Giữa trưa ngày 4/8, chị Lưu vội vã chạy đến đến đồn cảnh sát Giang An thuộc Cục cảnh sát Như Cao thuộc thành phố Nam Thông và trình báo có một khoản tiền rất lớn không biết từ đâu chuyển đến thẻ ngân hàng của cô.
"Cô Lưu nói rằng đột nhiên có thêm 300.000 NDT trong tài khoản ngân hàng, sau đó có người gọi đến nói rằng số tiền này đã được chuyển nhầm vào thẻ của cô. Cô Lưu muốn hoàn trả số tiền này dưới sự chứng kiến của cơ quan cảnh sát", Hoàng Kim Bác, một chuyên gia chống lừa đảo từ Cục cảnh sát Như Cao, cho biết.
Cảnh sát đang lấy thông tin từ Lưu.
Sau khi tra hỏi kỹ càng thì biết được, sáng hôm đó, cô Lưu nhận được cuộc gọi từ một người lạ. Người này tự xưng là nhân viên chăm sóc khách hàng của "Bảo đảm bách vạn" WeChat. Do bản thân Lưu không quen thao tác nên đã làm theo hướng dẫn của đầu dây bên kia và bật chức năng "chia sẻ màn hình" của điện thoại di động, tạo cơ hội cho kẻ lừa đảo.
Được biết, "Bảo đảm bách vạn" là tính năng như một gói dịch vụ bảo hiểm, nếu người dùng giao dịch thanh toán qua WeChat và Alipay mà bị lừa hoặc bị chiếm dụng thì số tiền bị mất sẽ được hoàn trả, không giới hạn số lần, số tiền bồi thường tích lũy hàng năm lên tới 1 triệu NDT (hơn 3,2 tỷ đồng). Lấy WeChat làm ví dụ, gói dịch vụ này được Tenpay và PICC của Công ty Bảo hiểm Nhân dân Trung Quốc đồng bảo lãnh để đảm bảo an toàn cho tiền của người dùng. Tính năng bảo vệ này được kích hoạt theo mặc định miễn phí và chỉ cần sử dụng thanh toán WeChat, người dùng có thể yêu cầu bồi thường nếu tài khoản thanh toán WeChat bị người khác đánh cắp và gây mất tiền. Tuy nhiên, nhiều đối tượng đã lợi dụng tính năng này để lừa đảo.
Tin nhắn SMS thể hiện tài khoản ngân hàng của Lưu có một dòng tiền 300.000 NDT đổ về.
"Kẻ lừa đảo giả làm nhân viên của 'Bảo đảm bách vạn' và nói với cô Lưu rằng tính năng này trên WeChat đã hết hạn. Nếu cô không tắt tính năng này thì sẽ bị tính phí 2.000 NDT (hơn 6,5 triệu đồng) mỗi tháng. Vì ít hiểu biết, Lưu đã tin điều đó.
Sau khi lấy được lòng tin, kẻ lừa đảo đã biết nhiều thông tin về Lưu thông qua 'chia sẻ màn hình', và sau đó hắn đã sử dụng ứng dụng ngân hàng trong điện thoại thực hiện thao tác vay số tiền 300.000 NDT", nhân viên cảnh sát Hoàng Kim Bác cho biết.
Sau khi đăng ký vay, số tiền tự động chuyển về ngân hàng của Lưu nhưng Lưu không hề hay biết mà chỉ nghĩ có người chuyển nhầm cho mình. Kẻ lừa đảo lợi dụng điều này để yêu cầu hoàn lại tiền với lý do chuyển nhầm. Song rất may Lưu đã nhờ cơ quan cảnh sát giúp đỡ kịp thời nên không chuyển đi số tiền 300.000 NDT.
Cảnh sát trưởng Cục cảnh sát Như Cao khuyến cáo người dân tỉnh táo để không mất tiền oan bởi những chiêu trò lừa đảo thông qua điện thoại.
Được biết, trong thời gian gần đây, chỉ riêng ở thành phố Nam Thông đã xảy ra nhiều trường hợp lừa đảo với lý do "tắt tính năng Bảo đảm bách vạn".
Mặc dù cảm thấy may mắn khi chưa chuyển tiền cho kẻ lừa đảo, thế nhưng Lưu rất đau đầu khi tự dưng lại vay tiền, bây giờ phải liên hệ làm thủ tục hoàn trả, hy vọng cảnh sát giúp đỡ để cô không bị tính phí lãi suất vì đây hoàn toàn là vụ lừa đảo.
Nguồn: The Paper