Hãng nghiên cứu thị trường Nielsen vừa đăng một bài viết với tiêu đề “Khám phá người tiêu dùng ở các thị trường mới nổi Đông Nam Á”. Theo đó, Philippines, Myanmar, Thá Lan và Việt Nam vẫn tiếp tục là điểm đến của các doanh nghiệp muốn mở rộng thị trường nhờ số lượng lớn người tiêu dùng trẻ và lạc quan với khả năng chi tiêu cũng như sự sẵn sàng chi tiêu.
Chỉ số niềm tin tiêu dùng ở Philippines, Thái Lan và Việt Nam luôn đạt mức cao trên thế giới, cụ thể: 132 điểm ở Philippines, 112 điểm ở Việt Nam và 110 điểm ở Thái Lan vào cuối năm 2016.
Nielsen cho rằng, thách thức lớn hơn đối với các nhà bán lẻ và nhà sản xuất hàng tiêu dùng đóng gói là làm sao giữ người tiêu dùng gắn bó với thương hiệu của họ.
Họ phải nghĩ ra những cách để lôi kéo người tiêu dùng thử sản phẩm mới, hoặc khơi gợi sự yêu thích đối với các sản phẩm. Và kết quả là người tiêu dùng sẽ cởi mở hơn để dùng thử các sản phẩm mới và sử dụng các sản phẩm có chất lượng cao để nâng cấp cuộc sống của họ.
Nielsen đánh giá công nghệ đang là một yếu tố lớn định hình cuộc sống của người tiêu dùng. Theo Nielsen, đây là điều đặc biệt ở khu vực này, nơi công nghệ là người bạn đồng hành thường xuyên từ khi thức dậy cho đến khi đi ngủ.
Nó đang thay đổi cách họ tương tác với gia đình và bạn bè, xem chương trình hoặc nghe nhạc, nhận tin tức, điều hành doanh nghiệp và cách họ mua hàng.
Đối với Việt Nam, Nielsen cho biết Việt Nam đã trở thành quốc gia đứng thứ 5 toàn cầu về mức độ lạc quan, đạt 112 điểm khi kết thúc năm 2016.
“Chúng tôi tiếp tục thấy sự tự tin của người tiêu dùng Việt cùng với những diễn biến mang xu hướng tích cực của thị trường,...
Thực tế là những yếu tố như dân số đông, trình độ dân trí ngày càng được cải thiện và tăng cũng như sự phát triển mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu và triển vọng kinh tế ổn định của chính phủ sẽ tiếp tục là những động lực chính để giúp Việt Nam trở thành một quốc gia lạc quan hơn so với các quốc gia khác trong khu vực” - bà Nguyễn Hương Quỳnh, Tổng Giám đốc Nielsen Việt Nam.
Về tiết kiệm, người tiêu dùng ở Việt Nam giữ chỉ số cao nhất trên toàn cầu (76%). Tuy nhiên, người tiêu dùng Việt Nam tiếp tục sẵn lòng chi tiêu vào các khoản mục lớn.
Khảo sát của Nielsen cũng cho thấy rằng, sau khi chi trả cho các phí sinh hoạt thiết yếu, khoảng 2/5 người tiêu dùng Việt sẵn sàng để chi cho du lịch (35%), mua sắm quần áo mới (33%), các sản phẩm công nghệ mới (30%) , sửa chữa nhà cửa (27%) và các dịch vụ giải trí bên ngoài (26%).
Mối quan tâm quan trọng tiếp theo là sức khỏe (42%). Nielsen dẫn báo cáo của hãng cho thấy rằng, các chứng nhận sức khỏe có một sự gia tăng lớn trong quý 4/2016, tăng 10 điểm, từ 32% trong quý 3 tới 42% trong quý 4. Hai mối quan tâm khác là cân bằng công việc / cuộc sống (26%) và nền kinh tế (20%).
“Không có gì ngạc nhiên khi sức khỏe liên tục nằm trong top 5 vấn đề được người tiêu dùng Việt quan tâm nhất. Người tiêu dùng đang hướng đến một cuộc sống lành mạnh, do đó nhu cầu về an toàn thực phẩm và chất lượng sản phẩm cũng đã được hình thành.
Như vậy, xu hướng này đưa ra cho cả nhà sản xuất và nhà bán lẻ các cơ hội để đổi mới và cung cấp các sản phẩm tốt nhất để đáp ứng nhu cầu này của người tiêu dùng"- bà Quỳnh nhấn mạnh.