"Mẹ kế thương mình hơn con đẻ"
Đó là cảm nhận mà người kể câu chuyện – cô gái Vũ Thu Hương, sinh năm 1992 đến từ thành phố Hải Dương chia sẻ.
Đối với cô, sự quan tâm, săn sóc và tình thương yêu mà người mẹ kế dành cho mình khiến cô luôn cảm thấy trân trọng và biết ơn.
Vũ Thu Hương hiện đang kinh doanh thời trang, đã lập gia đình và sinh được cô con gái đầu lòng. Được biết, do cuộc sống gia đình "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt" nên bố mẹ Thu Hương sớm ly hôn khi cô chỉ mới 5 tuổi.
Là con gái duy nhất trong nhà, cô sống với bố đến năm 15 tuổi thì bố cô quyết định đi bước nữa. Theo lời kể của Thu Hương thì mẹ kế của cô sinh năm 1973, hiện đang làm nông và ngoài ra, tranh thủ thời gian, bà còn làm công nhân may để kiếm thêm thu nhập.
Mẹ kế thường xuyên quan tâm, chăm sóc, gói ghém quà mang theo mỗi dịp lên thăm con chồng.
"Bố mẹ sống với nhau không hạnh phúc, hay cãi vã, xích mích nên khi họ chia tay rồi gần 10 năm sau, bố lấy vợ mới thì mình hoàn toàn ủng hộ.
Không như những đứa trẻ ở tuổi mới lớn, khi bố hoặc mẹ đi bước nữa sẽ thường tỏ thái độ gay gắt, tức tối. Ngược lại thì mình biết dù sao bố và mẹ đẻ không thể quay về với nhau, hơn nữa bố mình sống cô đơn cũng lâu rồi, ông cần người chăm sóc, đặc biệt là sau mình còn đi lấy chồng nữa do đó mình không ý kiến gì khi bố và mẹ hai lấy nhau" – Thu Hương tâm sự.
Câu chuyện "mấy đời bánh đúc có xương, nhưng thời nay mẹ kế rất thương con chồng" của Thu Hương khiến bao người cảm động.
Trước giờ, cái danh từ "dì ghẻ" vẫn gợi cho người ta những suy nghĩ thiếu thiện cảm. Nào thì dì ghẻ bắt nạt con chồng, dì ghẻ ghê gớm... Thế nhưng, thời nay đâu còn như vậy nữa như câu chuyện của Thu Hương chia sẻ là một minh chứng:
"Bố với mẹ kế sinh được thêm hai cô con gái nữa, hai bên gia đình đều đi lại. Lúc đầu mẹ đẻ và mẹ hai ghét nhau lắm, nhưng một thời gian sau thì hai mẹ lại dần thấu hiểu, cảm thông cho nhau và đối xử với nhau như hai chị em vậy.
Mẹ mình mới mất hơn 7 tháng, và quãng thời gian đau khổ ấy của mình may sao có mẹ hai bên cạnh. Mình lấy chồng, sinh con rồi, tuy ở xa cách 50km nhưng đều đặn mấy tuần mẹ lại xách gạo, hoa quả quê lên cho con và cháu (của chồng) rồi ở lại chơi, tâm sự và dặn dò, dạy bảo mình nhiều lắm.
Bây giờ mình không gọi mẹ kế là dì như trước, hai người tự gọi nhau là mẹ con từ khi nào không biết nữa.
Bố có ba đứa con gái, đứa nào cũng giống bố y hệt. Mẹ kế bảo mình: "Hương phải buộc tóc lên mới xinh (mẹ đẻ trước cũng hay nói thế), rồi Hương phải ăn uống đầy đủ, không thì mặt toàn mụn, đi ra ngoài nhớ mặc áo chống nắng vào không lại đen da..."
Mẹ còn mua sữa, mang quà quê lên rồi chăm bẵm cho con của mình từng ly từng tí. Bản thân mình cũng hay mua đồ gửi về quê cho bố mẹ và các em, vì ở quê bố mẹ vừa đi làm đồng, vừa làm công nhân, vất vả lắm".
"Mấy đời bánh đúc có xương - Thời nay mẹ kế rất thương con chồng"
Câu chuyện mà Thu Hương chia sẻ về tình cảm giữa mẹ ghẻ, con chồng khiến nhiều người không khỏi cảm thấy ấm lòng và ngưỡng mộ.
Cô cho biết, giờ đây mẹ kế là người mẹ thứ hai luôn ở bên quan tâm, trò chuyện và khuyên bảo mỗi lúc cô gặp khó khăn và cần tìm một chỗ dựa.
"Mình kể câu chuyện này vào hôm mẹ lên thăm rồi lại lên xe về quê, cảm giác nhớ mẹ và trống trải quá nên mới viết mấy dòng để chia sẻ với mọi người, không ngờ lại được quan tâm nhiều đến vậy...
Mỗi lần gia đình mình về quê thăm bố mẹ, ông bà và các em thì mẹ đều nấu nhiều món ngon, để dành quà quê cho. Mẹ không bao giờ phân biệt con đẻ với con chồng mà dạy dỗ như nhau, đặc biệt chưa một lần mẹ có ý gì chia rẽ bố con mình, chỉ toàn vun vào thôi.
Mẹ mình không dạy kiểu khách sáo mà dạy bảo mình nhử mẹ đẻ, có mắng mỏ, có răn đe, có dỗ dành...
Đôi khi mẹ thấy mình ăn mặc hay tóc tai, ăn nói chưa ổn là mẹ chỉnh đốn ngay, cảm giác rất gần gũi vì mẹ ko muốn con xấu và lôi thôi. Rồi lúc nào cũng dặn mình ăn uống đầy đủ, chịu khó nấu cơm nh, hạn chế ăn ở ngoài" - Thu Hương chia sẻ
Xưa nay, nhiều người vẫn luôn bị ám ảnh câu nói "mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng". Ngay cả trong cuộc sống hiện tại, có những mối quan hệ thực sự đang tốt đẹp cũng bị rào cản ấy phá hỏng.
Bởi bản thân chúng ta luôn nghĩ, mẹ kế sẽ chẳng yêu thương con chồng, chẳng ai đối xử thật lòng với mình. Là tự chúng ta tạo ra khoảng cách ấy.
Chỉ là một đoạn chia sẻ ngắn, thế nhưng câu chuyện của Thu Hương nhận được sự đồng cảm của cộng đồng mạng.
Người dùng Thảo Mi tâm sự: "Chả phải nói thêm đâu. Chính mình đang nuôi hai đứa con của chồng. Từ lúc đứa bé mới 5 tháng. Nhưng mình lại quý chúng nó lắm.
Đi đâu là cứ sốt ruột chạy về. Đi chợ, đi chơi cứ thấy quần áo, đồ chơi là mua cho các con. Nói chung tình cảm con người khó nói trước lắm!"
Nickname Nguyễn Hằng cũng kể câu chuyện của mình: "Mình chuẩn bị lấy chồng. Anh ấy đã có con riêng hơn 3 tuổi. Tuổi mình thì còn trẻ, vợ anh ấy không phải mất rồi mà là bỏ đi. Bây giờ chị ấy đã có 1 đứa con với người đàn ông khác.
Mà thấy mẹ người yêu mình bảo chưa bao giờ về thăm con 1 lần, ngày bỏ đi còn bỏ đi trong đêm. Trước bọn mình quen nhau, anh ấy giấu. Cái ngày anh nói có vợ có con rồi mà mình khóc ròng rã, không muốn tin là thật. Sau đó mình mới bắt đầu suy nghĩ, chắc do duyên nợ, mình chấp nhận đến với anh ấy mặc cho gia đình, bạn bè ngăn cản rất nhiều.
Từ lúc nói chuyện qua điện thoại, bà nội xui con gái anh gọi mình là mẹ. Thành quen. Nó chỉ biết mẹ nó bỏ đi lấy chồng khác rồi, mình về nhà quấn mình không rời, chả cần bà nội luôn. Ngày mình đi thì khóc riết, cứ đòi mẹ...
Mình đến với anh ấy vì thấy rất thương hai bố con, cảm giác như mẹ ruột của bé vậy..."
Quả thật, yêu một người tức là yêu luôn cả những người thân yêu của họ. Chỉ cần là tấm lòng chân thật, dù chẳng mang nặng đẻ đau nhưng những người mẹ này vẫn luôn yêu thương, hết lòng chăm sóc những đứa con của chồng.
Để rồi nhiều người chẳng còn nề hà phân biệt mẹ với dì, gọi mẹ từ bao giờ không biết.