Người Nhật ngỡ ngàng khi lần đầu trải nghiệm lạm phát kỷ lục: Gói snack tăng giá 20% sau 42 năm cũng tạo ra làn sóng dư luận

CHI CHI |

Yaokin, công ty sản xuất snack quốc dân của Nhật đã tổ chức cả một chiến dịch để giải thích vì sao phải tăng giá thành sản phẩm.

Trong khi nhiều quốc gia châu Á khác đang trở nên giàu có nhanh chóng trong thập kỷ qua, sự thịnh vượng của Nhật Bản - cường quốc từng đứng thứ 2 về kinh tế trên thế giới lại sụt giảm. Người dân Nhật Bản đang trải qua cơn khủng hoảng lạm phát giá cả kỳ lạ và hiếm hoi. 

Thói quen bình ổn giá suốt nhiều thập kỷ

Một bữa ăn trung bình có giá 500 yên (khoảng 90.000 VNĐ) đã là điều thông thường quen thuộc suốt hàng chục năm. Giá cả đồ dùng sinh hoạt đều giữ mức không dao động mạnh khiến mọi người đã luôn quen với mức giá cả cố định.

Sự ổn định về tiền lương cũng không suy chuyển. Vì phổ lương chung nhiều năm không đổi, người tiêu dùng cũng không có nhu cầu tiêu tiền. Trạng thái bình ổn này đã làm cả nền kinh tế toàn quốc phát triển chậm chạp và chính phủ coi đây là một "vòng luẩn quẩn" cần thoát ra.

Tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người của Nhật Bản vẫn ở mức không tăng trưởng kể từ thập niên 90. Vào năm 2010, Trung Quốc đã thay thế Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 toàn cầu.

Người Nhật ngỡ ngàng khi lần đầu trải nghiệm lạm phát kỷ lục: Gói snack tăng giá 20% sau 42 năm cũng tạo ra làn sóng dư luận - Ảnh 1.

Sau nhiều thập kỷ, Nhật Bản lần đầu đối mặt lạm phát rõ rệt

Bà Nobuko Kobayashi, một thành viên đến từ tổ chức EY-Parthenon nhận định: "Trong nhiều thập kỷ, ngân hàng trung ương đã cố gắng kích thích tăng trưởng kinh tế bằng cách khuyến khích người dân tiêu nhiều hơn, đầu tư nhiều hơn, tăng tiền lương và giá cả, thế nhưng thành công không là bao".

Vào tháng 4 năm nay, chỉ số giá tiêu dùng tại xứ sở mặt trời mọc cuối cùng cũng tăng 2,1%, đạt chỉ tiêu đề ra của ngân hàng quốc gia là 2% sau 3 thập kỷ. Tuy nhiên, điều này lại không ảnh hưởng gì đến chính sách kinh tế trong nước. Nó chủ yếu đến từ chi phí nhập khẩu cao hơn, giá nguyên liệu và năng lượng tăng trên toàn thế giới vì đại dịch và tình hình phức tạp tại Ukraine.

Dẫu vậy, mức tăng này không phải tín hiệu tốt mà là sự khởi đầu của lạm phát xấu, vì tiền lương vẫn chưa tăng. Lạm phát đã xuất hiện, giá cả tăng nhưng mức lương trung bình hầu như vẫn không tăng, đẩy người tiêu dùng vào tình cảnh hoảng loạn.

Trong thời kì hậu Covid-19, giá cả và chi phí sinh hoạt tăng mạnh đã trở thành vấn nạn với nhiều quốc gia. Nhưng riêng với Nhật Bản, nó thậm chí còn là một cú sốc vì người dân đã quá quen với giá cả ổn định trong nhiều thập kỷ.

Toàn quốc lao đao

Khi món snack umaibo - đồ ăn vặt quốc dân của Nhật Bản tăng từ giá 10 yên (khoảng 17.000 VNĐ) lên 20%, cả nước Nhật đã xôn xao. Suốt 42 năm qua, đây là lần đầu tiên gói snack này tăng giá.

Trong một xã hội như Nhật Bản, việc tăng giá thành sản phẩm là một gánh nặng cực lớn với doanh nghiệp. Vậy nên Yaokin, công ty sản xuất umaibo đã phải chạy cả một chiến dịch quy mô lớn để giải thích cho khách hàng lý do họ phải tăng giá snack. 

Người Nhật ngỡ ngàng khi lần đầu trải nghiệm lạm phát kỷ lục: Gói snack tăng giá 20% sau 42 năm cũng tạo ra làn sóng dư luận - Ảnh 2.

Biển quảng cáo của Yaokin giải thích về việc phải tăng giá, mong khách hàng cảm thông

Mặc dù việc phải tăng giá là bất khả kháng khi giá cả sản xuất tăng lên, nhưng Yaokin và nhiều doanh nghiệp khác vẫn không tránh được cơn phẫn nộ của người tiêu dùng. Từ gói sốt mayonnaise cho đến đồ uống đều đắt đỏ hơn. Theo số liệu của Teikoku, giá niêm yết của hơn 10.000 loại hàng thực phẩm đã tăng 13% trong năm nay. 

Đất nước Đông Á này đang phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan. Để kiềm chế lạm phát giá cả, các ngân hàng trung ương trên thế giới thường giải quyết bằng cách tăng dần lãi suất. Tuy nhiên, ngân hàng trung ương Nhật Bản đã giữ lãi suất ở mức đáy trong nhiều năm. Hiện có sự chênh lệch đáng chú ý giữa lãi suất của Nhật và các nền kinh tế lớn khác. 

Gần đây, khi so với đồng USD, đồng yên đã giảm xuống mức thấp nhất trong 20 năm. Và điều đó đồng nghĩa với việc các sản phẩm nhập khẩu như dầu và ga cũng đắt đỏ hơn. 

Giám đốc điều hành của Suntory Holdings - một công ty sản xuất đồ uống lớn của xứ sở hoa anh đào, ông Takeshi Niinami cho biết: "Người tiêu dùng Nhật Bản không quen với việc chấp nhận lạm phát".

Người Nhật ngỡ ngàng khi lần đầu trải nghiệm lạm phát kỷ lục: Gói snack tăng giá 20% sau 42 năm cũng tạo ra làn sóng dư luận - Ảnh 3.

Takeshi Niinami - CEO của Suntory Holdings

Suntory Holdings vừa thông báo sẽ tăng giá hầu hết các sản phẩm của mình từ tháng 10 sắp tới để có thời gian thảo luận với các nhà phân phối. Ông Niinami cho biết đây là quyết định không thể khác được vì sự sụp đổ chuỗi cung ứng toàn cầu. Dù việc tăng giá thành sản phẩm sẽ dần được chấp nhận nhưng các nhà bán lẻ lớn vẫn chồng chất khó khăn.

Bên cạnh đó, có một phần lý do khiến chính phủ Nhật Bản nỗ lực thúc đẩy lạm phát là để bắt doanh nghiệp phải tăng lương.

"Có áp lực rất lớn từ xã hội và chính phủ về việc tăng lương, nhưng chúng tôi cũng cần phải tăng năng suất mà rất khó để tăng năng suất một cách đột ngột. Có quá nhiều công ty cạnh tranh trong cùng lĩnh vực nên muốn tăng phổ lương thì phải có sự thống nhất của toàn thị trường", ông nói.

Theo ông Niinami, Nhật Bản cần đầu tư vào các lĩnh vực mới để kích thích nền kinh tế như các phát minh xanh hoặc chăm sóc sức khỏe. Có như vậy mới tạo thêm việc làm mới và tăng mức lương trung bình, đồng thời thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Dù giải pháp là gì, tất cả cũng cần có thời gian. Giữa bối cảnh đồng yên xuống giá, điều tích cực duy nhất là nhờ vậy mà ngành du lịch sẽ phát triển vì khách quốc tế sẽ "dễ thở" hơn khi du lịch đất nước đắt đỏ này. 

Nguồn: BBC

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại