Năm 1937, người ta tìm thấy một em bé 9 tháng tuổi, mặc chiếc áo màu hồng xinh xắn, bị bỏ rơi trong một bụi mâm xôi ở Sussex, Anh, trong tình trạng tay bị trói chặt và trên người đầy những vết xước, vết côn trùng cắn.
Sau đó, mọi người lập tức đưa đứa trẻ này đến bệnh viện chữa trị, đồng thời đăng tin tìm kiếm người thân của em trên khắp các mặt báo.
Suốt 6 tháng ròng rã không nhận được hồi âm, đứa bé này lúc đó được một gia đình ở hạt Surrey nhận nuôi và đặt tên là Anthea Ring.
Bà Anthea thời điểm được tìm thấy trong bụi cây mâm xôi.
Thời điểm đó, báo chí có đưa tin về em bé bị bỏ rơi nhưng suốt 6 tháng không thấy ai đến nhận.
Anthea lớn lên trong tình yêu thương của bố mẹ nuôi, đôi vợ chồng đánh mất đứa con gái ruột trong vụ tai nạn thảm khốc.
Mãi cho đến năm 25 tuổi, sau khi kết hôn, Anthea mới được biết bà không phải là con ruột của gia đình.
Mẹ nuôi cũng nói với Anthea rằng khả năng tìm lại được bố mẹ ruột của bà cũng rất thấp bởi nếu ai đó đứng ra nhận đã bỏ rơi đứa trẻ, người đó nhiều khả năng sẽ bị kết tội cố ý giết người.
Vả lại, thời điểm đó, bà cũng chưa có ý định tìm lại gia đình mình. Phải đến khi sinh con, đẻ cháu đến tận năm 1983, Anthea mới bắt tay vào công cuộc tìm lại người thân ruột thịt.
Bà Anthea và bố mẹ nuôi.
Ròng rã mãi cho đến năm 2012, việc tìm kiếm của Anthea mới bắt đầu có chút hy vọng khi bà đi xét nghiệm ADN. Kết quả xác định 92% bà là người Ireland hoặc sinh ra trong gia đình Mỹ - Ireland.
Nhờ đó mà phạm vi tìm kiếm được thu hẹp lại đôi chút, người ta phát hiện ra mẹ của Anthea nhiều khả năng đến từ hạt County Mayo, Ireland.
Trong tập hồ sơ sinh con bất hợp pháp vào năm 1936, người phụ nữ mang tên Lena O'Donnell đã hạ sinh một đứa con gái trước khi kết hôn.
Năm 1945, người này mới lấy chồng và sinh ra 4 người con. Nhiều khả năng ghi chép này có liên quan đến thân thế của bà Anthea.
Biết được câu chuyện của Anthea, một trong những đứa con của bà O'Donnell đã đồng ý xét nghiệm ADN vào năm 2017. Kết quả kiểm tra xác nhận 2 người có quan hệ huyết thống và bà O'Donnell đích thị là mẹ ruột của bà Anthea.
Sau đó, Anthea chuyển hướng sang tìm kiếm tung tích của bố đẻ. Các nhà nghiên cứu cho rằng bà có thể là con của 1 trong 6 anh em trai thuộc gia đình Coyne hiện đang sinh sống ở hạt County Galway.
Đối chiếu với kết quả xét nghiệm ADN con gái của 1 trong số những người đàn ông đó, Anthea phát hiện bà và người này có quan hệ họ hàng.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc suy đoán trên của các nhà nghiên cứu trước đó hoàn toàn chính xác.
Các nhà nghiên cứu cuối cùng cũng xác định được bố ruột của bà Anthea chính là ông Pattrick. Tất cả đều nhờ vào người em họ tên Dot mà bà Anthea mới nhìn nhận cách đó không lâu.
Cụ thể, người này bất chợt tìm thấy những bức thư bà nhận được từ chú Pattrick trong thời gian đang du học ở Mỹ, nghĩ sẽ có ích cho quá trình tìm kiếm, bà quyết định giao lại chúng cho Anthea mang đi kiểm tra.
Những bức thư ấy có tuổi thọ lên đến 30 năm nhưng may mắn trên con tem thư, vẫn còn lưu lại vết nước bọt có chứa ADN của người viết và nó trở thành chiếc chìa khóa quan trọng giải mã thân thế của bà Anthea.
Bố ruột của bà Anthea, ông Patrick Coyne.
Chỉ tiếc bà Anthea không thể gặp lại được bố mẹ ruột vì cả 2 người đều đã qua đời từ lâu. Chính vì vậy, bà sẽ chẳng bao giờ được biết năm xưa vì sao mình bị bỏ rơi trong bụi cây mâm xôi với 2 tay bị trói chặt.
Thế nhưng, hành trình tìm kiếm của bà Anthea cuối cùng cũng thành công mỹ mãn, đó là điều bà cảm thấy tuyệt vời nhất.
“Tôi rất hạnh phúc vì đã tìm được mảnh ghép cuối cùng của cuộc đời mình.
Giờ đây, tôi đã có thể tự hào kể cho con cháu nghe về cội nguồn và thân thế của mình” - Anthea cũng chia sẻ rằng bà chưa bao giờ nghĩ việc hy hữu như mẫu ADN trong bức thư 30 năm trước có thể trở thành chìa khóa giải mã câu chuyện cuộc đời bà.
Đây chẳng khác gì một giấc mơ tuyệt vời nhất.
Bà Anthea cuối cùng cũng giải mã được thân thế của mình sau 35 năm tìm kiếm ngược xuôi.
(Nguồn: BBC)