Từ bức ảnh có thể nhận thấy, bà lão ngồi ở hàng ghế sau cùng, lúc thì ngủ gật, lúc lại nhìn đăm đăm về phía trước. Tuy nhiên, từ thầy giáo cho đến sinh viên, không những không bị phân tâm bởi sự xuất hiện khác thường đó mà trái lại, dường như còn đã quá quen thuộc với hình ảnh này.
Bà lão ngủ gật trên giảng đường.
Theo tìm hiểu, người lên lớp hôm đó là thầy Hồ Minh – phó giáo sư ngành Kinh tế trường Đại học Quý Châu. Còn bà lão trong bức hình chính là mẹ của thầy, năm nay 85 tuổi, bị mắc bệnh mất trí nhớ.
Cho đến giờ, khi bệnh tình ngày một nặng, bà chỉ còn nhớ được mỗi người con trai của mình. Thầy Hồ có việc đi đâu, bà cũng kiên quyết đòi theo đến đó bằng được.
Thầy Hồ cho biết, kể từ lúc bố mất, chứng mất trí nhớ của mẹ ngày càng nghiêm trọng. Mặc dù trong nhà vẫn còn ba người con nhưng bà lại chỉ nhận ra mỗi thầy Hồ.
Sau đó, bà còn không thể phân biệt nổi đâu là đường, đâu là muối, thậm chí còn nhầm với cả bột giặt. Hay có lần bà thản nhiên uống chất tẩy rửa vì nghĩ đó là nước lọc.
Vì thế, bắt đầu từ 4 năm trước, thầy quyết định sẽ đưa mẹ lên giảng đường cùng mình. "Bà nhất quyết không rời khỏi tôi nửa bước, mà tôi thì thực sự cũng không thể yên tâm nếu để mẹ lại một mình. Phải đảm bảo bà không có vấn đề gì, tôi mới có thể tập trung vào công việc được".
Thời gian đầu, khi đột ngột có sự xuất hiện của bà lão trong lớp, các sinh viên đều bàn tán xôn xao và tranh cãi không biết rốt cuộc đó là ai.
Người thì bảo đó là giáo viên cũ đã về hưu, kẻ thì phỏng đoán đó là người thân của sinh viên trong lớp. Vừa ngạc nhiên vừa khó hiểu, mãi cho đến khi nghe được lời giải thích của thầy Hồ thì mọi người mới hiểu ra tất cả.
Theo một vài sinh viên phản ánh lại, trong giờ học, bà lão rất giữ im lặng, lúc thì ngủ gật lúc lại nghe thầy giảng, tuyệt nhiên không làm phiền đến bất kì ai. Vì thế, nếu như không phải là ngồi gần hay ngồi cạnh bà lão thì có lẽ mọi người cũng chẳng hề hay biết đến sự xuất hiện này.
Các em cũng chia sẻ thêm, dù mọi người đều đã biết về hoàn cảnh cũng như lý do của thầy Hồ, thế nhưng trước mỗi buổi học, thầy vẫn rất cẩn thận xin phép ý kiến của tập thể, vì thầy không muốn chuyện cá nhân của mình sẽ gây ảnh hưởng đến việc học của mọi người.
Thầy Hồ càng thêm động lực dạy học khi nhìn thấy mẹ.
Về phần các giáo viên khác trong trường, tất cả đều cho biết họ rất thông cảm với hoàn cảnh gia đình đặc biệt của thầy Hồ.
Vì thế nên đối với hành động đưa mẹ cùng lên giảng đường của thầy, phía nhà trường trước mắt vẫn chưa tuyên bố rõ ràng sẽ ủng hộ hay phản đối mà chỉ đơn giản là nếu có sự chấp thuận của sinh viên thì sẽ cho phép, miễn không khiến chất lượng giảng dạy bị ảnh hưởng là được.
Một người đồng nghiệp 10 năm của thầy Hồ tiết lộ, không chỉ thời gian trên giảng đường mà cả lúc ra đường cho đến khi ở nhà, thầy lúc nào cũng để mắt đến mẹ.
Dường như 99% thời gian thầy đều theo sát mẹ, thậm chí có những hôm phải soạn bài mới, thầy vừa cầm sách trên tay vừa đi sau lưng bà, vì muốn phòng hờ nếu lỡ có gì xảy ra thì sẽ có thể kịp thời giải quyết.
Hành động của thầy Hồ một mặt nhận được vô số lời khen ngợi của cư dân mạng, thế nhưng mặt khác cũng không ít người đã bày tỏ thái độ không hài lòng:
"Làm sao có thể không ảnh hưởng đến việc học được cơ chứ. Đành rằng không thể phủ nhận được trách nhiệm của con cái với cha, với mẹ, nhưng không phải dạy học cũng nên là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của một người thầy giáo hay sao?".
Mặc dù ủng hộ có, phản đối cũng có, thế nhưng thông qua hành động của thầy Hồ, rất nhiều sinh viên đã tự nhận rằng họ thậm chí còn phải gửi lời cảm ơn sâu sắc đến thầy, vì chính nhờ những hành động ấy, họ mới ngộ ra trước giờ mình đã vô tâm với cha mẹ đến thế nào.
Có thể trong mắt nhiều người, đó chỉ là một bà lão lẩn thẩn vì mất trí nhớ, nhưng đối với thầy Hồ, mẹ dù có già yếu thế nào thì vẫn mãi là mẹ.
Tạm gạt chuyện đúng sai sang một bên, trên tất cả, cái mà chúng ta thấy và cảm nhận được, là câu chuyện cảm động về tình mẫu tử thiêng liêng, là tấm gương sáng về một người con hết luôn mực hiếu thảo và tận tụy vì gia đình.