Người Nhật Bản đang muốn “rời phố về quê”?

Bùi Hùng-Thanh Huyền |

Rời xa sự chen chúc, chật chội và ồn ào, nhiều người trẻ Nhật Bản bắt đầu tìm về các vùng nông thôn sinh sống và làm việc.

Xu hướng này đã bắt đầu trong những năm gần đây, đặc biệt gia tăng trong giai đoạn bùng phát dịch Covid-19.

Nhiều người trẻ tuổi muốn rời phố về quê

Cách đây 2 năm, chàng trai trẻ Yuta Sato quyết định rời Tokyo đến ngôi làng Nanmoku vùng miền núi phía tây nam tỉnh Gunma sinh sống và làm việc theo một chương trình của chính phủ nhằm mang lại “sức sống mới” cho các vùng quê đang “già hóa”.

Nanmoku là ngôi làng có dân số già nhất Nhật Bản với 2/3 dân làng trên 65 tuổi. Hiện có khoảng 2.200 người dân đang sinh sống tại đây. Nhiệm vụ của Yuta Sato là giúp đỡ cộng đồng địa phương với thời hạn 3 năm. Anh được cung cấp nhà ở và được trả lương hàng tháng.

Cuộc sống yên bình nơi thung lũng Nanmoku đã “níu chân” Sato. Anh lấy vợ, sinh con và quyết định gắn bó với vùng quê xa xôi này với việc mở rộng nghề trồng hoa – vốn là một thế mạnh của Nanmoku: “Tôi thấy mình đã có quyết định đúng đắn khi đến đây. Chúng tôi thức dậy mỗi sáng và nhìn vào thời tiết để làm việc. Tôi cảm thấy vui và hài lòng với cuộc sống ở đây”.

Trước đây, không nhiều người có quyết định giống Yuta Sato vì các đô thị lớn vẫn mang lại nhiều cơ hội sự nghiệp hơn cho giới trẻ, thế nhưng kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát làm đảo lộn mọi mặt của cuộc sống xã hội, nhiều người đã nghĩ khác.

Kaoru Okada, 36 tuổi rời Tokyo hồi tháng 6 để về sống tại thành phố Saku của tỉnh Nagano do lo ngại an ninh lương thực liên quan đến Covid-19. Hay Mizuto Yamamoto cũng chuyển về nông thôn vì công ty anh có chính sách làm việc từ xa. Theo Yamamoto, dọn về sống tại vùng quê yên tĩnh Hokuto thuộc tỉnh Yamanashi là điều tuyệt vời bởi nơi đây không đông dân cư, qua đó giảm thiểu nguy cơ mắc Covid-19.

Theo dữ liệu từ Chính phủ Nhật Bản, trong tháng 9 có gần 31.000 người rời Tokyo, tăng 12,5% so với năm 2019, trong khi số người chuyển tới đây giảm 11,7%. Một cuộc khảo sát hàng năm do Ban Thư ký Nội các Nhật Bản tiến hành mới đây cho thấy, 50% trong số người được hỏi nói rằng họ muốn chuyển đến vùng nông thôn sinh sống. Trong khi đó, cách đây 2 năm chỉ có 23% số người được hỏi có ý kiến tương tự.

Rõ ràng, đang có sự chuyển dịch trong số lao động thành thị và nông thôn ở Nhật Bản, mặc dù ở thời điểm này sự chuyển dịch ấy chưa làm thay đổi bức tranh nguồn nhân lực ở “đất nước Mặt trời mọc”. Nhưng rất có thể, sau những tác động của Covid-19, xu hướng dịch chuyển này sẽ thực sự mạnh mẽ. Chính phủ Nhật Bản cũng kỳ vọng việc người dân “bỏ phố về quê” sẽ giúp giải quyết các vấn đề xã hội như già hóa dân số hay việc cân đối cơ cấu nguồn nhân lực giữa các khu vực.

Nguyên nhân “bỏ phố về quê”

Theo số liệu, đến đầu năm nay, tổng dân số Nhật Bản là hơn 124 triệu người (124.271.318, giảm 505.046 người (tương đương 0,4%) so với năm 2019. Có 44 trong tổng số 47 tỉnh, thành phố của nước này có dân số giảm, trong khi chỉ có 3 địa phương là thủ đô Tokyo, tỉnh Kanagawa và tỉnh Okinawa ghi nhận dân số tăng. Trong khi đó dân số sống ở thành thị là 116. 521.525 người chiếm 91.62% tổng số dân cả nước.

Tỉnh Kanagawa đứng thứ 2 với 3,7 triệu, Osaka thứ 3 với gần 3 triệu người. Ngay cả trong tháng 4, tháng tâm điểm của dịch bệnh Covid-19, dân số Tokyo vẫn tăng tới hơn 20.000 người, và tăng 2 triệu người trong vòng 20 năm kể từ năm 2000, trái ngược với thực trạng dân số giảm tại Nhật Bản.

Kết quả điều tra của Bộ Nội vụ Nhật Bản cũng cho thấy số trẻ em nước này sinh ra trong năm 2019 là 866.908 trẻ, đây là mức thấp nhất trong lịch sử và số người tử vong ở Nhật Bản là 1.378.906 người, nhiều nhất trong lịch sử.

Theo một khảo sát mới nhất của chính phủ Nhật Bản tại Tokyo và ba tỉnh lân cận bao gồm Kanagawa, Chiba, Saitama đầu năm 2020 cho thấy 50% người muốn chuyển về nông thôn. So với năm 2018, tỷ lệ này tăng 27%.

Vậy, việc dịch chuyển nơi sinh sống có những nguyên nhân chủ yếu sau đây: Thứ nhất, do cơ cấu dân số thay đổi, như đã dẫn ở trên. Thứ hai, giá cả thành phố đắt đỏ (giá thuê nhà, phí giao thông, thực phẩm…), trong khi đó thu nhập không đủ chi dùng. Thứ ba, ở nông thôn có "môi trường tự nhiên phong phú" hơn. Thứ 4, muốn tìm lại cội nguồn gia đình. Thứ năm, do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Chính phủ hỗ trợ tối đa

Nhằm giúp cư dân sớm ổn định sinh hoạt do dịch chuyển nơi sinh sống, Nhật Bản lên kế hoạch hỗ trợ 9.500USD cho những người chuyển về các vùng quê, nhưng vẫn duy trì công việc ở Tokyo theo hình thức làm từ xa. Cùng với đó, đối với những người thành lập doanh nghiệp công nghệ thông tin tại vùng nông thôn sẽ được trợ cấp tối đa 28.500USD.

Hơn nữa, một khoản ngân sách khoảng 955 triệu USD sẽ được dành để phát triển các khu vực địa phương trong khuôn khổ ngân sách cho tài khóa 2021. Chưa hết, chính phủ sẽ thiết lập hệ thống trợ cấp ngân sách để giúp các chính quyền địa phương tạo môi trường phù hợp cho người dân làm việc từ xa.

Người Nhật Bản đang muốn “rời phố về quê”? - Ảnh 1.

Nhiều người trẻ Nhật Bản bắt đầu tìm về các vùng nông thôn sinh sống và làm việc. Ảnh: Yabai.com


Với những chính sách khuyến khích như vậy, hiện nay, một số người trẻ rời quê tới thành phố với hy vọng tìm cơ hội học tập và làm việc tốt hơn, giúp giảm gánh nặng cho hệ thống giao thông công cộng, tiện ích, bệnh viện cùng các cơ sở hạ tầng khác tại thành phố, giải được bài toán liên quan tình trạng dân số già và giảm của Nhật.

Nhật Bản đang đối mặt với việc hàng loạt ngôi làng và thị trấn nông thôn chỉ còn lại người già. Có một hiện trạng là tại các vùng nông thôn thì hệ thống giao thông công cộng ít hơn, không thuận tiện, chủ yếu lưu thông bằng phương tiện cá nhân. Tại các vùng đảo xa, điều kiện sinh hoạt khó khăn, di chuyển khó. Chính vì vậy, chính phủ Nhật sẽ thiết lập các website cung cấp thông tin về những vùng đang cần tìm người đến ở cũng như các gói trợ cấp quốc gia và địa phương.

Ngoài ra, mỗi địa phương lại có những chính sách ưu tiên cho những người đến sinh sống ở vùng nông thôn, hẻo lánh hoặc đảo xa… Lấy ví dụ cụ thể, tại đảo Kuroshima, tỉnh Okinawa, hiện chỉ còn 111 dân, trong đó có 10 trẻ đang học cấp hai. Đến 15 tuổi, các bé này sẽ phải chuyển đến tỉnh khác để học cấp ba. Hòn đảo cũng không có khách sạn hay trung tâm du lịch nào.Để thu hút người dân, hội đồng đảo Kuroshima đã đưa ra hệ thống trợ cấp. Mỗi người chuyển đến đảo sẽ nhận 85.000 yen mỗi tháng, chi phí chuyển nhà cũng được chi trả. Nhờ đó, năm ngoái, 9 người từ các thành phố lớn đã chuyển tới Kuroshima.

Nói chung, chính phủ và địa phương Nhật Bản phải hỗ trợ hết mức có thể mới đảm bảo được cuộc sống cũng như tâm lý cho người dân đã chuyển từ thành thị về nông thôn hay những khu vực đảo xa và ngày càng có nhiều người muốn về quê để có cuộc sống nhẹ nhàng, đỡ bon chen hơn./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại