Người phụ nữ khóc trên tàu điện vì không thể trả nổi khoản vay mua nhà hé lộ sự thật của một lớp người trong xã hội

PHAN |

Chúng ta không thể dự đoán được tương lai. Khi ký vào bản hợp đồng vay nợ mua nhà, ai mà nghĩ đến việc bản thân có một ngày sẽ thất nghiệp?

Không lâu trước đây, một đoạn clip “gây sốt” khắp mạng xã hội Trung Quốc.

Người phụ nữ khóc trên tàu điện vì không thể trả nổi khoản vay mua nhà hé lộ sự thật của một lớp người trong xã hội - Ảnh 1.

Trong một góc trạm tàu điện ở Thâm Quyến (Trung Quốc), một người phụ nữ hét lớn trong tiếng khóc nghẹn ngào: “Anh đã làm gì vậy? Nợ 3,68 triệu tệ (hơn 12,7 tỷ đồng), anh muốn tôi trả bằng cách nào? Anh nói tôi biết làm sao tôi có thể trả được đây?”.

Người quay clip cho rằng đầu bên kia điện thoại có thể là chồng của người phụ nữ.

Suốt quá trình đứng trên tàu điện, cô cố gắng nhẫn nhịn, nhưng nước mắt vẫn không ngừng rơi. Sau khi xuống tàu, cô mới trốn vào một góc vắng người, trút hết cảm xúc tiêu cực.

Sau khi đoạn clip được đăng tải trên mạng xã hội, một dân mạng được cho là có quen biết với người phụ nữ tiết lộ sự thật đằng sau. Thì ra cô khóc vì gia đình rơi vào đường cùng, không còn khả năng chi trả khoản vay mua nhà. Càng tệ hại hơn là chồng của cô lại nghỉ việc trong khi gia đình đang khó khăn.

Khoảnh khắc bùng nổ của người trưởng thành chỉ xảy ra trong chớp mắt như thế đấy. Chẳng ai thấu hiểu được những gì mà cô đã trải qua.

Song, chúng ta không thể dự đoán được tương lai. Khi ký vào bản hợp đồng vay nợ mua nhà, ai mà nghĩ đến việc bản thân có một ngày sẽ thất nghiệp?

Được biết, xã hội Trung Quốc có một nguyên tắc bất thành văn là: Đàn ông phải có nhà, có xe, có sính lễ hậu hĩnh thì mới đủ điều kiện lấy vợ.

Theo đó, một người trưởng thành, bất kể nam hay nữ, đều sở hữu ít nhất một căn hộ chung cư hoặc có điều kiện hơn thì mua luôn đất xây nhà. Nhưng mua đứt một lần hay trả góp lại là một chuyện khác. Không làm được chuyện này, chắc chắn bị người đời khinh thường, châm biếm.

Theo thống kê, đa số người Trung Quốc chọn cách mua nhà trả góp. Nhiều người có tư tưởng rằng cứ mua nhà ở trước rồi sau đó trả dần. Nhưng họ không thể chắc chắn được việc bản thân liệu có thể trả khoản vay hàng tháng hay không.

Dịch bệnh hoành hành, nhiều người ngã quỵ trước hiện thực tàn khốc, thậm chí còn không đủ sức đứng dậy bước tiếp.

Vốn tự tin với cuộc sống hiện tại, giờ đây bàng hoàng không dám tin rằng nguồn thu nhập đột nhiên bị cắt đứt. Trong khi đó, mỗi tháng phải trích ra khoản tiền để trả tiền mua nhà, mua xe… Đến khi không còn một xu trong túi, thật sự không còn tiền để trả nợ, bạn mới biết: Cái nghèo đáng sợ đến mức nào!

Người phụ nữ khóc trên tàu điện vì không thể trả nổi khoản vay mua nhà hé lộ sự thật của một lớp người trong xã hội - Ảnh 3.

Từng có một người đàn ông sống ở quận Yến Giao (Tam Hà, Hà Bắc) chấp nhận tặng nguyên căn nhà nếu có người tiếp tục trả khoản vay còn lại của ông.

Ông chia sẻ: “Vì áp lực trả nợ mua nhà quá lớn, tôi chỉ đành tặng miễn phí. Chỉ cần có người thay tôi trả số nợ còn lại là được”.

Vậy tại sao phải tặng nhà, mà không dám “trốn nợ ngân hàng”?

Vì ngân hàng sẽ kiện và bạn sẽ bị tòa án phán quyết. Khi đó, ngoài tiền nợ gốc và lãi suất, bạn còn phải trả thêm phí phạt, phí thuê luật sư, phí tố tụng…

Càng đáng sợ hơn là bạn sẽ bị liệt vào danh sách đen vì nợ xấu, từ đó phát sinh nhiều vấn đề hơn: khó xuất ngoại, khó vay tiền, khó mua nhà đất…

Thà chọn mức lương bình thường và ổn định, còn hơn lương cao nhưng bất ổn

Tôi có quen một người chị mở cửa hàng bánh kem, thường đăng tải nhiều ảnh chụp những chiếc bánh ngàn lớp vị sầu riêng, bánh kem mochi, bánh tiramisu… lên mạng xã hội để quảng cáo.

Người phụ nữ khóc trên tàu điện vì không thể trả nổi khoản vay mua nhà hé lộ sự thật của một lớp người trong xã hội - Ảnh 4.

Thời gian đầu kinh doanh rất tốt, thu nhập 40-50.000 NDT/tháng (hơn 138-172 triệu đồng), nhưng vẫn bị người lớn trong nhà mắng là đứa thất bại, vì không có biên chế nhà nước.

Mấy năm nay, vì ảnh hưởng bởi nhiều nguyên nhân, tiệm bánh của chị không thể cầm cự được nữa, lỗ vốn đến mấy chục nghìn NDT. Bây giờ chỉ có thể nhờ bố mẹ hỗ trợ, còn phải nuôi con nhỏ, ngày tháng trôi qua không hề dễ dàng.

Một thực tế trong xã hội Trung Quốc: Ngày càng nhiều người chọn thi công chức.

Có người từ bỏ công việc có mức lương 20.000 NDT/tháng (gần 70 triệu đồng), về quê thi công chức để vào biên chế nhà nước với thu nhập 3-5.000 NDT (10-17 triệu đồng).

Có người đang làm trong ngành “hot” nhất hiện nay, tiếp thu tư tưởng hiện đại, nhưng cuối cùng cũng rũ hết tất cả về ôn thi công chức.

Người phụ nữ khóc trên tàu điện vì không thể trả nổi khoản vay mua nhà hé lộ sự thật của một lớp người trong xã hội - Ảnh 5.

Trong thế giới đang không ngừng thay đổi này, nhiều người chọn sự ổn định, tuy đồng lương không cao nhưng an ổn qua ngày, sau này còn có lương hưu và trợ cấp xã hội.

Mới đây, quận Triều Dương (Bắc Kinh, Trung Quốc) công bố danh sách thí sinh tham gia thi công chức.

Theo đó, hơn 95% thí sinh đã có học vị thạc sĩ hoặc tiến sĩ. Đa số đều tốt nghiệp những trường đứng đầu Trung Quốc, bao gồm Thanh Hoa, Đại học Nhân dân Trung Quốc… thậm chí còn có du học sinh ở nước ngoài trở về.

Nhóm người này sợ rằng một ngày trong tương lai sẽ bất ngờ mất việc, không thể trả tiền mua nhà hay những khoản nợ nói chung. Mà nếu không có nợ thì mất việc cũng là vấn đề vô cùng to lớn.

Vậy nên họ chọn về với sự an toàn, vào biên chế nhà nước, chấp nhận từ bỏ bằng cấp cao, không cần bon chen với đời.

Trong xã hội biến động, tranh đấu cho ước mơ hay chọn cách an toàn, âu cũng là sự lựa chọn của mỗi người.

(Nguồn: Zhihu)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại