World Bank dự báo thâm hụt tài khóa của Việt Nam sẽ bắt đầu giảm nhằm giảm nguy cơ tăng nợ công.
Theo đó, thâm hụt tài khóa của Việt Nam ở mức 6,5% trong năm 2015 là kết quả của giảm thu và tăng chi đầu tư cơ bản và chi thường xuyên. Yếu tố này đã làm áp lực tài khóa tăng lên.
Ước tính nợ công và nợ do nhà nước bảo lãnh (theo quy định của Bộ Tài chính) đã đạt mức 62,5% GDP năm 2015, trong khi năm 2014 con số này là 59,6%.
Theo dự báo của World Bank, các khoản nợ này có thể sẽ nhanh chóng chạm mức nợ trần do luật quy định là 65%.
Do vậy, Chính phủ cần đưa ra các biện pháp thích hợp để thực hiện củng cố tình hình tài khóa trung hạn (về phía thu hoặc chi).
Về tỷ lệ nợ trên GDP của Việt Nam trong năm 2016, World Bank nhận định tỷ lệ sẽ ở mức 63,8% trước khi tăng lên 64,4% vào năm 2017. Thâm hụt tài khóa sẽ thu hẹp còn 5,9% GDP so với mức 6,5% năm 2015.
“Chúng tôi không quan ngại về khả năng trả nợ của Việt Nam. Tỷ lệ nợ vẫn an toàn song vấn đề đáng ngại đối với Việt Nam là kỳ hạn trả nợ.
Các kỳ hạn trả nợ đang ngày càng ngắn lại, áp lực trả nợ rất lớn. Chính phủ vẫn hoàn toàn có khả năng trả nợ các khoản đến hạn 100%.
Nếu như thâm hụt ngân sách vẫn cao như hiện nay thì con số nợ sẽ không bền vững, rủi ro trong trung hạn là rất lớn”. – Ông Sandeep Mahajan cho biết.
Cũng theo ông Sandeep Mahajan cho rằng, việc dành tới 16% ngân sách để trả nợ sẽ tạo ra một rủi ro lớn cho việc đầu tư.
Nếu càng trả nợ nhiều sẽ rủi ro cho những khoản chi tạo ra năng suất lao động, giảm chi vào giáo dục, y tế và các lĩnh vực khác.
Vì vậy Chính phủ Việt Nam phải ổn định chi tiêu thường xuyên, có phương án thu chi ngân sách hợp lý.
Ông Sandeep cũng khẳng định: Trong 4 năm vừa qua, Việt Nam đã được phân bố 3,7 tỷ USD vay vốn ưu đãi.
Việc chấm dứt cho Việt Nam vay vốn ưu đãi ODA từ tháng 7/2017 là do Việt Nam đã tốt nghiệp IDA (gói tín dụng lãi suất thấp cho các nước có thu nhập thấp) từ nước có thu nhập thấp sang nước trung bình.
“Đây là quyết định của nhóm các quốc gia góp vốn vào gói IDA.
Việt Nam phải trình với các nước về sử dụng nguồn vốn và cần có lộ trình để cân bằng nguồn vốn sẽ bị giảm sút trong những năm tới” – ông Sandeep Mahajan gợi ý thêm.