Người Việt còn thói lề mề thì đổi giờ làm đâu có nghĩa?

Hoàng Ngân |

Nhiều chuyên gia không đồng tình với đề xuất thay đổi giờ làm, giờ học vào 8h30 thay vì 7h30 như hiện nay.

Liên quan tới, đề xuất thay đổi giờ làm, giờ học của đại biểu quốc hội vừa qua, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam) cho hay:

“Theo đồ thị năng lực lao động của con người nhằm xác định mức tối ưu sản sinh công năng tối đa, ngay cả đối với công việc đã quen, thông thường người lao động vẫn phải mất ít nhất khoảng 1 tiếng để làm quen sau đó khả năng làm việc tăng dần và đạt mức tối đa sau đó 1 tiếng và duy trì tới gần khi nghỉ trưa sẽ giảm dần.

Buổi chiều, chu kỳ đó cũng lập lại nhưng ở mức thấp hơn một chút, chẳng hạn thời gian “hội nhập” với công việc chỉ mất khoảng 15-30 phút. Vì vậy nếu lui thời gian bắt đầu làm việc tới 8h30 thì e rằng hơi muộn”.

Tương tự, GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nhận định:

Thực ra đề xuất thay đổi giờ học, giờ làm việc để khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông đã được nhiều địa phương đã áp dụng. Theo đó, giờ học được quy định lệch giờ làm việc; hay giờ làm việc của các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn lệch với các cơ quan địa phương.

Tuy nhiên, quy định khoảng cách giữa giờ học và giờ làm việc thì phải tính đến giờ đưa đón con của phụ huynh học sinh. Nếu hai giờ cách nhau quá sẽ làm khó cho việc đưa đón con.

“Ý tưởng thay đổi giờ học và làm việc rất đáng hoan nghênh nhưng cụ thể thế nào thì nên để chính quyền địa phương quyết định chứ không thể áp dụng khung cứng nhắc cho cả nước được.

Có những nơi, nhiều cơ quan đóng trên địa bàn, nhiều trường học trên địa bàn thì phải có quy định phù hợp. Bởi vì có những nơi có tắc đường nhưng có nơi cũng chẳng có tắc đường gì cả”, ông Thuyết nhận định.

Về đề xuất nên lùi giờ làm việc tới 8h.30 thay vì 7h30 như hiện nay, ông Thuyết cho rằng không phù hợp với khí hậu Việt Nam.

“Nước mình là nước nhiệt đới, nếu bắt đầu làm từ 8h30 thì tôi sợ là sẽ ảnh hưởng đến năng suất lao động. Đối với học sinh bắt đầu từ 8h30 là quá muộn, học sinh sẽ rất mệt, hơn nữa các trường học ở Việt Nam nhiều nơi 2 buổi đều có lớp học.

Nếu lui lại thời gian học buổi sáng nhưng lại ảnh hưởng đến lớp học buổi chiều”, ông Thuyết dẫn giải.

Theo vị GS, dậy sớm cũng là một nếp tốt và nên duy trì ngay cả với con trẻ. “Nếu còn thói quen lề mề, thì dù có quy định giờ nào cũng vẫn bị chậm.

Ví như quy định 7h30 bắt đầu làm thì người ta kéo lên 8h hoặc nếu 8h30 thì sẽ kéo dài đến 9h. Suy cho cùng là ý thức của mỗi người, cần phải khắc phục thôi”, ông Thuyết nhận định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại