Người phụ nữ Mông thoát nghèo từ mô hình chăn nuôi, thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm

Lầu Chia |

Ở vùng cao Pá Lông còn nhiều khó khăn của huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La, nhiều chị em dân tộc Mông không cam chịu đói nghèo đã tìm hướng phát triển kinh tế gia đình hiệu quả từ chính vườn đồi nhà mình.

Mô hình chăn nuôi tạo thu nhập ổn định cho gia đình của chị Và Thị Kía, ở bản Tịa là một ví dụ.

Từ năm 2015 - 2019, được Nhà nước hỗ trợ vốn vay, giống cây trồng, vật nuôi, chị Và Thị Kía đã cùng chị em trong bản Tịa, xã Pá Lông, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La tham gia mô hình chăn nuôi gà đen. Ban đầu, do chị em chưa có kinh nghiệm, việc nuôi gà đen không thuận lợi, thậm chí còn bị bệnh và ốm chết. Không nản chí, chị Kía tiếp tục học hỏi cán bộ khuyến nông, đọc qua sách báo và kinh nghiệm từ những người đã nuôi thành công, dần dần đàn gà của chị đã  phát triển tốt.

Từ 10 con gà mái lúc đầu, đến nay đàn gà đen của chị đã phát triển được gần 300 con cho nguồn thu đều đặn từ trứng và gà thịt.

Về cách chăm sóc đàn gà, chị Và Thị Kía chia sẻ: “Khi gà mái ấp trứng, không nên cho ấp nhiều quá, chỉ cho ấp khoảng 10-12 quả thôi. Khi ấp nở rồi phải tách riêng luôn, không cho theo gà mẹ. Trong 7 ngày tuổi chỉ cho ăn gạo tẻ, sau đó mới cho ăn ít cám mua kèm cám ngô với tỷ lệ 1:3. Đến khi gà lớn khoảng 5 lạng, hoàn toàn cho ăn bằng ngô, thóc. Lúc này gà lớn nhanh rất tốt, không chết nữa”.

Ngoài chăn nuôi gà đen, chị Kía còn đầu tư chăn nuôi lợn và đào ao nuôi cá. Với 3 lợn nái sinh sản, mỗi năm mỗi nái mẹ đẻ 2 lứa, một lứa từ 7-8 con, bình quân một năm nhà chị Kía xuất bán 2 lần gồm cả lợn thịt và lợn giống.

Từ chăn nuôi lợn, gà đen, đào ao nuôi cá, gia đình chị Kía đã có nguồn thu ổn định hơn 100 triệu đồng/năm. Nguồn thu này giúp gia đình chị có của ăn, của để, có điều kiện chăm lo cho con cái ăn học đến nơi đến chốn, hiện con đầu của chị đang theo học năm thứ 4 tại trường Đại luật Hà Nội.

Mô hình chăn nuôi của gia đình mình có hiệu quả, chị Kía không quên chia sẻ kinh nghiệm, cũng như giúp đỡ những chị em khó khăn trong bản làm theo mình.

“Với cách phát triển kinh tế hiệu quả như trên, nhiều chị em cũng học hỏi và làm theo bằng cách 5-6 hội viên cùng góp vốn mua giống vật nuôi cho mỗi hội viên nuôi luân chuyển để giúp nhau cùng phát triển kinh tế. Đặc biệt trong năm 2019, 2020 được sự hỗ trợ của Hội phụ nữ huyện, chúng tôi cùng nhau đóng góp, đã giúp được một hội viên nghèo nhất bản dựng được ngôi nhà ở trị giá trên 20 triệu” - chị Kía nói.

Dám nghĩ, dám làm để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, chị Và Thị Kía cũng là một nữ hộ sinh năng động, cô đỡ trách nhiệm ở địa phương. Chị luôn tích cực tham gia các phong trào của bản, của xã, vận động chị em thực hiện phong trào “5 không 3 sạch”: không đói nghèo, không có người vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, không bất bình đẳng giới, không vi phạm chính sách dân số; và “sạch nhà, sạch ngõ, sạch bếp”.

Theo anh Chá A Và, Chủ tịch UBND xã Pá Lông, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La: Xã Pá Lông có 100% hộ đồng bào Mông sinh sống. Mặc dù Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư nhiều chương trình, dự án giúp đồng bào vươn lên, nhưng đến nay dù không còn hộ đói nữa, nhưng tỷ lệ hộ nghèo ở xã vẫn còn cao trên 60%. Trong điều kiện ấy, việc mạnh dạn xóa nghèo từ mô hình chăn nuôi của gia đình chị Và Thị Kía rất đáng để bà con học tập. Và đây cũng là một mô hình phù hợp với vùng cao như xã Pá Lông, tới đây xã sẽ nhân rộng, phát triển them.

“Hộ chị Và Thị Kía ở bản Tịa chăn nuôi hiệu quả và cũng đã hướng dẫn cho các hộ khác chăn nuôi. UBND xã cũng sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo nhân rộng thêm cho các hộ khác để học hỏi, chăn nuôi phát triển kinh tế hộ gia đình” - anh Chá A Và cho biết.

Ý chí, quyết tâm thoát nghèo vươn lên từ chính đồng đất quê mình của chị Và Thị Kía, một phụ nữ dân tộc Mông ở vùng cao Pá Lông-Thuận Châu-Sơn La thật đáng quý.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại