Mỗi người Việt uống hơn 44,5 lít bia/năm
Năm 2016, với mức độ tiêu thụ bia mạnh mẽ đã đưa Việt Nam lọt vào Top 10 thị trường lớn nhất thế giới về lượng bia tiêu thụ. Nhìn lại sản lượng bia của Việt Nam năm 2016 cho thấy, cả nước đạt 3,786 tỉ lít, tăng 9,3% so với năm 2015. Từ các tín hiệu của thị trường, các chuyên gia dự báo, năm 2017, thị trường Việt Nam có thể tiêu thụ tới 4 tỉ lít bia.
Điều này đã không nằm ngoài dự đoán khi báo cáo tổng kết của Hiệp hội Bia - rượu - nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết, năm 2017 lượng bia tiêu thụ tại Việt Nam tăng 6% so với năm 2016.
Năm 2016, sản lượng bia của Việt Nam là 3,788 tỉ lít, thì năm 2017, chúng ta đã đạt hơn 4 tỉ lít. Nếu cần phác thảo một biểu đồ tiêu thụ bia của thị trường Việt Nam, ta sẽ thấy, năm 2015, mỗi người dân Việt Nam tiêu thụ trung bình 38 lít bia/năm; năm 2016, còn số này tăng thêm 4 lít, đạt 42 lít/năm; năm 2017, mỗi người dân đã tiêu thụ thêm 2,5 lít, tức là mỗi người dân Việt Nam đã uống 44,5 lít bia trong năm 2017.
Dù năm 2017, mức độ tăng trưởng của thị trường bia Việt Nam chỉ bằng 2/3 so với năm2016, song độ hấp dẫn vẫn không hề suy giảm, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nước ngoài.
Giám đốc Cty CP Bia Sài Gòn - Hà Nội - ông Nguyễn Hữu Lộc - đã từng nhận định trong 1 cuộc hội thảo do VBA tổ chức hồi giữa năm 2017, rằng: “Trong 5 năm vừa rồi, mức độ cạnh tranh ngành bia nói riêng chưa bao giờ lại khốc liệt như vậy. Sự cạnh tranh đến mức thôn tính, sáp nhập nhiều doanh nghiệp”.
Điển hình gần đây nhất là việc Sabeco - doanh nghiệp chiếm trên 40% thị phần tại Việt Nam đã thuộc về một chủ đầu tư đến từ Thái Lan với số tiền mua lại lên tới gần 5 tỉ USD.
Trong quy hoạch phát triển ngành bia - rượu - NGK của Việt Nam, năm 2020 chúng ta sẽ đạt tới mục tiêu sản xuất 4,1 tỉ lít bia, tức là trung bình mỗi người Việt khi ấy sẽ uống khoảng 43 lít bia/năm (ở quy mô dân số 93,7 triệu người). Thế nhưng, với tốc độ tiêu thụ như hiện nay, chúng ta đã vượt xa mốc ấy.
Ngành y tế càng thêm lo lắng
Trái ngược với tín hiệu vui mừng, dù tốc độ tăng trưởng có thấp hơn năm trước của các doanh nghiệp kinh doanh bia - rượu - NGK, ngành y tế lại tăng nỗi lo hơn khi tỉ lệ tiêu thụ bia ngày càng nhiều.
Liên tiếp các chiến dịch truyền thông của ngành y tế khẳng định, sử dụng bia - rượu nhiều có thể gây nên các vấn đề nghiêm trọng về tim mạch, thần kinh, hệ tiêu hóa, gan, khả năng đề kháng, xương khớp và các vấn đề về sức khỏe tình dục.
Không những vậy, ngành giao thông và ngành công an cũng tăng cường tuyên truyền việc sử dụng bia - rượu là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tai nạn giao thông hoặc các hành vi vi phạm pháp luật.
Nghiên cứu gần đây của Bộ Y tế và WHO cho thấy, hơn 77% nam giới trưởng thành có sử dụng rượu - bia và gần một nửa uống ở mức gây nguy hại.
Đại diện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, Việt Nam đang dẫn đầu thế giới về tỉ lệ uống rượu - bia ở nam giới trưởng thành; các tỉ lệ này ở châu Mỹ là 70%, châu Phi 40%, châu Á 73% và tính chung toàn thế giới là 48%.
Việc quản lý sử dụng bia - rượu theo độ tuổi ở Việt Nam dù đã được quy định trong luật, nhưng thực tế gần như không được thực hiện một cách nghiêm túc.
Điều đó dẫn tới việc, giới trẻ dù chưa đủ 18 tuổi nhưng đã sử dụng rượu - bia một cách thường xuyên, đưa tỉ lệ người trẻ tuổi sử dụng bia rượu tại Việt Nam tăng cao. Kết quả nghiên cứu của cơ quan chức năng cho thấy, có tới 43% học sinh lần đầu tiên sử dụng bia - rượu trước 14 tuổi; 22,5% học sinh từng say rượu…
Tăng trưởng ngành bia - rượu chắc chắn sẽ tiếp tục tăng. Tuy nhiên, cũng cần thực hiện nghiêm khắc công tác quản lý sản phẩm bia - rượu cả về chất lượng sản phẩm, độ tuổi người sử dụng, thậm chí theo một số chuyên gia, có thể cần phải kiểm soát cả số lượng nếu cần thiết.