Cách để trân quý cuộc sống nhất không phải là vận động, cũng không phải ngủ, mà là… sở hữu đôi mắt tích cực. Cảnh vật dù tồi tàn, đơn sơ đến mấy cũng có thể tìm ra nét đẹp để hưởng thụ. Thành hay bại, tốt hay xấu, biết nhìn thấy hy vọng mới có ngày thay đổi vận mệnh.
Ngoài ra, con người ta còn phải có trái tim rộng mở, gặp chuyện gì cũng tìm cách đối mặt. Phiền não hay vui vẻ, cũng đều dung dị, bình tĩnh đón nhận.
Đời người, con đường nào cũng là lát cắt cuộc sống, chuyện trải qua đều thành quá khứ. Không phải lười đều là xấu, mà quan trọng nhất phải lười đúng đắn. Học 4 cái “lười” để nhìn nhận cuộc đời và tìm thấy hạnh phúc.
1. Lười tính toán so đo
Bạn sống quá tính toán, vậy tất cả thời gian của bạn đều bị lãng phí ở việc so đo với người khác.
Trên đời này, có những chuyện nên cho qua thì hãy rộng lượng cho qua. Nhiều người biết rõ vấn đề chỉ nhỏ bé vụn vặt nhưng vẫn thích kỳ kèo từng li từng tí. Song họ không nhận ra rằng quá trình hơn thua với người khác này khiến bản thân họ cũng bị hao mòn, lấy đi năng lượng tích cực.
Lười tính toán, thật ra không phải là dấu hiệu của sự hèn nhát, mà là sống thông minh, đại trí. Đặc biệt là đối với người không có quan hệ mật thiết với mình.
Chấp nhặt những chuyện lông gà vỏ tỏi chỉ khiến bản thân rơi vào hố sâu mệt mỏi, khó tìm thấy hạnh phúc.
Hãy học cách cười. Đôi khi nụ cười khiến cảm xúc rối loạn hiện tại trở nên bình ổn hơn, bạn sẽ cảm thấy mọi chuyện không còn nghiêm trọng như trước.
2. Lười lấy lòng và xu nịnh
Một người càng thích nịnh nọt, càng nhận về quả đắng, khiến bản thân chịu thiệt.
Thật ra, người bạn nịnh nọt lại không hề xem trọng bạn, vì trong mắt họ bạn chỉ là một sự tồn tại yếu kém, địa vị thấp và cần được bảo vệ lợi ích. Những gì họ làm với bạn chính là lợi dụng và sự xem thường.
Có một số người, họ nhờ vả bạn, bạn không từ chối vì cảm thấy sẽ khiến đối phương bị tổn thương, đôi bên mất hòa khí. Thế là chuyện dù khó đến đâu, bạn cũng đành nhận lời. Bạn giúp người khác, họ vui vẻ, bạn mệt mỏi, thất vọng tích tụ, rồi đến ngày “giọt nước tràn ly”.
Bí quyết để gìn giữ mối quan hệ không phải là lúc nào cũng làm hài lòng lẫn nhau, mà là sự cân bằng về giá trị cho- nhận và tôn trọng.
Bạn quá dễ dãi, người khác liên tục làm phiền đến bạn. Một mối quan hệ đạt được trạng thái lý tưởng nhất là khi đôi bên cùng đối xử với nhau bằng sự chân thành.
3. Lười so sánh
Luôn so sánh bản thân với người khác, thật ra bạn đã thua ngay từ điểm xuất phát. Vì bản chất của thói quen so sánh là bạn đang ngưỡng mộ đối phương. Thái độ này không thể giúp một người tiến bộ từng ngày, mà là khiến bản thân ngày càng xấu tính và thậm chí là tự ti cùng cực.
Vì so sánh nên mới đau khổ, vì không như ý nguyện nên mới buồn lòng.
Do đó, hãy tập cách “lười” so sánh với mọi thứ, thỏa mãn với những gì mình đang có, không ngừng đào sâu bản thân. Đừng nhìn vào cuộc sống của người khác, chỉ tập trung vào chính mình. Tâm thái lạc quan, cuộc đời mới nở hoa.
Thay vì ngưỡng mộ người khác, hãy sống tốt cho cuộc đời của mình, thành hay bại đều tự đón nhận. Dùng trái tim thản nhiên nhất để đối nhân xử thế, lòng mới nhẹ gánh.
4. Lười kể khổ
Uống phải nước đắng, nhẫn nhịn nuốt xuống. Gặp phải thử thách, cố gắng vượt qua. Chờ đợi người khác đồng cảm với mình là chuyện vô dụng nhất trên đời này, bởi lẽ dù bạn kể lể nhiều đến đâu, quan hệ thân thiết đến mấy, thì vấn đề cũng là của bạn và phải tự mình giải quyết.
Người ngu ngốc, gặp chút chuyện khó cũng than thân trách phận than ngắn thở dài. Người thông minh, gặp phải nghịch cảnh, nỗ lực chiến đấu với số phận.
Thế giới này không có sự đồng cảm thật sự. Đứng lên sau vấp ngã là một phần không thể thiếu trong hành trình trưởng thành. Học cách im lặng hành sự, quả ngọt chờ người chân thành đến hái, không phải người ồn ào và tiêu cực.