Dân công sở luôn có những khoản chi khiến cho nhiều người cảm thấy rằng khá lãng phí, không cần thiết, rõ ràng có thể tiết kiệm nhưng vẫn không ngần ngại chi tiêu. Nghe có vẻ kỳ lạ nhưng những khoản này lại là cách giúp họ tiết kiệm tiền.
Luôn gọi đồ ăn ngoài cho bữa trưa
Một trong những cách tiết kiệm của dân công sở được nhiều người nhắc đến nhất chính là chuẩn bị cơm trưa mang theo. Như vậy vừa đảm bảo được chất lượng thực phẩm lại có giá cả phải chăng hơn rất nhiều so với đi ăn cơm hàng.
Tuy nhiên, đối với Giang Linh (24 tuổi) đang làm tại 1 công ty truyền thông, cô bạn không cho rằng nó hoàn toàn 100% tiết kiệm. “Mình là người luôn gọi đồ ăn ở ngoài cùng đồng nghiệp cho bữa trưa. Thông thường sẽ dao động từ 50-100 nghìn đồng/ bữa. Những hôm bọn mình ăn sang thì sẽ đắt hơn một chút”.
Những bữa ăn trưa phong phú của Giang Linh
Giang Linh chia sẻ mẹ cô luôn nhắc nhở phải chuẩn bị đồ ăn và đưa đi vì ăn ngoài rất lãng phí và không cần thiết. Tuy nhiên, cô bạn 24 tuổi cho rằng đây là cách cô xả hơi sau những giờ làm việc vất vả.
“Công việc của mình khá bận rộn, có những ngày sẽ liên tục bị thúc giục trong các nhiệm vụ được giao. Mình cũng không thích nấu ăn, do vậy thường xuyên gọi đồ ăn. “Ăn ngon” như là 1 liệu pháp cho tinh thần mình, nếu mà mỗi ngày còn phải nghĩ xem hôm nay ăn gì chắc mình không chịu nổi mất”.
Giang Linh không phủ nhận đối với nhiều người việc chuẩn bị cơm đi làm sẽ tiết kiệm hơn, chỉ là nó không phù hợp với bản thân. “Mình muốn dành tâm sức để giải quyết công việc. Gọi đồ ở ngoài sẽ giúp mình tiết kiệm thời gian hơn rất nhiều. Bản thân mình cũng có năng lượng để làm việc tốt hơn, và có thể sẽ kiếm được nhiều hơn khi ở trạng thái tốt nhất sau khi được ăn ngon”.
Khoản chi cho các mối quan hệ làm việc chưa bao giờ là lãng phí
Với Hải Yến (26 tuổi) đang làm Marketing, câu mà mọi người thường xuyên hay nói là: “Đồng nghiệp hay đối tác thì làm việc và giao lưu ở công ty là đủ rồi, đi ăn ngoài nếu không cần thiết trực tiếp cho công việc là tốn kém”. Cô bạn chia sẻ rằng bản thân mình là người thường xuyên đi gặp gỡ giao lưu với mọi người.
Hải Yến
Dù bị nhiều người nói như vậy, song Hải Yến cho rằng việc cải thiện cũng như mở rộng các mối quan hệ xã hội ngoài việc đem lại trải nghiệm thú vị, giúp nâng cao vốn sống, kinh nghiệm, và học hỏi được nhiều điều mới. “Mỗi tháng mình luôn dành ra 10-15% thu nhập cho những cuộc giao lưu như vậy. Với mình, đây là khoản tiền được chi rất xứng đáng vì nó giúp cho mình có những mối quan hệ chất lượng, học được rất nhiều kỹ năng cần thiết”.
Bên cạnh đó, có 1 khoản tiền khác mà Hải Yến thường xuyên bị những người xung quanh “phê bình”, đó là khoản mục dành cho thần tượng. “Ai cũng có cách riêng để giải tỏa áp lực và với mình theo đuổi thần tượng là cách tốt nhất. Mình tin là khi có đủ thời gian thư giãn, thể chất và tinh thần được cân bằng thì làm việc sẽ càng hiệu quả hơn”.
“Chưa kể là các idol thường sẽ trở thành động lực giúp cho bản thân mình sống tích cực, tốt hơn và nhờ quá trình đu idol mà mình đã học được rất nhiều kỹ năng cần thiết. Chẳng hạn như kỹ năng mềm như quản lý thời gian, chủ động trong công việc, tự tin giao tiếp với người lạ, quản lý đội nhóm. Hay những kỹ năng liên quan công việc như quản lý trang MXH, viết nội dung, thiết kế ảnh, chỉnh sửa video, dịch thuật…. Mình đã tiết kiệm được kha khá tiền trong chuyện học những kỹ năng này và nó cũng giúp mình có được những công việc đầu đời ở mảng Marketing”, Hải Yến chia sẻ.
Quá trình hâm mộ thần tượng của Hải Yến
Tiết kiệm hơn nhờ chi tiền du lịch
Đức Vũ (22 tuổi) hiện tại đang làm trong lĩnh vực thương mại điện tử bộc bạch rằng khoản tiền mà nhiều người cho rằng cậu bạn đang chi tiêu lãng phí nhất chính là để đi du lịch. Đức Vũ thường sẽ lên kế hoạch đi du lịch nghỉ lễ hoặc cuối tuần, 1 năm trung bình sẽ 5-7 chuyến đi.
“Nhiều người thường nói rằng những chuyến đi của mình khá là tốn kém và không cần thiết. Mình thường chi 20% thu nhập để đi du lịch, đây rõ ràng không phải là khoản tiền nhỏ nhưng mình thấy rằng nó rất xứng đáng”.
Đối với cậu bạn 22 tuổi, sau những ngày làm việc vất vả, du lịch chính là cách tốt nhất để giải tỏa áp lực, có khoảng thời gian để nghỉ ngơi. Hơn thế nữa, đây cũng là thời gian để gắn kết với gia đình, bạn bè và tiếp thu thêm nhiều kiến thức mới thông qua mỗi trải nghiệm.
“Sau mỗi chuyến du lịch, tinh thần sảng khoái cũng giúp cho công việc trở nên hiệu quả hơn. Trong cơ chế năng lượng của mình, làm việc liên tục và luôn rơi vào vòng xoáy hối hả sẽ khiến mình nhanh kiệt quệ. Dù có cố gắng làm việc cũng không thể tập trung được. Vì vậy, dù một số người xung quanh cảm thấy chi nhiều tiền đi du lịch là quá tốn kém, mình vẫn thấy đây là khoản đầu tư có giá trị, tiết kiệm hơn rất nhiều. Mình không muốn thu nhập của bản thân giảm cho kiệt sức dẫn đến ảnh hưởng đến hiệu suất công việc”.
Ngoài ra, từ khi đi làm, Đức Vũ cũng dành một khoản tiền cho việc khám sức khỏe định kỳ và mua thực phẩm chức năng. “Nhiều người cho rằng còn trẻ lẽ dĩ nhiên sức khoẻ vẫn còn rất tốt. Tuy nhiên, mình nghĩ rằng phòng bệnh hơn chữa bệnh, như vậy sẽ tiết kiệm hơn rất nhiều”.
Đức Vũ
Làm sao để biết rằng bản thân đang không chi tiêu hoang phí?
Ranh giới giữa chi tiêu hợp lý và hoang phí đôi khi rất khó để có thể phân biệt, đặc biệt khi nhiều người đưa ra tiêu chuẩn dựa trên cảm quan riêng của phần lớn mọi người.
Đối với Đức Vũ, đầu tiên cần phải xác định được như thế nào là 1 khoản chi lãng phí. “Mình nghĩ rằng đó là lúc số tiền bản thân chi ra không tạo giá trị cả về vật chất lẫn tinh thần. Mình thường có thói quen chia nhỏ thu nhập của tháng sang thành nhiều quỹ để sử dụng cho phù hợp. Theo trải nghiệm cá nhân, mình thấy việc này khá hiệu quả trong việc cân nhắc chi các khoản”.
Bên cạnh đó, Hải Yến luôn lập ra ngân sách cụ thể cho từng tháng và cả năm. Đến khi thực hành, cô bạn có thói quen ghi chú lại toàn bộ các chi tiêu lớn nhỏ trong tháng để dễ theo dõi cũng như đối chiếu lại khi cần thiết. Để tránh tình trạng chi tiêu quá lố, Hải Yến thường sẽ chia các khoản tiền vào các tài khoản số/ tài khoản tiết kiệm khác nhau.
“Tuy nhiên cũng không tránh khỏi trường hợp có thể có các khoản chi phí phát sinh đột ngột. Những lúc như vậy, mình sẽ cân nhắc khoản đó có cần thiết không. Nếu có thì nó là phát sinh thêm hay là chi phí chi trả 1 lần và các tháng sau không cần chi trả nữa, ví dụ như đi concert thì có thể là 1 năm chỉ đi 1 lần. Sau đó, cân đối với chi tiêu của mình trong khoảng thời gian sắp tới, chẳng hạn đi concert thì tháng đó có thể tiền tiết kiệm sẽ ít đi nhưng những tháng sau có thể tiết kiệm nhiều hơn do không cần chi cho khoản đó nữa”. Hải Yến chia sẻ.
Ảnh: NVCC