Người Nhật dùng tiền vào việc gì khi đám cưới không tiệc mừng, không tuần trăng mật?

Minh Thu |

Giữa dịch bệnh, nhiều cặp đôi ở Nhật quyết định không làm tiệc mừng đãi khách và không đi tuần trăng để dành tiền cho việc khác.

Kết quả từ hai cuộc điều tra mới đây liên quan tới mức độ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đối với cách thức tổ chức đám cưới cho thấy, 60% cặp đôi mới cưới ở Nhật Bản không tổ chức tiệc mừng đãi khách do lo ngại sự lây lan của dịch bệnh. Ngay cả những người vẫn muốn bạn bè và họ hàng tới chung vui, họ cũng sẽ cắt giảm quy mô bữa tiệc.

Đầu tiên là bản điều tra được công bố vào ngày 15/11 của Công ty Bảo hiểm Meiji Yasuda, 58% cặp đôi ở Nhật Bản tiến hành lễ cưới trong khoảng thời gian từ tháng 10/2019 quyết định không tổ chức lễ cưới và 68,8% cho biết họ không đi hưởng tuần trăng mật.

Người Nhật dùng tiền vào việc gì khi đám cưới không tiệc mừng, không tuần trăng mật? - Ảnh 1.

Nhiều cặp đôi mới cưới ở Nhật không tổ chức tiệc mừng và không đi hưởng tuần trăng mật. (Ảnh minh họa)

Cuộc điều tra này được tiến hành theo hình thức trực tuyến từ ngày 12/10 – 15/10 với khoảng 1.620 người trong độ tuổi từ 20 – 70 tham gia trả lời.

“Đại dịch Covid-19 đã dẫn tới sự thay đổi lớn trong cách sống và nhu cầu của những cặp đôi mới cưới”, Kyodo dẫn lời ông Yuichi Kodama, nhà kinh tế trưởng của Viện Nghiên cứu Meiji Yasuda.

Cũng theo ông Kodama, do không thể tổ chức đám cưới như bình thường, các cặp đôi có xu hướng tiêu tiền nhiều hơn cho những thứ khác như mua nhẫn cưới hay sắm đồ nội thất trong tổ ấm mới.

“Khả năng nhiều cặp đôi sẽ tiếp tục chọn cách không tổ chức lễ cưới trong tương lai”, ông Kodama nhận định.

Điều tra của Viện Meiji Yasuda cho biết thêm, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các cặp đôi mới cưới đã dành thời gian ở nhà cùng nhau nhiều hơn.

Trong số này, 20,2% cho biết nhờ có thêm thời gian bên nhau, mối quan hệ của họ trở nên bền chặt hơn do có sự gắn kết với các thành viên trong gia đình. Nhưng cũng có 8,2% cho hay vì ở nhà nhiều mà mối quan hệ vợ chồng trở nên lục đục. Nguyên nhân là vì họ dành thời gian nhiều hơn cho sở thích cá nhân. Số còn lại chia sẻ ở nhà nhiều hay không cũng không làm thay đổi mối quan hệ giữa hai vợ chồng.

Do ngày càng ít cặp vợ chồng trẻ chọn cách ăn mừng, số tiền mà họ chi cho ngày trọng đại cũng giảm mạnh vào thời gian dịch bệnh xuất hiện.

Cụ thể, cuộc điều tra được công bố vào ngày 4/11 của Công ty Recruit, nhà xuất bản tạp chí cô dâu Zexy, cho thấy mỗi cặp đôi tổ chức lễ cưới và tiệc đãi khách trong khoảng thời gian từ tháng 4/2020 – 3/2021 mất trung bình 2,92 triệu yen, giảm 700.000 yen so với cùng kỳ năm trước đó.

Con số này cũng là mức chi thấp nhất cho đám cưới kể từ khi Recruit tiến hành điều tra lần đầu tiên vào năm 2005. Nguyên nhân là do nhiều cặp đôi cắt giảm quy mô đám cưới và chi ít tiền hơn so với kế hoạch ban đầu.

Cũng theo điều tra của Recruit, hơn 70% cặp vợ chồng tổ chức lễ cưới và tiệc mừng đãi khách đã giảm bớt số lượng khách mời tham dự, do chính phủ Nhật Bản quy định giới hạn số người được tập trung ở các sự kiện.

Cụ thể, mỗi đám cưới chỉ có trung bình số khách được mời ở mức thấp kỷ lục là 42,8 người, giảm 23,5 người so với năm trước đó.

Thậm chí, để tránh tình trạng có quá nhiều người cùng xuất hiện trong một căn phòng, một vài cặp đôi để cho khách dự lễ cưới theo hình thức online hoặc chia thành 2 nơi đón khách.

Trên thực tế, không ít cặp vợ chồng trẻ về chung sống với nhau mà không tổ chức bất cứ buổi lễ nào. Trong số này, 40% trả lời họ có ý định tổ chức tiệc bù trong tương lai.

Một nghiên cứu khác được thực hiện ở Tokyo, Nagoya và Osaka cho thấy kể từ tháng Tư, số lượng cặp đôi tổ chức đám cưới đã gia tăng với số lượng khách mời nhiều hơn và mức chi phí cho ngày trọng đại cũng tăng lên.

“Tỷ lệ cặp đôi muốn tổ chức đám cưới không thay đổi nhiều so với trước thời điểm dịch bệnh xuất hiện”, ông Ayumu Ochiai tại Viện Nghiên cứu Cô dâu Recruit bày tỏ hy vọng thị trường đám cưới sẽ khởi sắc trở lại sau khi dịch bệnh Covid-19 được đẩy lùi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại