Cô gái đi ăn ngoài hơn 7 triệu/tháng, nhiều hơn tiền thuê nhà

TÔ DIỆP |

Người trẻ có những quan điểm khá mới lạ trong câu chuyện chi tiêu hàng ngày.

Tiền đi ăn ngoài nhiều hơn tiền nhà

Ngọc Trang (27 tuổi, làm việc trong ngân hàng) chia sẻ rằng khoản chi lớn nhất hàng tháng của cô bạn chính là đi ăn bên ngoài. Vì công việc khá bận rộn và không thích tự nấu ăn, trong vòng 1 tháng có đến 70-80% thời gian Ngọc Trang sẽ đi ăn ngoài.

"Mỗi tuần mình chỉ nấu 1-2 bữa vào cuối tuần. Mẹ mình gửi đồ ăn từ quê ra nhưng mình mãi vẫn chưa dùng hết dù đã 2 tháng trôi qua. Thành thật mà nói, mình nấu ăn không ngon và cũng lười nấu nên đi ăn ngoài trở thành biện pháp tốt nhất".

Ngọc Trang chi khoảng 150 nghìn/ ngày cho ăn uống nếu cả 3 bữa đều ăn ngoài. "Buổi sáng mình thường chi khoảng 60-70 nghìn cho cả đồ ăn sáng lẫn cà phê. Buổi trưa và tối khoảng 45-50 nghìn/ bữa ăn. Trên thực tế, mình cũng thường xuyên đi ăn ngoài với bạn bè vào những quán khá đắt tiền, rơi vào khoảng 400-500 nghìn/ người. Do vậy, hàng tháng mình tiêu khoảng 6,5-7,5 triệu/ tháng cho đi ăn ngoài".

Đây là khoản tiền lớn nhất mà cô bạn chi tiêu hàng tháng, thậm chí tiền nhà bao gồm hóa đơn điện nước còn thấp hơn là tiền đi ăn ngoài. Hiện nay, Ngọc Trang thuê 1 căn phòng khoảng 20m2, đang sống 1 mình và tổng chi phí thuê nhà hàng tháng chỉ rơi vào khoảng 5-5,5 triệu đồng.

Tổng số tiền hàng tháng Ngọc Trang chi tiêu khoảng 17-18 triệu đồng, bao gồm tiền thuê nhà, tiền ăn, di chuyển, mua sắm đồ dùng cá nhân,... Đây là một con số khá lớn so với một người độc thân, thậm chí bằng tiền chi tiêu của cả gia đình 3 người ở Hà nội. Cô bạn chia sẻ rằng vốn dĩ bản thân chi tiêu khá mạnh tay vì mức thu nhập hiện tại khá tốt. Hơn thế nữa, do vẫn độc thân và chưa suy nghĩ đến chuyện lập gia đình nên cô bạn không có nhiều áp lực tài chính. Ngoài ra, Ngọc Trang cảm thấy việc đi ăn ngoài có thể giúp cô bạn tiết kiệm thời gian, hơn nữa còn được ăn ngon nên không hề lãng phí.

Cô gái đi ăn ngoài hơn 7 triệu/tháng, nhiều hơn tiền thuê nhà - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ - Pinterest

Chi tiêu tự thưởng chiếm đến 25% thu nhập

Hồng Hạnh (25 tuổi, nhân viên văn phòng) có rất nhiều khoản chi tiêu tự thưởng cố định hàng tháng. Trong đó, cô bạn thường sẽ gội đầu ở tiệm, mua thẻ 400 nghìn cho 11 buổi.

"Hai ngày mình sẽ gội đầu 1 lần, vị chi khoảng 15 lần/ tháng. Trung bình mình sẽ tốn khoảng 600 nghìn tiền gội đầu tiệm. Mình thường đưa dầu gội từ nhà đến để tiết kiệm hơn. Cặp dầu gội 500 nghìn, mình dùng được 2 tháng, vậy riêng về chuyện gội đầu sẽ khoảng 800 nghìn/ tháng. Đi gội đầu tiệm cũng khiến mình giải tỏa căng thẳng sau 1 ngày làm việc mà không quá đắt nên mình đã từ bỏ việc gội đầu ở nhà".

Bên cạnh đó, Hồng Hạnh thường làm việc với máy tính, ngồi một chỗ nhiều nên thường xuyên bị đau mỏi vai gáy. Do vậy, mỗi tuần, cô bạn đi mát xa, khoảng 500 nghìn/ buổi, khoảng 2 triệu/ tháng.

Ngoài ra vào cuối tuần, cô bạn thường sẽ đi dã ngoại cùng với bạn bè ở những vùng ngoại ô của Hà Nội, chi phí khoảng 2 triệu/ lần. Mỗi tháng Hồng Hạnh đi 2 lần, tổng chi phí để đi chơi cuối tuần khoảng 4 triệu/ tháng.

Do vậy, hàng tháng, cô bạn 25 tuổi này chi khoảng 6,8 triệu cho chi tiêu tự thưởng, giải tỏa áp lực, chiếm khoảng 25% thu nhập. Hồng Hạnh cho biết rằng đây là con số khá lớn bởi vì các chuyên gia tài chính thường khuyên rằng chỉ nên chi 5-10% cho chi tiêu tự thưởng. Tuy nhiên, đối với Hồng Hạnh nỗ lực kiếm tiền mỗi ngày đó là vì để cuộc sống thoải mái, có nhiều trải nghiệm hơn.

Cô gái đi ăn ngoài hơn 7 triệu/tháng, nhiều hơn tiền thuê nhà - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ - Pinte

Thay vì chi tiêu tiết kiệm, người trẻ muốn nỗ lực kiếm tiền nhiều hơn

Ngọc Trang tự nhận bản thân là một người chi tiêu không tiết kiệm, thường ít khi lên ngân sách chi tiêu hàng tháng. Tuy nhiên, đối với cô bạn, việc chi tiêu giúp có nhiều động lực cố gắng gia tăng thu nhập hơn.

"Thông thường mỗi tháng, mình vẫn sẽ gửi một khoản cố định vào tài khoản tiết kiệm trước khi chi tiêu. Do vậy, mình có một khoản tích lũy phòng tránh cho những trường hợp rủi ro. Tuy nhiên, mình không chỉ là người sẽ chi tiêu quá tiết kiệm. Đối với mình, khi tiêu những đồng tiền bản thân làm ra, mình có nhiều động lực làm việc hơn. Nhờ sự cố gắng trong công việc, mình có thể sống thoải mái hơn, không còn phải cân đo đong đếm quá nhiều trong việc chi tiêu. Với mình, đó là ý nghĩa của việc đi làm".

Cũng giống như Ngọc Trang, Hồng Hạnh cho rằng hiện nay mỗi người sẽ có những mục tiêu sống khác nhau. Cô bạn không có mong muốn nghỉ hưu sớm, mua tài sản lớn như nhà hay xe, hoặc thậm chí cũng không chuẩn bị để kết hôn. Do vậy, chi tiêu tự thưởng là cách Hồng Hạnh trân trọng nỗ lực của bản thân mình trong những ngày làm việc chăm chỉ.

Bên cạnh đó, chi tiêu 25% thu nhập cho tự thưởng, song những khoản khác cô bạn chi tiêu khá phù hợp. Hàng tháng, Hồng Hạnh vẫn có một khoản tiết kiệm kha khá, cũng như một khoản tiền dành cho đầu tư "tiền đẻ ra tiền". Hồng Hạnh luôn đặt ra một mức tiền tối đa bản thân được phép chi tiêu hàng tháng. Nếu chạm đến ngưỡng đó, cô bạn sẽ tự động cắt giảm chi tiêu. Còn trong mức đã đề ra, Hồng Hạnh vẫn luôn chi tiêu khá thoải mái, đặc biệt là cho những mong muốn, niềm vui cá nhân.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại