Tuy nhiên, nếu có một điều tiến hóa tự nhiên đã chứng minh, thì có nhiều con đường để dẫn đến cùng một mục tiêu. Chúng ta là giống loài luôn không ngừng cải thiện những hạn chế của bản thân.
Y học luôn dẫn đầu trong các ứng dụng này, bởi vì ứng dụng công nghệ để mang lại sức khỏe cho con người sẽ đơn giản hóa những câu hỏi đạo đức phức tạp. Hàng trăm nghìn người mắc bệnh Parkinson trên toàn thế giới đã được cấy ghép - cái gọi là điện cực não - để kiểm soát căn bệnh ác tính của họ.
Kỹ thuật cấy ghép võng mạc nhân tạo cho người mù và cấy ghép ốc tai cho người có thính lực kém đang dần trở nên phổ biến. Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, thông qua Cơ quan dự án nghiên cứu tiên tiến quốc phòng (DARPA), đã tài trợ phần lớn cho những dự án kiểu này.
Dưới sự tài trợ này, một phòng thí nghiệm tại Trung tâm Kỹ thuật thần kinh của Đại học Nam California đang thử nghiệm cấy ghép những con chip vào trong bộ não để phục hồi những ký ức bị mất. Một ngày nào đó, kỹ thuật này có thể được áp dụng cho bệnh nhân Alzheimer và những người bị chấn thương não hoặc đột quỵ.
Năm ngoái, tại Đại học Pittsburgh, một thí nghiệm đã có thể truyền xung điện từ bộ não của một người, thông qua một máy tính, để điều khiển cánh tay robot và thậm chí cảm nhận được những ngón tay của nó chạm vào nhau.
Tương lai gần - Cyborg: Hiện nay, đã có khoảng 20.000 người cấy ghép các thiết bị vào cơ thể cho phép họ có thể mở khóa cửa. Neil Harbisson, người có thể cảm nhận màu sắc bằng âm thanh thông qua chiếc ăng-ten được cấy vào đầu, nhận thấy một tương lai tươi sáng với công nghệ này.
Tương lai gần - Thế hệ Cyborg
Việc kết nối bộ não con người với một cỗ máy để tạo ra một cỗ máy chiến đấu vô song luôn là mục tiêu của DARPA. "Tất cả mọi thứ đều có mục đích kép," Annie Jacobsen, tác giả cuốn sách "The Pentagon’s Brain", cho biết: "Bạn phải nhớ công việc của DARPA không phải là giúp đỡ mọi người, mà là tạo ra những "hệ thống vũ khí khổng lồ của tương lai".
Cải thiện khả năng của con người không nhất thiết là phải sở hữu siêu năng lực. Hàng trăm người đã được cấy ghép thiết bị nhận dạng tần số vô tuyến (RFID) trong cơ thể, cho phép họ mở khóa cửa hoặc đăng nhập vào máy tính mà không cần chạm vào bất cứ thứ gì. Công ty Dangerous Things tuyên bố đã bán được 10.500 con chip RFID và các thiết bị cấy ghép dưới da khác.
Kevin Warwick, một giáo sư danh dự về kỹ thuật tại Đại học Reading và Coventry (Anh), là người đầu tiên cấy ghép thiết bị RFID vào trong cơ thể của mình vào năm 1998. Ông nói với tôi rằng đây là một quyết định tự nhiên khi làm việc trong một tòa nhà mà các ổ khóa được điều khiển bằng máy tính với những cảm biến nhiệt độ và ánh sáng tự động. Ông muốn thông minh như tòa nhà mà ông đang làm việc.
"Hoàn toàn OK khi là một con người", Warwick nói với một tờ báo Anh vào năm 2002. "Tôi thậm chí còn thích một vài khía cạnh của nó. Nhưng trở thành một cyborg sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn".
Thật dễ dàng để châm biếm những điều như vậy. Bọn họ nhắc nhở tôi về người đàn ông đầu tiên đã cố gắng bay với những mái chèo được gắn lông chim. Tuy nhiên, khi tôi yêu cầu Harbisson cho xem chiếc ăng-ten của anh, tôi đã nhận ra một thứ gì đó khác.
Tôi không chắc liệu yêu cầu đó có phù hợp không. Tuy nhiên, Harbisson đã rất háo hức chỉ cho tôi xem cách ăng-ten của anh hoạt động như thế nào. Anh ấy khiến tôi nhớ đến cách mọi người vui vẻ khoe những chiếc smartphone của họ. Tôi bắt đầu tự hỏi sự khác biệt thực sự giữa Harbisson và tôi - hoặc bất kỳ ai trong chúng ta.
Một báo cáo của Nielsen năm 2015 cho biết người trưởng thành (trên 18 tuổi) dành trung bình khoảng 10 giờ mỗi ngày để nhìn chằm chằm vào một chiếc màn hình (trong khi chỉ dành trung bình 17 phút mỗi ngày để tập thể dục).
Tôi có thể nhớ được số điện thoại của người bạn thân nhất từ thời thơ ấu, nhưng không phải là của bất kỳ người bạn tốt nào của tôi bây giờ (Điều này đúng với 7 trong số 10 người, theo một nghiên cứu được xuất bản ở Anh).
Kính thực tế ảo là một trong những phụ kiện chơi game bán chạy nhất. Xe hơi của chúng ta là đôi chân của chúng ta, máy tính của chúng ta là tâm trí của chúng ta, và Google là bộ nhớ của chúng ta.
Cuộc sống của chúng ta bây giờ chỉ là một phần sinh học, không còn phân chia rõ ràng giữa hữu cơ và công nghệ, carbon và silicon. Chúng ta có thể chưa biết chúng ta đang đi đến đâu, nhưng chúng ta đã rời khỏi nơi chúng ta đang ở.
Giống như bất kỳ giống loài nào khác, chúng ta là sản phẩm của hàng triệu năm tiến hóa. Tuy nhiên, bây giờ chúng ta có thể tự quyết định hình thức tiến hóa tiếp theo của mình.
Nguồn: National Geographic/Tác giả: D.T. Max
Ảnh minh họa: Owen Freeman