Mỗi tháng bán 8 vạn chiếc xe
Từ năm 2004, các hãng xe Trung Quốc đã để mắt đến thị trường Nga, tuy nhiên các thương hiệu nội địa lâu đời và giá cả phải chăng cùng việc các công ty châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc nhanh chân hơn là 2 trở ngại lớn cho sự mở rộng của họ.
Nhưng việc các nhà cung cấp ô tô lớn của phương Tây lần lượt rời khỏi Nga vào năm 2022 đã mang lại cơ hội xuất khẩu ô tô và phụ tùng của Trung Quốc.
Theo dữ liệu do công ty phân tích Autostat (Nga) công bố, ô tô Trung Quốc đã chiếm 49% thị phần ô tô mới tại Nga vào tháng 6/2023. Để so sánh, con số chỉ là 7% vào cùng kỳ năm 2021.
Thị trường Nga hiện đang thực sự thúc đẩy sự tăng trưởng của tổng kim ngạch xuất khẩu ô tô của Trung Quốc.
Số liệu mới nhất của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc cho thấy 438.000 chiếc đã được xuất khẩu trong tháng 8/2023, tăng 42,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó người Nga đóng góp 18% (khoảng 80.000) và đứng đầu trong số các thị trường nước ngoài.
Số liệu tăng trưởng lên tới 134% tại Nga cho thấy bên cạnh nội địa, nơi này hiện đang dần trở thành thị trường cốt lõi của ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc.
Thị trường ô tô Nga chuyển hướng sang Trung Quốc không chỉ thể hiện ở doanh số và thị phần xe nguyên chiếc mà còn nằm ở việc hợp tác giữa các công ty hai nước.
Ví dụ cụ thể là thương hiệu "Muscovite" có từ thời Liên Xô - sau khi Renault của Pháp rút lui, người Nga đã tiếp quản nhà máy của Renault và bắt đầu vào việc hồi sinh chiếc ô tô này.
Nhưng ngoài thương hiệu, chiếc ô tô không có điểm gì chung với các mẫu trước đó mà "tương đồng" với JAC JS4 và người ta cho rằng nhiều bộ phận của chiếc "ô tô Nga" cũng được sản xuất tại Trung Quốc.
Người Nga "chê" xe Trung Quốc?
Nói một cách logic, Trung Quốc đứng ngoài các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga. Ô tô nguyên chiếc và phụ tùng Trung Quốc đã trám khoảng trống tại thị trường này.
Nhẽ ra người Nga nên hoan nghênh sự xuất hiện của ô tô Trung Quốc, nhưng thực tế ngược lại - họ đang "chê" ô tô Trung Quốc.
Lý do đầu tiên khiến họ có ấn tượng không tốt với ô tô Trung Quốc là do giá bán ở Nga đắt hơn ở Trung Quốc - thứ khiến người dùng nghi ngờ rằng mình đang bị trục lợi một cách âm thầm.
Các mẫu xe Trung Quốc hiện đang được bán tại Nga với giá gấp từ 1,5 đến 2 lần so với trong nước và điều này khiến số tiền trung bình mỗi hộ gia đình Nga phải chi ra cho ô tô mới tăng thêm 13,5%. Điều này gián tiếp tăng số tiền cho ô tô cũ cũng tăng 9%.
Thực tế này khiến người Nga tức giận. Thậm chí vào đầu năm nay một tổng biên tập tạp chí ô tô của Nga đã công khai chỉ trích:
"Người Trung Quốc đã giới thiệu cho chúng ta một lượng lớn ô tô. Nhưng nếu chỉ nói về giá cả - mà không nói đến chất lượng - thì chúng không rẻ đi chút nào (so với xe phương Tây)".
Ô tô Trung Quốc bán ở Nga khá đắt và thực tế này là vì chính Nga cũng sản xuất ô tô và nhằm vực dậy ngành công nghiệp ô tô trong nước, nước này cũng đã tăng thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc.
Ngoài ra, chi phí vận chuyển, thuế giá trị gia tăng... cùng việc các đại lý Nga tăng giá cộng lại đã đẩy giá ô tô Trung Quốc lên cao.
Tuy nhiên, nếu ô tô Trung Quốc chỉ đắt thì người Nga có thể không có ấn tượng sâu sắc như vậy. Vấn đề là nhiều người cho rằng ô tô Trung Quốc vừa đắt vừa có chất lượng thấp.
Nhiều người Nga đã phàn nàn về độ hoàn thiện của ô tô Trung Quốc, ví dụ như các gioăng cao su bị lỏng, độ ổn định tay lái quá tệ... nhưng điều phàn nàn phổ biến nhất của họ là tình trạng ô tô Trung Quốc bị ăn mòn và gỉ sét.
Một cuộc khảo sát đã được tiến hành.
Và kết quả là 44% người dùng Nga cho biết các chi tiết kim loại trên ô tô Trung Quốc quá mỏng hoặc phụ tùng thay thế không phù hợp.
42% nói rằng ô tô Trung Quốc có vấn đề về ăn mòn kim loại và không có linh kiện thay thế.
29% cho biết ô tô Trung Quốc sử dụng linh kiện điện tử và phụ tùng kém chất lượng và 24% phàn nàn rằng lớp sơn quá mỏng.
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc nói gì?
Về nguyên nhân ô tô Trung Quốc bị ăn mòn, rỉ sét trên diện rộng ở Nga, Viện Nghiên cứu ô tô Trung Quốc cho biết đó là do khí hậu nước này rất khác so với Trung Quốc:
"Môi trường khí hậu tại Nga khá khác biệt so với Trung Quốc. Hầu hết các khu vực đều có mùa đông dài, lạnh và mùa hè ngắn.
Nhiệt độ trung bình vào tháng 1 từ -37°C đến trên dưới 1°C, nhiệt độ trung bình ở tháng 7 là 11°C đến 27°C. Số ngày tuyết rơi trung bình ở các thành phố của Nga vượt quá 110 ngày mỗi năm, thậm chí có nơi số ngày tuyết rơi 1 năm lên tới 257 ngày.
Để loại bỏ tuyết trên đường xá, Bộ Giao thông Vận tải Nga thường sử dụng một lượng lớn muối (Thông thường nước sẽ đóng băng ở 0°C, nhưng khi cho thêm muối thì nhiệt độ đóng băng thấp hơn nhiều).
Sau khi tuyết và muối tan, các ion clorua sẽ hình thành và tạo ra phản ứng ion hóa làm giảm điện trở tiếp xúc của kim loại. Điều này sẽ tiếp tục gây ra phản ứng ăn mòn điện hóa trên bề mặt các bộ phận kim loại của ô tô".
Từ nhận định nói trên, có thể thấy dù phương Tây đã "tạo điều kiện" cho ô tô Trung Quốc xuất khẩu sang Nga nhưng nếu các nhà sản xuất muốn chiếm lĩnh thị trường này, họ chắc chắn phải nâng cao khả năng thích ứng với thị trường Nga.
Viện Nghiên cứu ô tô Trung Quốc cũng đưa ra gợi ý cụ thể với các nhà sản xuất đó là nên tiến hành nghiên cứu về môi trường khí hậu và thói quen sử dụng ô tô của Nga để thực hiện các cải tiến.
Ngoài ra, để giải quyết vấn đề giá cả khiến người dùng Nga không hài lòng, tốt nhất các nhà sản xuất Trung Quốc nên thiết lập chuỗi cung ứng phụ tùng thay thế và thậm chí là khả năng triển khai lắp ráp ô tô tại Nga - thứ giúp giảm giá bán.