Người Việt quá lãng phí thực phẩm!: Đừng vì sĩ diện

Ngọc Kỳ (Ghi) |

Hãy thôi những cách hành xử lạc hậu! Sử dụng thực phẩm đúng và đủ không chỉ tốt cho mình mà còn cho mọi người, vì mọi người

Báo Người Lao Động nhận được nhiều bài viết tham gia diễn đàn "Người Việt quá lãng phí thực phẩm". Các tác giả đã tập trung phân tích nguồn cơn của sự lãng phí, đồng thời đóng góp những ý tưởng để việc sử dụng thực phẩm hợp lý, có trách nhiệm xã hội hơn.

Thanh Vân (TP Trà Vinh):

Tư duy lệch lạc

Nguyên nhân dẫn tới lãng phí thực phẩm có nhiều nhưng phần lớn đến từ những quan niệm lạc hậu, thích thể hiện. Quan niệm đó chỉ là tư tưởng "trưởng giả học làm sang" chứ kỳ thực chả "sang" gì cả. Thời buổi này mà nhiều người vẫn còn suy nghĩ đã đãi khách thì phải mâm cao cỗ đầy, đồ ăn ê hề, thừa mứa thì tôi chịu…

Nhiều đám giỗ, gia chủ xếp thức ăn lên bàn chật ních, đến khi không còn một khoảng trống; rồi suy nghĩ khi ăn uống phải "dằn dĩa" mới lịch sự nên không ít người đi hàng quán thường chừa lại thức ăn.

Có người sai lầm do thiếu tính toán, như ông anh tôi mỗi lần làm tiệc là ăn cả tuần chưa hết. Nguyên do là nhiều món mà món nào ông ấy cũng cân đo số lượng phải đủ no bụng mọi người. Vậy là gần như cứ 4 món là dư trọn 3 phần!

Còn lúc xách giỏ đi chợ, nhiều người cứ thấy vui mắt là chọn, mang về thật nhiều rau, thịt, cá, đồ hộp để tủ lạnh dù họ thừa nhận có khi không dùng tới. Đến lúc để lâu hỏng hết mới tiếc, nhưng tiếc vậy chứ cứ ra chợ là y như rằng lại "vui mắt chọn".

Theo tôi vấn đề chính là ở quan niệm và thái độ về ăn uống của chúng ta có phần lệch lạc. Có lẽ đã đến lúc quên đi khái niệm mâm cao cỗ đầy là thể hiện tấm lòng hiếu khách hay vị thế gia chủ. Cũng đã đến lúc phải biết thể hiện ý thức, trình độ dân trí của mình qua cách ăn uống. Tiết kiệm, sử dụng đúng, đủ không chỉ tốt cho mình mà còn cho mọi người, vì mọi người.

Nên nhớ, ông bà ta có dạy "một miếng khi đói bằng gói khi no". Còn nhiều người đang thiếu ăn lắm!

Người Việt quá lãng phí thực phẩm!: Đừng vì sĩ diện - Ảnh 1.

Sử dụng thực phẩm vừa đủ là cách hành xử văn minhẢnh: HẠNH ANH Trang Nguyễn (Thừa Thiên - Huế):

"Bữa tiệc sang chảnh" của bốn đứa trẻ nghèo

Dì tôi có nghề tay trái là đi phụ việc nấu đám cưới. Dì không phải bếp chính, bếp phụ gì cả, chỉ là một chân phụ rửa chén, cắt rau, nhặt hành, sắp xếp bát đĩa… Hễ có người gọi đi giúp đám cưới này hay đám giỗ kia là dì gác lại công việc làm nhang trầm để theo những chuyến xe nấu ăn đi khắp tỉnh.

Ngày ấy, mỗi khi nghe dì thông báo đi phụ việc, chúng tôi hí hửng ra mặt vì sắp được thưởng thức những món "sang chảnh". Dù tối muộn thế nào, mấy chị em vẫn đợi dì về với cái bụng rỗng do nhịn cơm từ chiều để dành bụng ăn "tiệc". Chưa bao giờ dì về tay không và chúng tôi chẳng bao giờ phải thất vọng.

Tiền công chẳng được bao nhiêu nhưng bù lại sẽ có những gói thức ăn hấp dẫn được dì gói ghém cẩn thận mang về. Con tôm tẩm bột chấm nước sốt béo ngậy dẫu lớp bột chiên bên ngoài hết giòn từ lâu, mấy lát giả giò bóng dầu mỡ, cục xôi vò phảng phất mùi thơm của đậu xanh… luôn đem lại những niềm vui khó tả. Lũ trẻ hồi ấy đâu cần biết đó là thức ăn thừa trên các bàn tiệc được thu gom lại và chia đều cho thành viên trong nhóm phụ việc, và 4 đứa trẻ gồm 2 chị em tôi và 2 con của dì đã lớn lên nhờ thức ăn thừa trong các buổi tiệc.

Bởi vậy, mấy phần thức ăn thừa trong các buổi tiệc tùng của người dưng là cả một niềm vui lớn của chúng tôi. Sự lãng phí của người này, trong thời điểm nghèo khó đó, lại là giấc mơ của người khác.

Thời gian gần đây, khi kinh tế phát triển, tư duy xem nhẹ đồ ăn dường như được "cổ vũ" mạnh mẽ hơn. Nhiều lần ngồi trong bàn tiệc, nhìn thực đơn các món được in sẵn, tôi chóng cả mặt vì một danh sách dài. Hồi kết của những màn ăn uống đó thường là la liệt thức ăn để lại và từ đây, một hiện tượng xấu khác tiếp diễn.

Đó là việc nhiều khách trong tiệc trộn chung thức ăn thừa trong chén đĩa riêng của mình vào các đĩa thức ăn còn khá nguyên vẹn. Miếng chả cắn dở, chút nước xúp chưa ăn hết, cả vỏ tôm, vỏ cua gì cũng đổ ụp tất cả vào nồi lẩu, tô xúp. Thậm chí, có khách nam trẻ tuổi cầm chai bia đổ ào ào vào nồi lẩu mới chỉ vơi đi chút ít.

Những món ăn thừa đó nếu không bị trộn lại thì có ai còn tận dụng được không? Tôi nghĩ là có khi liên hệ với tuổi thơ của của mình…

Xin đừng ích kỷ như thế! Bởi biết đâu vẫn còn những đứa trẻ đang mỏi mắt chờ, ngóng cổ trông, lòng khấp khởi mong bà, mẹ, chị gói ghém về những túi thức ăn ngon lành… như chúng tôi ngày xưa.

Nhiều năm trước, tôi dự tiệc cùng những thực khách chững chạc, sành điệu tại một nhà hàng sang trọng. Một vị khách lớn tuổi bảo tôi hãy gắp phần thịt cuối cùng trên dĩa mà tôi có ý định “dằn” lại. Vì với ông, việc để lại thức ăn là thiếu lịch sự, thậm chí quá... hèn!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại