Biểu tình của những người Myanmar ủng hộ "chính phủ ngầm" NUG đối lập với chính quyền quân sự. Ảnh: AFP.
Hôm 7/9/2021, Duwa Lashi La - "quyền Tổng thống" của "Chính phủ Đoàn kết Quốc gia" (NUG) đã ra lời hiệu triệu tiến hành "cuộc chiến tranh phòng vệ của nhân dân" chống lại chính quyền quân sự của Myanmar . Lời kêu gọi xuất hiện chỉ vài ngày trước khi Ủy ban Quốc thư của Liên Hợp Quốc đưa ra quyết định về việc ai sẽ đại diện cho Myanmar tại Liên Hợp Quốc - NUG hay chính quyền quân sự.
Biểu tình của những người Myanmar ủng hộ "chính phủ ngầm" NUG đối lập với chính quyền quân sự. Ảnh: AFP.
Tuyên bố của ông Lashi La đánh dấu một bước ngoặt mới của NUG - một tổ chức gồm các lãnh đạo của Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) hiện đang ẩn náu hoặc lưu vong. NLD là chính đảng cầm quyền mới bị quân đội Myanmar lật đổ vào tháng 2/2021.
Trong đoạn video đăng tải trên mạng xã hội Facebook, "quyền Tổng thống" Lashi La tuyên bố sẽ loại bỏ tướng Min Aung Hlaing và "thiết lập một liên minh dân chủ liên bang hòa bình bảo đảm đầy đủ sự bình đẳng".
Lời tuyên chiến này diễn ra đúng lúc công chúng chưa xác định rõ được liệu người đứng đầu quân đội Myanmar, Min Aung Hlaing, đã thực sự chấp nhận đề xuất ngừng bắn trong 4 tháng do đặc phái viên ASEAN Erywan Yusof đưa ra hay chưa.
Erywan nói với hãng tin Kyodo rằng hai bên xung đột ở Myanmar đã nhất trí về một lệnh ngưng chiến, nhưng một đại diện của chính quyền quân sự nước này vào hôm 6/9 nói với tờ The Irrawaddy rằng điều này không đúng.
"Biểu tình chay không mang lại kết quả"
SCMP hôm 8/9 đã phỏng vấn một số cư dân Myanmar. Nội dung phỏng vấn cho thấy những người này, nhất là thanh niên, hoan nghênh lời kêu gọi nổi dậy vũ trang. Tuy nhiên họ cũng đồng thời lo sợ có thể xảy ra các cuộc tắm máu.
Pyae Sone, 28 tuổi, sống ở thị trấn Botahtaung, Yangon, cho biết: "Tôi vừa phấn khích vừa lo lắng. Tuy nhiên, đây là lựa chọn duy nhất vì các cuộc biểu tình phi bạo lực chống giới quân nhân là vô hiệu, chỉ khiến chúng tôi bị người ta bắn mà thôi".
Trong cuộc trả lời phỏng vấn qua điện thoại, Pyae Sone nói thêm rằng anh đã hỗ trợ tài chính cho chi nhánh địa phương của Lực lượng Phòng vệ Nhân dân (PDF) - cánh vũ trang của NUG, và đã "tích trữ lương thực cho một tháng".
Soen kể tiếp: "Tôi không biết điều gì sẽ xảy đến nhưng tôi sẽ cố hết sức để hỗ trợ. Hoặc là bây giờ hoặc không bao giờ".
Huấn luyện viên gym Htun, 30 tuổi, cũng sống ở Yangon, cho biết anh rất hy vọng về cuộc khởi nghĩa mới, vì bây giờ không còn là năm 1988 (ám chỉ cuộc nổi dậy vào năm đó đã bị quân đội trấn áp một cách tàn khốc).
Khant - một sinh viên 19 tuổi ở thành phố này, cũng hứng khởi tương tự về cuộc khởi nghĩa nhưng nói thêm rằng cậu đã chuẩn bị phương án dự phòng nếu nội chiến quy mô toàn diện dẫn tới tình huống người dân phải sơ tán hàng loạt. "Em đã chuẩn bị túi sơ tán và tích trữ thực phẩm cho 2 tuần lễ".
Phản ứng lo lắng của cộng đồng quốc tế
Indonesia nằm trong số các quốc gia có phản ứng lập tức trước lời kêu gọi khởi nghĩa của Lashi La. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Indonesia Teuku Faizasyah hối thúc các bên "kiềm chế, tránh xung đột công khai". Ông này nói thêm rằng ASEAN đang hoàn thành việc chuẩn bị phân phối viện trợ nhân đạo cho Myanmar. Teuku bày tỏ lo ngại "hàng viện trợ sẽ không thể phân phát được nếu an ninh trên thực địa không được bảo đảm".
Trong khi đó, tân Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah cho rằng tuyên bố trên của NUG đồng nghĩa với việc ASEAN trở lại vạch xuất phát trong nỗ lực chấm dứt bạo lực ở Myanmar. ASEAN hồi tháng 4/2021 đã đạt được một bản đồng thuận 5 điểm nhằm giảm leo thang căng thẳng tình hình sau khi quân đội Myanmar thực hiện đảo chính vào tháng 2/2021, lật đổ chính quyền dân bầu của NLD.
Ông Saifuddin hôm 8/9 cho biết mình có kế hoạch liên hệ với đặc phái viên Erywwan về các bước đi tiếp theo mà ASEAN có thể tiến hành nhằm làm giảm căng thẳng sau khi NUG kêu gọi khởi nghĩa vũ trang.
Trong khi đó, tổ chức Hội đồng Cố vấn Đặc biệt cho Myanmar (SAC-M) - một nhóm độc lập chuyên tập trung vào tình trạng khủng hoảng hậu đảo chính ở Myanmar, tỏ ý "cảm thông với hoàn cảnh của NUG" nhưng cũng đồng thời "lo sợ về hậu quả" của lời kêu gọi đó. Chris Sidoti - một thành viên sáng lập của SAC-M, ra thông cáo vào hôm 8/9 khẳng định bạo lực "gây ra đau khổ cho người dân Myanmar và không phải là giải pháp".
Tuy nhiên, một thành viên khác của SAC-M, Marzuki Darusma, thì lại phản bác lời kêu gọi đình chiến của đặc phái viên Erywan.
Marzuki - từng đứng đầu một cuộc điều tra của Liên Hợp Quốc về bạo lực ở Myanmar, cho rằng lệnh ngừng bắn không phản ánh đúng tình hình trên thực tế và lệnh ngừng bắn này thực ra chỉ thỏa mãn đầy đủ các lợi ích của quân đội Myanmar (tức lực lượng Tatmadaw) vì quân đội Myanmar thường sử dụng lệnh ngừng bắn để giành lợi thế chiến lược.
Tatmadaw cho rằng NUG đang tranh giành ghế tại Liên Hợp Quốc với họ
Phát ngôn viên quân đội Myanmar Zaw Min Tun bác bỏ lời kêu gọi khởi nghĩa của NUG, và cho rằng tổ chức này đang cố gắng giành sự chú ý của quốc tế cũng như sự công nhận của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Theo kế hoạch, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc sẽ họp vào ngày 14/9/2021. Trước đó Ủy ban Quốc thư của Liên Hợp Quốc sẽ cân nhắc quyết định liệu NUG hay đại diện của chính quyền quân sự sẽ được nắm giữ ghế của Myanmar tại Liên Hợp Quốc.
Ủy ban nói trên có khả năng bao gồm cả Nga và Trung Quốc mà hai nước này thì đã có những hỗ trợ kín đáo cho chính quyền của các tướng lĩnh Myanmar, trong lúc vẫn nhấn mạnh nhu cầu chấm dứt bạo lực.
Theo tổ chức AAPP, hơn 1.000 người ở Myanmar đã thiệt mạng do đụng độ với giới chức quân sự kể từ sau cuộc đảo chính ngày 1/2, trong khi 6.324 người khác bị bắt, buộc tội, và kết án tù vì đã tham gia biểu tình chống cuộc đảo chính quân sự./.