Với mức lương cơ sở mới là 1,2 triệu đồng/tháng, mỗi người Việt sẽ phải làm liên tục trong 1,5 đến 2 năm mới đủ trả hết nợ công. Còn nếu tính theo thu nhập bình quân, thời gian tối thiểu là 6 tháng.
Báo cáo nợ công toàn cầu cập nhật hàng ngày của Economist cho biết, nợ công của Việt Nam tính đến ngày 4/5 là hơn 94,8 tỷ USD.
Trung bình mỗi người dân Việt Nam gánh khoảng 1.040 USD nợ, tương đương hơn 23 triệu đồng.
Trong khi đó, dự báo của WorldBank cho biết, GDP Việt Nam năm 2016 sẽ tăng khoảng 6,5%, trong khi nợ công sẽ đạt tới ngưỡng 63,5% GDP.
Do đó, đến cuối năm 2016, mỗi người Việt sẽ gánh nợ khoảng 1.400 USD, tức khoảng 31 triệu đồng.
Con số thống kê trong nước của báo cáo của Chính phủ gửi tới Quốc hội mới đây cho hay, nợ công trên đầu người tại Việt Nam đến cuối năm 2015 là khoảng 28,4 triệu đồng.
Trong khi đó, thu nhập bình quân (tính theo GDP) của người Việt được Tổng cục thống kê công bố trong năm 2015 là khoảng 45 triệu đồng.
Như vậy, với mức lương cơ sở vừa được điều chỉnh áp dụng từ ngày 1/5/2016 là 1,2 triệu đồng/tháng, một người Việt có thu nhập đúng bằng lương cơ sở sẽ phải mất từ 1,5 năm đến 2 năm mới có thể trả hết số nợ công.
Còn nếu tính theo thu nhập bình quân, thời gian làm việc liên tục để tất toán được toàn bộ số nợ là 6 tháng.