Người phụ nữ bị rận đẻ trứng đầy mi mắt

Hải Yến |

Qua thăm khám, bác sĩ phát hiện có rất nhiều rận và trứng ký sinh trên các sợi lông mi của người phụ nữ 62 tuổi.

Mi mắt người phụ nữ có nhiều trứng rận bám chặt

Mi mắt người phụ nữ có nhiều trứng rận bám chặt

Ngày 5-4, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Tây Ninh cho biết đơn vị này vừa tiếp nhận điều trị cho một nữ bệnh nhân 62 tuổi, ngụ Tây Ninh, bị rận đẻ trứng và ký sinh trên lông mi mắt.

Theo đó, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng ngứa nhiều vùng quanh mi mắt hai bên.

Qua khai thác bệnh sử, bệnh nhân cho biết bị ngứa nhiều ngày trước nên đã tự mua thuốc về điều trị. Tuy nhiên, tình trạng ngứa mắt vẫn không cải thiện nên bà đã đến bệnh viện thăm khám.

Qua thăm khám, bác sĩ phát hiện có nhiều rận và trứng ký sinh trên các sợi lông mi bệnh nhân.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Trưởng khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á, sau khi thăm khám, bệnh nhân được gắp bỏ toàn bộ trứng, rận ra khỏi mi mắt, vệ sinh mắt. Đồng thời, các bác sĩ da liễu tại bệnh viện cũng lên phác đồ điều trị rận toàn thân cho bệnh nhân.

Người phụ nữ bị rận đẻ trứng đầy mi mắt - Ảnh 1.

Trứng và rận được gắp ra khỏi mi mắt của bệnh nhân

Bác sĩ Nga cho biết gần đây, bệnh viện liên tục tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị rận. Loài ký sinh trùng này còn được gọi là rận mi, rận rận bẹn...

Chúng lây truyền qua tiếp xúc cơ thể, như hôn, quan hệ tình dục hoặc các tiếp xúc trực tiếp từ người bệnh sang người lành. Ngoài ra, rận này còn có thể lây qua chăn, chiếu, mùng mền, quần áo, khăn tắm... khi dùng chung.

Bác sĩ Nga lưu ý khi có rận, bệnh nhân thường cảm thấy ngứa, sẩn đỏ mắt hoặc có các vảy màu đỏ sẫm ở mi và lông mi. Nếu quan sát kỹ sẽ thấy trứng và rận trưởng thành ở một mắt hay cả hai mắt. Rận sống ở nhiều vị trí khác trên cơ thể, như tóc, lông mày, lông mu... Chúng gây ngứa, thường xảy ra sau một đến hai tuần nhiễm bệnh. Bệnh nhân thường ngứa nhiều vào ban đêm.

Bác sĩ Nga khuyến cáo rận dễ lây cho những người xung quanh, nhất là người sống cùng một nhà. Do đó, khi có triệu chứng nghi ngờ bị nhiễm rận, cần đến các phòng khám chuyên khoa để khám, phát hiện, điều trị kịp thời và được tư vấn cách phòng tránh lây lan.

"Điều trị rận không khó nhưng nếu không điều trị dứt điểm, việc gãi ngứa gây trầy xước da, lở loét có thể dẫn đến bội nhiễm do vi khuẩn. Để phòng tránh ký sinh trùng gây bệnh, cần thường xuyên vệ sinh, tắm rửa hàng ngày, giữ cơ thể sạch sẽ" - bác sĩ Nga nhấn mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại