Tôi tin là có rất nhiều người trên thế giới đều có một quan niệm sống như này: đối với sự việc, phải trắng đen rõ ràng; đối với người, phải yêu hận phân minh; tất cả mọi sự, đúng là đúng, sai là sai, không mập mờ, không lằng nhằng.
Cá nhân tôi cũng từng có suy nghĩ như này.
Nhưng gần đây tôi đột nhiên phát hiện ra rằng, tôi không còn chướng mắt với những thứ mà mình ghét cay ghét đắng trước kia; đối với người mà mình ghét, cũng bắt đầu có sự cảm thông và thấu hiểu hơn; cái ranh giới nhìn nhận mọi thứ, cũng không còn tuyệt đối như trước nữa.
Tôi luôn cho rằng mình đã sành đời rồi, cho tới khi xem được một bộ phim truyền hình nước ngoài có tên "My best friend’s story", nhận thức của tôi về cuộc đời này đã được nâng lên một tầm mới.
Trong bộ phim, khi nhân vật Tưởng Nam Tôn cho rằng Chương An Nhân quá sành sỏi, tháo vát, không biết đây là ưu điểm hay khuyết điểm, nhân vật Chu Tỏa Tỏa đã có một câu nói khiến tôi bừng tỉnh như thế này:
"Sói ác độc, cáo giảo hoạt, đó là khuyết điểm hay ưu điểm? Là cuộc sống ép mà ra cả thôi"
Đúng vậy, rất nhiều khi, làm gì có cái gọi là đúng sai tuyệt đối, chẳng qua ai cũng vì sinh tồn, vì mưu sinh cả thôi.
Vài năm trước, cô bạn đồng nghiệp ở công ty cũ của tôi muốn kết hôn, cô bạn đồng nghiệp khá hài lòng với người yêu của mình, nhưng mẹ của cô ấy thì lại chẳng ưng chàng rể này một tý nào.
"Mấy cô gái thành phố các con tìm đối tượng không thực tế tí nào, ba mẹ nuôi các con ăn sung mặc sướng mà lớn nên là cái lúc sắp kết hôn là không biết nghĩ tới chuyện kinh tế luôn hả?"
Thực ra chúng tôi đều biết, con rể tương lai của cô ấy là một họa sỹ, không có thu nhập cố định, nhưng ba mẹ đằng trai lo cho hai vợ chồng từ nhà tới xe cộ rồi.
Điều kiện bên nội như vậy, chỉ cần hai bên có tình cảm với nhau nữa là ổn rồi, cá nhân mấy bọn tôi cũng không thấy có vấn đề gì cả, không có áp lực chuyện nhà cửa, nhưng ba mẹ đằng gái lại không thích.
"Bọn cô ở đây làm chương trình mai mối hai năm rồi, các cháu xem xem mấy chàng trai điều kiện tốt đều bị mấy cô bé nông thôn "hốt" rồi, mấy cô gái thành phố các cháu đúng là không tinh tường gì cả."
"Các cháu xem xem, mấy cô gái mà bên bác mời tới chương trình đều là những cô gái nông thôn. Người ta sống thực tế biết bao, nói là ba mẹ không có lương hưu, lương của các cô bé ấy đều gửi hết về nhà, vì vậy, đối tượng mà các cô bé ấy cần phải là người bản địa, không có gánh nặng nhà cửa, thu nhập cao, hơn nữa nếu ba mẹ có lương hưu rồi thì còn có thể giúp được con cái."
"Nhìn các cháu mà xem, mấy cô bé chưa từng phải trải qua cuộc sống đói nghèo, chưa từng phải chân lấm tay bùn như người ta mới đặt cái tình yêu tình báo lên đầu, tình yêu có kiếm ra cơm ăn được không? Không tiền thì yêu đương cái nỗi gì, thời buổi này làm gì còn một túp lều tranh hai trái tim vàng nữa!"
Lời nói của mẹ cô bạn đồng nghiệp khiến tôi nhớ tới nhân vật Viên Viên trong phim, đó là một cô gái thực tế, cô ấy là một người xem trọng vật chất, và trên thực tế thì cô ấy cũng sống một cuộc đời rất sung sướng về mặt vật chất, và trong con mắt của người ngoài.
Khi mới đi làm, tôi rất ghét những kiểu người như vậy, những kiểu người vật chất, bởi lẽ tôi cho rằng những người như vậy không có "liêm sỉ", "liêm sỉ" của họ đều bị dục vọng lấn át mất.
Nhưng sau khi tiếp xúc nhiều, tôi dần dần chuyển sang thái độ cảm thông. Không phải ai sinh ra cũng được ngậm chiếc chìa khóa vàng trong miệng, vì sinh tồn, họ có gì là sai?
Chúng ta luôn tự hào mình là một Tưởng Nam Tôn luôn có nguyên tắc và tự tôn riêng, nhưng khi đối mặt với một món nợ không lồ, chẳng phải cũng phải cúi đầu trước số phận hay sao?
Nếu lựa chọn có chết cũng phải duy trì cái đạo đức của mình, sử dụng cái đòn cân ở trong lòng để đi đong đếm thế giới, người như vậy sẽ chỉ bị xã hội đào thải.
Không được xã hội chấp nhận và cảm thông, kết cục e là chỉ một chữ "thảm".
Vì vậy, bạn xem, ai sống ở đời mà chả "hai mặt".
Khi bản thân là Tưởng Nam Tôn, bạn hi vọng thế giới luôn là tuân thủ quy tắc, năm tháng yên bình; nhưng một ngày nào đó biến thành Viên Viên, bạn lại ngụy biện rằng tất cả đều là vì cuộc sống, vì mưu sinh.
Thế giới lấy đâu ra lắm người có sự đồng cảm tới như vậy, có lẽ chỉ khi Tưởng Nam Tôn ở vào hoàn cảnh của Viên Viên thì cô mới có thể thấu hiểu rằng cuộc sống bị xã hội ép buộc, nó khó đi tới nhường nào.
Có những chuyện, quả thực không thể dùng hai chữ đúng sai đơn giản để nhìn nhận, giống như có người từng nói: cái gì là của bạn rồi sẽ là của bạn, cái gì là nợ nần, cuối cùng vẫn sẽ cứ là nợ nần.
Chúng ta luôn mong mỏi sự công bằng, luôn mong mỏi sự nhẹ nhàng, dịu dàng từ xã hội, từ cuộc sống, nhưng chúng ta cũng bắt buộc phải thừa nhận rằng, thế giới này, phần lớn mọi thứ đều là không công bằng, và tất cả mọi thứ cũng không thể đánh giá hoặc đúng hoặc sai, hoặc đen hoặc trắng.
Có thể quá trình trưởng thành, quá trình va vấp, quá trình lớn của chúng ta chính là quá trình chúng ta đứng giữa ranh giới của trắng đen, không ngừng đắn đo, không ngừng tìm hiểu sâu xa và kĩ càng hơn!
Tôi nhớ tới một câu nói trong một cuốn sách mà mình từng đọc như này: Trưởng thành thực ra cũng không có gì tốt đẹp, bởi lẽ khi ngẩng đầu lên trời xanh, ta sẽ phát hiện ra, bầu trời, không còn xanh như vậy; mây cũng không còn trắng như thế…
Một ngày nào đó, khi bạn học được cách quay qua chuyển lại giữa trắng và đen, hoặc trong quá trình loay hoay, bạn trông thấy được một mảng xám, là khi ấy bạn đã thực sự trưởng thành, thực sự xứng với hai chữ "người lớn".