Người thông minh luôn biết từ chối giúp đỡ 5 việc này

Trung Hạ |

Người ta có câu: “Thông minh là một tài năng, lương thiện là một sự lựa chọn”.

Chọn làm người lương thiện thật đáng quý, và tử tế với người khác có chọn lọc là điều vừa tốt đẹp vừa đúng đắn.

Song, nếu cái tâm có lương thiện thì cũng phải biết tự bảo vệ mình, nếu muốn cho đi thì nên biết dùng lòng tốt cho đúng người.

Ở đời có 5 loại "giúp đỡ" rất nguy hiểm, dù bạn có tử tế đến đâu cũng không được giúp, nếu không tự chuốc họa vào thân!

Người thông minh luôn biết từ chối giúp đỡ 5 việc này - Ảnh 1.

1. Vượt quá khả năng của mình

Con người ta sống ở đời có tấm lòng thiện quả là điều đáng trân trọng, nhưng làm việc tốt cũng cần phải có chừng mực. Hãy giúp đỡ trong khả năng của mình, và đừng miễn cưỡng bản thân dù biết chắc “mệt mình, mệt người”.

Ép buộc bản thân trở thành một người tốt và làm những điều mà bạn không giỏi không chỉ làm tăng áp lực, hoang phí công sức và thời gian, mà còn có thể gây phản tác dụng. Do đó người ta mới có câu: “Vật cực tất phản”!

Nếu bạn cố gắng hết sức để giúp đỡ vượt quá khả năng, sẽ có hai tình huống xảy ra:

Tình huống thứ nhất: Bạn đã cố gắng rất nhiều nhưng đối phương cho rằng bạn chưa đủ ra sức, họ sẽ không đánh giá cao và trực tiếp phủ nhận điều bạn làm.

Tình huống thứ hai: Bạn đã hứa sẽ giúp đỡ người khác nhưng lại không thực hiện được, điều này không những làm lỡ việc mà còn làm tổn thương tình cảm đôi bên, làm mất lòng tin của người khác đối với bạn.

Biết từ chối người khác cũng là một trong những dấu hiệu cho thấy sự trưởng thành của một người. Không giúp đỡ trong gượng ép thực ra cũng là sự lựa chọn tốt nhất cho bản thân và những người khác: không làm bản thân xấu hổ mà còn cho người khác những lựa chọn mới, tránh kết cục xấu nhất. Đây là sự thể hiện có trách nhiệm nhất đối với bản thân và những người khác.

Đừng để “sĩ diện hão” kéo người khác xuống, đừng để “sự câu nệ” làm tổn thương chính mình. Chỉ bằng cách làm những gì bản thân có thể làm, chúng ta mới có thể giúp đúng người, đúng việc.

2. Làm tổn thương người khác

Trong cuộc sống, nếu giúp đỡ dựa trên việc làm tổn thương người khác, thì đừng làm điều đó một cách hấp tấp.

Bởi vì, nếu trong lúc nhất thời ra tay giúp đỡ, có thể không thực sự tạo ra kết quả tốt cho người cần giúp, nhưng nhất định sẽ có người bị tổn thương.

Bạn không bao giờ biết cái gọi là "thiện ý" của bạn có thể làm tổn thương người khác như thế nào. Trong trường hợp này, lòng tốt và hành vi của bạn lại chính là điều ác, không phải là lòng tốt “giúp người giúp ta, thêm niềm vui”!

3. Giúp người khác đưa ra những quyết định quan trọng

Sự hối tiếc lớn nhất trên thế giới, trên thực tế, chỉ có thể được tóm tắt trong bốn từ "Tôi vốn có thể…" , phán đoán ban đầu là đúng, nhưng cuối cùng lại nghe theo sự lựa chọn của người khác, cuối cùng hối hận!

Mỗi người nên có trách nhiệm với lựa chọn của mình, vì đã lắng nghe ý kiến của người khác nên sẵn sàng đón nhận kết cục không mong muốn.

Đừng vội vàng giúp đỡ người khác đưa ra quyết định lớn. Đừng để lòng nhiệt thành của bạn khiến người khác thất bại, và đừng để những hạn chế của bạn ảnh hưởng đến bất cứ ai.

Nhiều quyết định có thể thay đổi đáng kể cuộc sống, biết rằng nhiệt tình là tốt, nhưng phải có chừng mực, đừng giết chết cơ hội của người khác, ngay cả khi bạn có nhiều kinh nghiệm hơn.

Vì không thể hiểu hết một người, không thể xem xét toàn diện mọi yếu tố từ góc nhìn của đối phương, đôi khi sự khác biệt về giá trị sẽ khiến đối phương đánh mất điều mình mong muốn nhất, hối hận cả đời.

Đừng giúp người khác đưa ra quyết định quan trọng trong cuộc sống, ngay cả khi người đó là người thân nhất của bạn. Bởi vì, đó là cuộc sống của họ. Đừng để hối tiếc lớn nhất của người khác liên quan đến bạn.

4. Liên quan đến tiền bạc lợi ích

Càng tử tế, bạn càng ít phát hiện ra cái xấu của người khác. Người có tâm trong sáng thường không phòng bị trước người khác, lòng tốt của họ có thể bị một số người có động cơ xấu lợi dụng.

Vì yêu thương mà con người ta có những khuyết điểm và yếu đuối, vì tin tưởng mà chỉ số thông minh và lý trí của con người sẽ giảm đi vài phần.

Nhiều người dành hết tâm huyết giúp đỡ người khác, nhưng lại để bản thân nợ nần chồng chất, thậm chí vạ lây đến người thân trong gia đình.

Con người với nhau, giúp đỡ khi hoạn nạn là điều nên làm. Tuy nhiên, như cổ ngữ có câu: “Chớ có lòng hại người, nhưng phải có lòng đề phòng người”.

Đừng bao giờ quá tin tưởng vào một người, bởi lòng người hay thay đổi, vạn vật khó lường, giúp đỡ nhầm người sẽ bước vào vũng lầy tăm tối. Đừng giúp đỡ một cách mù quáng khi có liên quan đến tiền và lợi ích, và hãy làm điều đó một cách cẩn thận khi có rủi ro.

5. Không được công nhận và biết ơn

Trong cuộc sống này, khi bạn có thói quen giúp đỡ, thì người khác cũng có thói quen nhận sự giúp đỡ. Dần dần, giúp đỡ bị xem là trách nhiệm phải làm lúc nào không hay.

Nếu bạn không được thấu hiểu và ghi nhận vì sự giúp đỡ của mình, vậy thì cũng đừng cảm thấy tội lỗi khi dứt khoát từ chối. Đừng để lòng tốt của bạn bị vấy bẩn, và sự chân thành bị chà đạp hết lần này đến lần khác.

Thật sự mà nói, chúng ta không nên giúp đỡ người khác vì mục đích hy vọng họ sẽ trả ơn. Nhưng sự biết ơn luôn là một phẩm cách tốt đẹp, ngay cả bản thân ta cũng nên ghi lòng tạc dạ khi được ai đó dang tay cứu giúp.

Một người không hiểu lòng tốt của người khác dành cho mình và không biết làm thế nào để biết ơn, cho dù bạn cho bao nhiêu, họ cũng sẽ coi sự giúp đỡ của bạn là điều hiển nhiên. Một ngày nào đó, khi bạn không thể giúp được nữa, họ sẽ nghĩ rằng bạn đang "mắc nợ".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại