Hành trình bỏ phố về biển
Tháng 6/ 2021, chị Thiên Bình (41 tuổi, quê Hà Nội) cùng con trai đến Phú Quốc. Ban đầu, dự định của chị Bình là đến Phú Quốc để nghỉ ngơi sau một thời gian dịch bệnh căng thẳng. Cuộc sống yên bình ở nơi đây khiến chị Bình và con trai không nỡ rời đi, lúc này chị bắt đầu nảy ra suy nghĩ muốn "bỏ phố về biển".
"Việc tôi rời phố về biển là một sự ngẫu nhiên. Khi dịch covid đến, tôi có nhiều thay đổi về định hướng cuộc sống của bản thân và của 2 mẹ con. Sự thay đổi đó khiến tôi quyết định gắn bó với một vùng đất mới. Một phần vì công việc của tôi không cố định nên dù đi đến một vùng đất khác, tôi vẫn có thể linh hoạt tìm kiếm cho mình những cơ hội mới", chị Thiên Bình nói.
Chị Thiên Bình và con trai.
Cả chị Bình và con trai đều học tập, làm việc theo hình thức online nên việc chuyển đến một môi trường mới với cả 2 mẹ con đều không quá khó khăn. Tuy nhiên, cuộc sống của chị và con trai khi về biển có sự thay đối rất lớn.
Chị Bình chia sẻ: "Trước kia, tôi sống trong một môi trường mà nhịp sống luôn hối hả. Bây giờ, khi chuyển về biển sống, cuộc sống của tôi đơn giản, yên bình hơn, khác xa với cuộc sống trước đây. Sức khỏe của tôi cũng được cải thiện rất nhiều".
Chị Thiên Bình cho biết, nhiều người nghĩ rằng, chị hẳn phải có "nhiều tiền lắm" mới có thể bỏ phố về biển như vậy. "Mọi người thường thắc mắc rằng về biển thì làm gì để sống và nghĩ rằng chắc hẳn phải nhiều tiền lắm mới có thể rời phố về biển như vậy. Tuy nhiên tôi muốn khẳng định tôi là một người phụ nữ rất bình thường, làm công việc bình thường để kiếm tiền, có thể duy trì cuộc sống của 2 mẹ con và được làm những điều ý nghĩa mà bản thân muốn làm".
"Khi đưa ra lựa chọn rời phố về biển như vậy, tôi cũng phải đánh đổi nhiều thứ. Gia đình, bạn bè, các mối quan hệ của tôi đều ở Hà Nội. Đến một môi trường sống mới, tôi gần như phải bắt đầu lại với con số 0", chị Bình nói thêm.
Thành lập Touch Blue - Nhóm tình nguyện dọn rác trên bờ biển
Sau 6 tháng sinh sống ở Phú Quốc, đến đầu năm 2022, hai mẹ con chị Bình quyết định chuyển đến sống tại thôn Bình Lập, xã Cam Lập, thành phố Cam Ranh, Khánh Hòa để có thêm nhiều trải nghiệm mới. Nơi đây nổi danh với bãi biển có làn nước trong xanh cùng những bãi cát trắng trải dài, phong cảnh hoang sơ, yên bình.
"Nhưng khi đặt chân đến đây, điều đầu tiên tôi thấy là môi trường bị ô nhiễm. Toàn xã Cam Lập với tổng diện tích hơn 21 km2 nhưng lại không có bãi rác tập kết nào. Thêm nữa, những năm gần đây, nghề nuôi tôm hùm ở vùng này cũng phát triển mạnh nên rác thải trong nuôi trồng thủy sản cũng nhiều hơn. Tất cả rác thải từ rác thải sinh hoạt, lồng bè nuôi tôm, chai lọ... ở đây được xử lý bằng việc gom sau đó đốt ngay trên bãi biển hoặc là cứ để chúng trôi lập lờ trên nước, dạt vào bờ biển", chị Thiên Bình nói.
Bờ biển "ngập" rác.
Chứng kiến rác thải la liệt trên bờ biển như vậy, một vùng biển đã từng rất trong xanh lại trôi nổi đầy rác và bốc lên mùi "hôi thối", chị Thiên Bình không thể ngồi yên. Hai mẹ con chị Thiên Bình và một vài người bạn đã quyết định cùng nhau dọn sạch bờ biển.
Với mong muốn có nhiều người chung tay tìm lại màu xanh vốn có cho biển cả nơi đây, tháng 6/2022, chị Thiên Bình quyết định thành lập ra nhóm Touch Blue. Thông điệp mà chị Bình muốn truyền tải qua cái tên "Touch Blue" là chạm tay vào màu xanh, chạm tay vào biển cả. Các thành viên trong nhóm là những người như chị Bình, hàng ngày cần mẫn dọn rác, góp phần đem lại sự xanh - sạch - đẹp cho vùng biển. Sau một khoảng thời gian thành lập, nhóm đã có gần 400 thành viên, gồm hai mẹ con chị Bình, người dân trong thôn và những người muốn bảo vệ môi trường biển trên khắp cả nước.
Hàng ngày, các thành viên trong nhóm Touch Blue đến từng đoạn bờ biển nhặt từng cái chai, thu gom đủ loại rác thải rồi đem đi xử lý. Khi người dân cho tôm ăn, có những thùng nhựa rơi xuống biển, nhóm của chị Bình lại thu gom những thùng nhựa đấy đem tái chế thành những chiếc thùng rác.
