Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất là một liên bang gồm 7 tiểu vương quốc, được thành lập vào ngày 2/12/1971. Mỗi tiểu vương quốc nằm dưới quyền cai trị của một quân chủ, và hình thành Hội đồng Tối cao Liên bang cho cả khu vực. Trong nhóm 7 tiểu vương quốc này, Dubai và Abu Dhabi nổi lên là những cái tên giàu có nhất.
Trước năm 1892, UAE chìm trong chiến tranh vào nghèo đói. Khu vực này nằm tại trung tâm hoang mạc rộng lớn ở Tây Á, tuy giáp biển, nhưng lại thiếu nước ngọt, không có đất nông nghiệp. Cuộc sống của người dân dựa chủ yếu vào nghề buôn bán nô lệ, đánh bắt và nuôi trồng hải sản, đặc biệt là nuôi trai lấy ngọc.
Năm 1892, hiệp ước bảo hộ với Anh đã giúp chiến tranh tạm dừng trên khắp các khu vực của UAE, đồng thời mở ra cơ hội phát triển rực rỡ cho nghề nuôi trai lấy ngọc. Từ thế kỷ XIX đến những thập kỷ đầu thế kỷ XX, ngành công nghiệp ngọc trai phát triển mạnh, tạo ra thu nhập và sự hưng thịnh cho cư dân vịnh Ba Tư.
Chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra gây tác động nghiêm trọng đến ngành công nghiệp này, bởi Anh là một trong những quốc gia gây chiến. Suy thoái kinh tế toàn cầu vào cuối thập niên 1920 và sự phát triển nhanh chóng của ngọc trai nuôi cây đã đẩy kế sinh nhai của người dân UAE đến chỗ diệt vong.
Cứu cánh cho kinh tế các nước Ba Tư đến khi dầu mỏ trở thành nguồn năng lượng chính của thế giới từ năm 1922. Sở hữu trữ lượng dầu mỏ lớn thứ 7 thế giới và trữ lượng khí thiên nhiên lớn thứ 17, UAE đã nhanh chóng gia nhập các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới.
Hàng tỷ USD thu được từ ngành xuất khẩu này đã nhanh chóng thay đổi diện mạo của khu vực, và tạo nên tiềm lực kinh tế, quân sự hùng mạnh, đủ sức giúp UAE thoát khỏi vòng bảo hộ (nhưng thực chất là kiềm tỏa và khai thác) của Anh. UAE chính thức độc lập vào năm 1971.
Sau độc lập, kinh tế UAE tăng trưởng thần tốc. 10 năm sau khi độc lập, UAE mới chỉ có GDP đạt ngưỡng 50 tỷ USD thì đến năm 2017, GDP của khu vực này đã đạt 382 tỷ USD.
Dầu mỏ vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong ngành kinh tế UAE, nhưng giá trị kinh tế lại trồi sụt do giá dầu nhiều năm qua không còn đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng như thời kỳ cuối thế kỷ XX. Trong khi đó, du lịch nổi lên là một thế mạnh, nhờ việc chính phủ các quốc gia này đẩy mạnh đầu tư xây dựng các công trình chọc trời, với thiết kế đặc biệt nhất thế giới.
Ba trong số những kỳ quan xây dựng của thế giới mới của UAE đều nằm ở Dubai, thành phố đông dân nhất, gồm khách sạn 7 sao Burj Al Arab (Dubai), quần đảo nhân tạo Cây Cọ (Dubai) và tòa nhà cao nhất thế giới Buji Khalifa.