Phía Washington cho rằng người Mỹ đang phải chịu thiệt thòi trong mối quan hệ thương mại với Ấn Độ. Trong khi Ấn Độ được hưởng ưu đãi thuế quan từ "Chính sách ưu đãi thuế quan" phổ cập được Mỹ đưa ra từ năm 1976 nhằm giúp các quốc gia đang phát triển tiếp cận dễ dàng hơn với người tiêu dùng Mỹ thì các mặt hàng xuất khẩu của Mỹ lại bị Ấn Độ áp thuế rất cao do ảnh hưởng của chiến dịch "Make in India" của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
Để giải quyết tình trạng thâm hụt thương mại, Nhà Trắng tuyên bố sẽ chấm dứt chính sách ưu đãi đới với các mặt hàng xuất khẩu của Ấn Độ vào Mỹ. Quyết định sẽ có hiệu lực kể từ ngày 5.6.2019.
Chính phủ Mỹ cũng thông báo họ sẽ áp thuế đối với các sản phẩm pin năng lượng mặt trời, máy giặt. Hai mặt hàng này của Ấn Độ trước đó đã được Mỹ miễn trừ thuế do nằm trong "Chính sách ưu đãi thuế quan".
Các nhà xuất khẩu dệt may, trang sức, phụ tùng ô tô và nông sản của Ấn Độ cũng sẽ bị áp thuế theo quyết định này của chính phủ Mỹ. Mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Ấn Độ dường như là không thể tránh khỏi. Rất có thể đây sẽ là khởi đầu cho một chiến tranh thương mại mới giữa Mỹ và một quốc gia đã từng được coi là đồng minh thân cận.
"Thật không may khi sự đàm phán thương mại giữa chúng tôi và Mỹ đã thất bại", Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bày tỏ sự thất vọng trong một tuyên bố vào hôm thứ Bảy.
Ấn Độ đã nhiều lần trì hoãn việc thay đổi chính sách thuế quan đối với mặt hàng xuất khẩu của Mỹ vào nước này, bao gồm nông sản như hạnh nhân, táo và các sản phẩm làm bằng kim loại.
Cuộc đàm phán đã bị bế tắc trong nhiều tháng. Các nhà đàm phán Mỹ ngày càng tỏ ra thất vọng trước chính sách bảo hộ mậu dịch bảo thủ ngày càng tăng của Ấn Độ đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ. New Delhi đã đưa ra nhiều quy định ngặt nghèo đổi với Amazon và Flipkart (một trang web thương mại điện tử do Walmart điều hành) để nâng đỡ các công ty thương mại điện tử của nước mình. Trong khi đó, Ấn Độ lại không hài lòng vì hành động trừng phạt mạnh tay của chính phủ Mỹ đối với Iran, nó khiến Ấn Độ gặp khó khăn trong việc nhập khẩu dầu.