Vào ngày 25/9/2019, một người phụ nữ (gọi là A, thuộc độ tuổi 30) đã rời khỏi nhà ở thành phố Dongducheon, tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc, với ý định tự tử sau khi để lại một bức di thư.
Sau đó, chồng A đã tìm thấy bức thư ấy rồi lập tức báo cho người thân và cảnh sát.
Sau khi nhận được tin báo của chồng A, lực lượng cảnh sát đã vào cuộc điều tra và tìm kiếm người mất tích.
Họ mất đến tận 50 ngày, đến ngày 14/11/2019, mới tìm được thi thể bị thối rữa nghiêm trọng của A ở một vách đá cách mặt đất 60m tại khu vực núi Gamak, Paju.
Ảnh minh họa
Trước khi cảnh sát tiến hành khám nghiệm tử thi, các thành viên trong gia đình của A, trong đó có chồng và bố ruột của cô, đều tìm đến để mong nhìn người thân lần cuối cùng.
Thế nhưng, họ đã bị cảnh sát từ chối từ cửa với lý do phần trên thi thể của A đã bị tổn hại nặng nề nên bảo họ tốt nhất là đừng nhìn.
4 ngày sau khi tìm thấy thi thể của A, quá trình khám nghiệm tử thi cũng hoàn tất.
Gia đình của A tiến hành tang lễ nhưng trước khi làm lễ nhập quan, họ muốn nhìn mặt A lần cuối dù cho gương mặt cô đã bị tổn thương rất nhiều như lời cảnh sát nói.
Lúc này, tất cả người thân của A mới ngỡ ngàng khi biết sự thật: Thi thể người chết thiếu mất phần đầu.
Sau đó, họ nhanh chóng liên lạc với cảnh sát để hỏi rõ mọi chuyện và nhận được câu trả lời rằng nhân viên điều tra đã không thể tìm thấy phần đầu của nạn nhân tại hiện trường.
Đây là thông tin mà người thân của A lần đầu tiên được nghe thấy.
Chồng A đã tiết lộ một phần của nội dung đoạn tin nhắn giữa anh và viên cảnh sát điều tra như sau:
Cảnh sát: Tôi đã nói với anh là ngày mai, chúng tôi sẽ lên đường tìm kiếm đầu của nạn nhân rồi mà.
Chồng A: Xin các anh hãy điều tra kỹ lưỡng.
Cảnh sát: Nhưng nếu chúng tôi tìm không thấy thì anh cũng không tổ chức tang lễ sao?
Chồng A: Hiện giờ, bố vợ tôi nói nếu như không tìm thấy phần còn lại của thi thể vợ tôi thì lễ tang sẽ bị hoãn lại.
Cảnh sát: Thế là tôi phải làm theo lời anh, cứ đi tìm khắp mọi nơi mà không ngừng nghỉ. Khi anh gọi thì tôi lập tức phải có mặt hay sao?
Chồng A: Không phải, tôi chỉ bảo các anh điều tra vụ việc mà thôi.
Cảnh sát: Nếu muốn điều tra thì tôi lại phải ra ngoài rồi. Thật tình mà nói thì chúng tôi không biết gì về ngọn núi đó cả.
Chồng A: Thì các anh chỉ cần tìm là được mà.
Cảnh sát: Nghe anh nói vậy thật sự là tôi cảm thấy rất khó chịu. Tôi đã trình bày mọi chuyện hết với anh nhưng anh không chịu nghe. Tôi không thể hiểu được.
Chồng A: Tôi chưa từng nghe anh nói về chi tiết kia của vợ tôi.
Cảnh sát: Tôi đã gọi điện cho anh hồi sáng mà.
Chồng A: Ý tôi nói là việc thi thể vợ tôi bị thiếu mất phần đầu. Tôi chưa bao giờ được cung cấp thông tin ấy. Đến tận cuộc trò chuyện buổi sáng của chúng ta, anh cũng không nhắc đến.
Cuối cùng, trước yêu cầu kịch liệt của gia đình A, cảnh sát đã đồng ý điều tra kỹ hơn về vụ án này. 2 ngày sau, phần đầu bị mất của A được tìm thấy ở khu vực cách hiện trường 150m về phía dưới.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra ở đây là: Vì sao đầu của A vẫn lành lặn và thậm chí không dính chút cát bụi, chưa hết tóc trên đầu cũng không còn.
Hàng loạt uẩn khúc trong vụ án
Dựa vào vị trí phát hiện thi thể của A, nhiều khả năng người phụ nữ này bị giết hại trước khi bị đẩy xuống dưới khu vực kia nhưng cảnh sát không tìm được bất cứ vết thương nào trên người cô. Hoặc nếu trong trường hợp A tự tử thì sợi dây treo cổ của cô lại không hề có tại hiện trường.
Sau này, người ta tìm thấy tóc của A nằm cách thi thể cô 20m và chúng được che đậy hoàn hảo bởi lá cây. Túi xách của nạn nhân thì được tìm thấy phía trên cao 30m từ vị trí phát hiện thi thể. Thẻ tín dụng và một số giấy tờ khác bên trong đã không còn.
Điện thoại của A được tìm thấy gần hiện trường nhưng nó đã bị ngắt kết nối từ nơi cách hiện trường 8km.
Cuộc gọi cuối cùng mà người phụ nữ này thực hiện là gọi cho chồng vào khoảng 1h10 chiều. Tin nhắn cuối cùng được A thực hiện thông qua ứng dụng trò chuyện Kakaotalk là vào lúc 8h30 sáng ngày hôm cô mất tích.
Cho đến nay, vụ án trên vẫn tồn tại nhiều câu hỏi chưa có lời giải đáp và điều đó biến nó trở thành một trong những vụ án gây rùng mình người dân xứ Hàn mỗi khi nhắc đến.