Có những miếng gỗ trôi dạt ven bờ, nhóm của chị lấy về và viết những cái tên "Hãy cho tôi rác", rồi cắm vào những chỗ thật nhiều rác. Cuối tháng 7 vừa rồi, chị Bình và Touch Blue cũng phát động ngày hội nhặt rác tại thôn mà chị đang sống. Chị cho biết, mọi người trong thôn xóm cùng tham gia và hơn 20 người ở ở Ninh Thuận, Bình Thuận, Nha Trang và Hà Nội đã về mũi Ca Dao, thôn Bình Lập để dọn trong 2 ngày rác.
Chị Thiên Bình cho biết, chị và các thành viên trong nhóm Touch Blue không hoạt động theo lịch trình nào cả vì rác ngày nào cũng phải dọn. "Ngày nào chúng tôi cũng có kế hoạch để dọn rác bờ biển nhà tôi, bờ biển nhà hàng xóm, bờ biển nhà hàng xóm nữa. Những điểm nào nhiều rác thì bắt đầu tập kết, dọn cùng.
Không phải chúng tôi không có kế hoạch dài hơi cho việc này, nhưng trước mắt, mình cứ thấy cái gì chướng mắt thì mình làm. Bây giờ, mục tiêu của chúng tôi là làm sao có thể dọn sạch rác ở thôn này và kêu gọi mọi người hãy bỏ rác vào thùng".
Hành trình dọn sạch bờ biển ở Cam Lập của chị Bình và các thành viên trong Touch Blue ban đầu cũng gặp phải một vài khó khăn nhỏ. Chị Bình chia sẻ: "Người dân địa phương ở đây đang sống một cuộc sống rất bình thường, tự nhiên mình đến và muốn thay đổi, tham gia vào cuộc sống của họ. Bởi vậy, khó khăn trước tiên là làm sao mình để mình quen được với nếp sống của họ và giải thích được cho họ hiểu điều mà chúng mình đang làm là điều tốt".
Hàng ngày, chị Thiên Bình cứ đi cặm cụi nhặt rác và vận động mọi người tham gia cùng, gặp ai ở ngoài chợ hay ngoài đường, chị đều bảo: "Hôm nay nhà em dọn rác đấy, mọi người có sang dọn rác cùng không?". Thấy vậy, không ít người nói chị Bình "rảnh thế". Nhưng với sự vận động đó, ngày càng nhiều người dân tham gia cùng chị Bình và các thành viên trong nhóm Touch Blue tham gia dọn rác hơn. Đoàn thanh niên ở địa phương cũng tham gia làm cùng nhóm của chị.
Sau một khoảng thời gian mọi người cùng nhau nhặt rác, bờ biển ở Cam Lập trở nên sạch, thoáng đãng hơn, những bãi cát trắng đã dần hiện ra. Chị Bình cho biết, hiện tại mặt biển gần nhà chị đã rất sạch, như được "khoác một màu áo mới".
Bờ biển sau khi được chị Bình cùng các thành viên của Touch Blue, người dân địa phương
Chị Bình chia sẻ, từ ngày thành lập Touch Blue, chị có thêm rất nhiều người bạn mới, những người chung mục tiêu, cùng suy nghĩ, mong muốn bảo vệ môi trường biển. "Nhờ có nhóm Bỏ phố về biển và Touch Blue, tôi có thêm rất nhiều người bạn đồng hành. Tôi nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ quên những con người như vậy, họ đi qua và để lại cho tôi những 'đốm sáng' trong cuộc đời này", chị Bình nói.
Mong muốn của chị Thiên Bình là thông điệp bảo vệ môi trường biển mà Touch Blue muốn truyền tải sẽ được lan rộng và xa hơn nữa để ngày càng nhiều người tham gia làm sạch biển hơn. Chị chia sẻ: "Tôi mong muốn mình đi đến đâu, mình cũng làm xanh và sạch nơi mình sinh sống. Vì thực tế, Cam Lập không phải nơi tôi sẽ gắn bó lâu dài, tôi sẽ có thể chỉ ở một thời gian, 1 năm, 2 năm sau đấy tôi sẽ tiếp tục chuyển đến nơi khác. 2 mẹ con tôi mong muốn sẽ có thể đi dọc khắp Việt Nam. Thế nên tôi rất muốn lan rộng phong trào của Touch Blue tới những địa phương nằm dọc theo đường bờ biển Việt Nam chứ không chỉ gói gọn ở bờ biển thôn Cam Lập".
Chị Bình chia sẻ, động lực thúc đẩy chị có thể thành lập ra Touch Blue, hàng ngày kiên trì dọn sạch bờ biển, ngoài mong muốn tìm lại màu xanh cho biển cả, là sự ủng hộ đến từ con trai. "Tôi muốn làm tấm gương tốt cho con của mình. Tôi cũng muốn hướng đến cho con cuộc sống xanh và sự trải nghiệm thực tế. Những việc tôi làm như việc dọn rác ở bờ biển chẳng hạn, con tôi đều làm cùng và ủng hộ. Đây là điều mà tôi cảm thấy hạnh phúc và là nguồn động viên để mình làm tất cả mọi việc. Tôi luôn tin vào quyết định của bản thân vì có con trai bên cạnh", chị Thiên Bình nói.
Ảnh: NVCC, FBNV