Người Việt chi 8.500 tỷ đồng/năm cho trà sữa, định giá Phúc Long tăng gấp 6 lên 450 triệu USD sau một năm

Ngô My |

Masan vừa chi tiếp 3.600 tỷ đồng để mua thêm 34% cổ phần của hệ thống Phúc Long.

Báo cáo được Momentum Works và qlub công bố mới đây cho biết Việt Nam là thị trường tiêu thụ trà sữa đứng thứ ba Đông Nam Á với quy mô 362 triệu USD, tương đương hơn 8.500 tỷ đồng. Thị trường trà sữa Việt Nam nghiêng về phân khúc bình dân, từ vài năm nay đã là sân chơi được thống trị bởi các thương hiệu Đài Loan và doanh nghiệp Việt nội địa nhưng gần đây còn chứng kiến sự gia nhập đông đảo của các thương hiệu từ Trung Quốc.

Báo cáo của Reputa – đơn vị thu thập và phân tích dữ liệu trên Internet - tháng 7/2022 cho biết, trong ngành F&B, trà sữa tiếp tục dẫn đầu danh sách các loại đồ uống nhận nhiều lượt thảo luận nhất trên mạng xã hội, chiếm hơn 38% thảo luận của người dùng. Kế đến là Trà (chiếm 26,03%), Nước ép và Cà phê (cùng tỷ lệ 14,98%)...

Trà sữa vốn là sản phẩm dễ sao chép và Việt Nam là thị trường nhạy cảm với giá. Dù vậy, nghiên cứu của Momentum Works nhấn mạnh giá cả không phải là yếu tố duy nhất ảnh hưởng đến quyết định mua trà sữa của khách hàng. Thay vào đó, quyết định chọn thương hiệu nào tùy thuộc vào các loại sản phẩm tại cửa hàng, cũng như số lượng cửa hàng mà thương hiệu đó có.

Các yếu tố này khiến những người quan tâm nghĩ đến chuỗi trà sữa, cà phê có giá trị cao nhất Việt Nam hiện nay, đó là Phúc Long. Vốn có lợi thế về sản phẩm – loại thức uống từng khiến người Hà Nội phải đặt ship máy bay từ Tp.HCM ra, Phúc Long như hổ mọc cánh khi về với Masan nhờ lợi thế điểm bán, tốc độ phủ cũng như chi phí thuê mặt bằng.

Báo cáo tài chính bán niên soát xét của CTCP Tập đoàn Masan (MSN) tiết lộ lần thứ 3 rót vốn vào Phúc Long.

Cụ thể, vào ngày 1/8/2022, Công ty TNHH The SHERPA – công ty con do Masan sở hữu gián tiếp, đã mua 10.837.500 cổ phiếu tương đương 34% vốn cổ phần của CTCP Phúc Long Heritage với tổng số tiền thanh toán là 3.617.700 triệu VND. Như vậy, định giá cho Phúc Long tiếp tục được nâng lên mức 10.640 tỷ đồng (450 triệu USD).

Với giao dịch này, lợi ích vốn chủ sở hữu của Masan trong Phúc Long Heritage đã tăng từ 51% lên 85%.

The SHERPA của Masan mua Phúc Long Heritage lần đầu tiên vào tháng 5/2021 với tỷ lệ 20% cổ phần, giá 346 tỷ đồng, tương đương mức định giá 1.728 tỷ đồng (75 triệu USD). Họ tuyên bố cùng phát triển mô hình "Kiosk Phúc Long" thông qua mạng lưới hàng nghìn cửa hàng VinMart+ (sau đó đổi tên thành Winmart+) trên toàn quốc, đồng thời chuyển đổi các cửa hàng VinMart+ thành điểm đến cho mọi lứa tuổi và nhu cầu thiết yếu hằng ngày.

Vào tháng 1/2022, Masan mua thêm 31% cổ phần của Phúc Long với giá 2.490 tỷ đồng, tương đương mức định giá 8.034 tỷ đồng và chuyển từ công ty liên kết thành công ty con sở hữu gián tiếp.

Đáng chú ý, nhờ giao dịch này, kết quả kinh doanh quý 2 của Masan ghi nhận tại doanh thu tài chính khoản lãi lên tới 516 tỷ đồng – là lãi phát sinh một lần từ việc đánh giá lại khoản đầu tư 20% cổ phần trước đây vào Phúc Long Heritage.

Trong lần mua thứ 3 này, khoản lãi từ định giá lại sẽ không ghi nhận trong doanh thu tài chính mà được ghi nhận tại Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối thuộc Bảng cân đối kế toán.

Như vậy, sau hơn 1 năm, Masan đã tăng định giá cho Phúc Long gấp 6 lần.

Người Việt chi 8.500 tỷ đồng/năm cho trà sữa, định giá Phúc Long tăng gấp 6 lên 450 triệu USD sau một năm  - Ảnh 1.

Một điểm đáng chú ý trong báo cáo của Momentum Works là mặc dù tỷ suất lợi nhuận gộp trên sản phẩm trong toàn ngành khá tốt - ước tính vào khoảng 60% đến 70%, rất ít công ty có thể duy trì mức lợi nhuận liên tục ở quy mô lớn.

Tuy nhiên, hồi tháng 7/2021, Masan cho biết doanh thu cần thiết để đạt điểm hòa vốn đối với các cửa hàng mới có kiosk Phúc Long thấp hơn tới 15% so với các cửa hàng không có kiosk, cải thiện biên EBITDA lên gần 4%.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại