Thế chiến 2 đã tạo ra sự thay đổi căn bản cho cộng đồng người Hoa ở Mỹ. Trong nhiều thập kỷ, người Hoa (người Trung Quốc) bị phỉ báng ở Mỹ, nhất là ở California – trung tâm bài Hoa tại Mỹ.
Tuy nhiên cuộc tấn công của phát xít Nhật vào Trân Châu Cảng ngày 7/12/1941 đã thay đổi tình hình này. Người Hoa từ chỗ bị coi là “kẻ ốm yếu châu Á” đã trở thành đồng minh thiết yếu của Mỹ trong cuộc chiến chống phát xít Nhật.
Trong khi đó cộng đồng người Mỹ gốc Hoa vội vã tìm cách phân biệt mình với cộng đồng người Mỹ gốc Nhật. Những người Hoa này tìm cách chứng minh “lòng trung thành nhất quán đối với nỗ lực chiến tranh của nước Mỹ”.
Người phụ nữ Hoa này cắm cờ của “Trung Hoa Dân quốc” vào cuối năm 1941 khi cô đi tắm biển.
Chỉ vài ngày sau trận Trân Châu Cảng, tòa lãnh sự quán Trung Quốc ở San Francisco (Mỹ) bắt đầu phát các tấm thẻ nhận dạng cá nhân và người Mỹ gốc Hoa bắt đầu đeo các tấm phù hiệu có các dòng chữ như “Tôi là người Trung Quốc”. Các tờ báo của người Hoa cũng sử dụng lời lẽ bài Nhật, nhằm thể hiện lòng trung thành với nước Mỹ.
Người Hoa tại Mỹ vừa tức giận về việc Nhật xâm lược Trung Quốc , vừa muốn thể hiện lòng ái quốc đối với Mỹ. Họ ngấm ngầm hoặc công khai đồng lõa với việc hành hạ người Mỹ gốc Nhật. Các tờ báo của người Hoa khi ấy tuyên truyền rằng người Mỹ gốc Nhật phản quốc hoặc hỗ trợ cho Nhật Bản.
Công nhân người Hoa với dòng chữ tiếng Anh sau lưng: “Tôi là người Hoa, không phải người Nhật”.
Nhân cơ hội này, nhiều người Hoa đã vào thế chỗ công việc của người Nhật ở Mỹ.
Như vậy Thế chiến 2 là cơ hội để người Hoa tại Mỹ giành lấy địa vị kinh tế và xã hội bên trong nước Mỹ. Nhưng khi Thế chiến 2 qua đi và Mỹ bước vào cuộc chiến chống lại chủ nghĩa xã hội thì vị thế của người Hoa lại đột ngột mất đi./.