Chỉ ít ngày sau khi Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) gửi kiến nghị lên Bộ Công Thương, đề nghị niêm yết Tổng Cty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) lên sàn chứng khoán, Bộ Công Thương và Sabeco đã trình Chính phủ phương án bán cổ phần.
Cụ thể, Nhà nước sẽ tiếp tục bán đấu giá công khai 53% cổ phần tại Sabeco cho nhà đầu tư nhân.
Tiềm năng của Sabeco
Cần phải nhắc lại rằng, dù đã được cổ phần hóa cách đây 8 năm, nhưng tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ tại Sabeco vẫn rất lớn, 90%.
Với tỷ lệ đó, Sabeco vẫn hoàn toàn nằm dưới sự chi phối của Nhà nước. Nếu như toàn bộ số vốn được rút theo kế hoạch, tỷ lệ nắm giữ cổ phần của Nhà nước tại Sabeco sẽ hạ xuống 36%, từ mức 90% hiện nay.
Hiện tại vẫn chưa biết đến khi nào Chính phủ sẽ thông qua đề xuất trên, nhưng chắc chắn rằng thông tin này đang thu hút rất nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư, cả trong và ngoài nước.
Bằng chứng là trong những năm qua, dù kế hoạch tiếp tục thoái vốn của Sabeco chưa được Chính phủ chấp thuận, đã có rất nhiều nhà đầu tư đánh tiếng muốn mua cổ phần của Sabeco.
Trong đó có một số tên tuổi nổi tiếng trong ngành công nghiệp bia như Ashahi, Heineken, SAB Miller và ThaiBev.
Thị phần, sản lượng các hãng bia 2015.
Có thể nói trong ngành công nghiệp sản xuất bia ở Việt Nam, Sabeco chính là doanh nghiệp (DN) hấp dẫn nhất mà bất cứ nhà đầu tư nào cũng muốn nắm cổ phần. Đó là bởi vì hiện tại Sabeco đang chiếm tới 46% thị phần.
Một điều quan trọng nữa là tiềm năng tăng trưởng của Sabeco và sự mở rộng về quy mô thị trường vẫn còn rất lớn. Theo báo cáo của Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát, Việt Nam hiện đứng thứ 5 về tiêu thụ bia tại châu Á.
Cơ hội của ThaiBev
Trong số các nhà đầu tư đã từng đánh tiếng muốn đầu tư vào Sabeco, ThaiBev đang nổi lên là một trong những ứng viên tiềm năng nhất.
ThaiBev hiện là một trong những hãng bia lớn nhất Thái Lan, thuộc sở hữu của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi – người cũng là chủ sở hữu tập đoàn TCC Holdings đã thâu tóm thành công Metro Cash – Carry Việt Nam hồi cuối năm ngoái.
Nói ThaiBev là một trong những nhà đầu tư tiềm năng nhất, là vì tập đoàn này không hề giấu giếm mong muốn nắm giữ cổ phần chi phối tại Sabeco trong suốt hai năm qua.
Năm 2014, ThaiBev đã từng đưa ra đề nghị mua lại 53% cổ phần của Sabeco với số tiền lên tới 2 tỷ USD, nhưng không thành công.
Tới đầu năm 2015, hãng bia này tiếp tục đưa ra một giao dịch mới trị giá 1 tỷ USD cho 40% cổ phần của Sabeco và tiếp tục bị từ chối.
Tuy nhiên, lần này ThaiBev đang đứng trước cơ hội lớn hơn nếu Chính phủ chính thức phê duyệt bán 53% cổ phần Sabeco trong một lần đấu giá công khai.
Và một điều dễ nhận thấy, sau hai lần ra giá đòi mua cổ phần chi phối của Sabeco, ThaiBev dường như đã sẵn sàng trả giá rất cao để thâu tóm hãng bia nội này, để chính thức đặt chân vào thị trường Việt Nam theo một cách không thể nhanh hơn.
Mở rộng sự hiện diện ra thị trường nước ngoài đã là một chiến lược được ThaiBev thực hiện từ lâu.
Tập đoàn này từng lên kế hoạch một nửa doanh thu sẽ đến từ thị trường bên ngoài Thái Lan vào năm 2020, tăng so với hiện tại là 30%.
Phần lớn doanh thu đó sẽ đến từ khu vực ASEAN, sau khi Cộng đồng kinh tế chung ASEAN được thành lập từ ngày 31/12/2016, tạo ra một thị trường thống nhất với 600 triệu dân.
Trong một lần trả lời phỏng vấn hãng tin Nikkei hồi tháng Một vừa qua, ông Thapana Sirivadhanabkakdi chia sẻ rằng, Việt Nam là thị trường mà ThaiBev mong muốn mở rộng nhất trong khu vực ASEAN.
“Thị trường này đã được thiết lập tốt, có quy mô lớn với hơn 90 triệu dân và có một hệ thống cơ sở hạ tầng vững chắc,” ông Thapana nói. “Tất cả mọi người đang tham gia tìm kiếm cơ hội ở đây,” ông nhấn mạnh.
Trong quá khứ, ThaiBev cũng đã mở rộng sự hiện diện của mình trên thị trường bằng chiến lược mua bán và sát nhập (M&A).
Năm 2003, tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi, bố của ông Thapana, đã sát nhập tất cả các thương hiệu đồ uống có cồn của ông để tạo ra một tập đoàn lớn là ThaiBev bây giờ.
Năm 2008, ThaiBev đã thâu tóm Oishi, tiếp theo đó là Serm Suk. Cả hai thương hiệu này đều của Thái Lan.
Hiện ThaiBev cùng với TCC Assets cũng đã nắm hoàn toàn F&N bằng cách mua lại cổ phần của Lippo Group của Indonesia.
Vào thời điểm hiện tại, ThaiBev cũng đang sở hữu 11% cổ phần của Vinamilk thông qua F&N.
Với kinh nghiệm M&A như trên, cùng với mong muốn đã được thể hiện trước đó, rất có thể ThaiBev sẽ là người chiến thắng trong cuộc đua làm chủ Sabeco sắp tới.