuộc chiến, rút quân khỏi Ukraine hoàn toàn thất bại. Nga vẫn tiếp tục chiến dịch quân sự đặc biệt của mình và Ukraine vẫn tiếp tục bị lún sâu vào một cuộc chiến có sức tàn phá khủng khiếp về kinh tế và thiệt hại nặng nề về sinh mạng. Các lệnh trừng phạt này cho đến nay đang khiến EU thiệt hại về kinh tế lớn hơn Nga, về mặt ngắn hạn. Trong lĩnh vực dầu mỏ, từ khi cuộc chiến tại Ukraine nổ ra, Nga đã thu về khoảng 30 tỷ euro tiền bán dầu mỏ cho EU. Khoảng 26% lượng dầu mỏ của châu Âu là do Nga cung cấp nên khi cắt nguồn cung từ Nga, châu Âu sẽ phải đi tìm các nguồn cung thay thế đắt đỏ hơn trong khi phía Nga, như thừa nhận của Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen, lại có thể đưa phần dầu dự định bán cho EU, bán ra thị trường thế giới với giá cao. Do đó, về lâu dài EU có lẽ sẽ phải tìm kiếm các giải pháp khác về chính trị-ngoại giao nhằm sớm chấm dứt cuộc chiến tại Ukraine thay vì các lệnh trừng phạt kinh tế và lao vào cuộc đua trả đũa kinh tế tốn kém với Nga.
Nguy cơ rạn nứt, thậm chí sụp đổ, bên trong EU
Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Kinh tế Đức một lần nữa bày tỏ lo ngại sâu sắc về sự rạn nứt, thậm chí đe dọa sự sụp đổ khối EU thống nhất. Trong bối cảnh cuộc xung đột Ukraine chưa có dấu hiệu dừng lại, giá cả năng lượng tại châu Âu tiếp tục leo thang, khác biệt về quan điểm và lợi ích giữa các nước thành viên tiếp tục nới rộng,
Dầu mỏ của Nga chưa phải là vấn đề hóc búa nhất đối với châu Âu. Nga cung cấp 26% nhu cầu dầu mỏ cho châu Âu nhưng đến 40% khí đốt. Trong vấn đề dầu mỏ, chỉ có Hungary là phản đối quyết liệt nhất nhưng nếu bàn đến khí đốt của Nga thì các nước như Đức, Áo còn phản đối quyết liệt hơn. Do đó, các khó khăn của châu Âu trong thời gian qua trong việc tìm kiếm sự đồng thuận để cấm vận dầu mỏ của Nga sẽ chỉ cho thấy là trong tương lai, các bất đồng nội bộ của EU sẽ còn lớn hơn rất nhiều nếu châu Âu muốn cấm vận khí đốt Nga.
Tuyên bố của Bộ trưởng Kinh tế Đức, ông Robert Habeck là minh chứng rõ nhất cho điều mà giới phân tích châu Âu gọi là “sự mệt mỏi của các lệnh trừng phạt”. Qua 3 tháng chiến sự tại Ukraine và 5 vòng trừng phạt kinh tế, châu Âu đang dần cạn kiệt các vũ khí kinh tế và bắt đầu thấm mệt vì tác động kinh tế từ chính các lệnh trừng phạt Nga gây ra. Ngoài ra, như phân tích ở trên, mục đích lớn nhất của các trừng phạt kinh tế là răn đe, buộc Nga dừng cuộc chiến tại Ukraine thì hoàn toàn không đạt được.
Câu hỏi đặt ra là châu Âu sẽ theo đuổi các chiến lược trừng phạt này đến bao giờ? Hiện tại đang là mùa Hè nên nhu cầu năng lượng tại châu Âu chưa cao nhưng đến mùa Đông, sức ép sẽ lớn hơn rất nhiều. Hiện tại trong nội bộ EU đang có những quan điểm rất khác biệt giữa các nước về cách tiếp cận với cuộc chiến tại Ukraine. Có những nhóm nước như Ba Lan, 3 quốc gia Baltic, CH Séc theo đuổi chiến lược cứng rắn, muốn châu Âu cắt đứt toàn bộ quan hệ kinh tế với Nga, muốn châu Âu hỗ trợ Ukraine đến cùng về mặt kinh tế-quân sự để buộc Nga phải thất bại. Một số nước, như Hungary, lại có quan điểm ôn hoà hơn, không ủng hộ các hành động của Nga nhưng cũng chỉ trích công khai các đòi hỏi từ chính quyền Ukraine. Tiếp đến là các nước EU chủ chốt, dẫn đầu là hai cường quốc đầu tàu Pháp-Đức, lại đang âm thầm theo đuổi việc đối thoại với Nga nhằm tìm giải pháp ngoại giao chấm dứt cuộc chiến. Do đó, khi cuộc chiến tại Ukraine càng kéo dài, tác động về giá nhiên liệu, về an ninh lương thực càng nghiêm trọng thì các mâu thuẫn trong cách tiếp cận cuộc chiến Ukraine của các nước EU sẽ càng bộc lộ rõ hơn, nguy cơ chia rẽ sẽ càng lớn hơn bởi lẽ sẽ khó có một kịch bản kết thúc cuộc chiến tại Ukraine có thể làm vừa lòng tất cả 27 quốc gia thành viên EU./.