Theo số liệu từ Stir – chuyên trang phân tích mặt hàng trà và cà phê cho biết mức tiêu thụ cà phê ở Nga đã tăng đáng kể trong vòng 30 năm vừa qua. Theo các nhà phân tích, kể từ năm 1991 đến nay, mức tiêu thụ cà phê bình quân trên đầu người của Nga đã tăng mạnh. Theo Trung tâm Giám định Công nghiệp Rosselkhozbank, hiện tại, trung bình một người Nga uống khoảng 300 tách cà phê mỗi năm, tương đương với 60 lít mỗi người và 8,76 tỷ lít cho cả nước.
Tại Nga, cà phê đang trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của những người trẻ tuổi. Họ thích uống cappuchino, latte, espresso và cà phê đen không đường. Nếu như ở các nước phương Tây, cà phê mang đi ngày càng phổ biến thì người Nga vẫn giữ thói quen truyền thống là đến các cửa hàng cà phê yêu thích của họ.
Các điều kiện quan trọng nhất cần thiết để cây cà phê phát triển là có khí hậu ôn đới hoặc nhiệt đới, nơi không có sương giá, nhiều nắng và nhiều nước. Tuy nhiên, do đặc điểm thời tiết lạnh giá, cà phê lại không được trồng tại quốc gia này. Người Nga có một sự yêu thích đặc biệt đối với cà phê Việt Nam khi liên tục giữ vị trí nhà cung cấp top đầu. Trong năm 2021, nước ta là nhà cung cấp lớn nhất cho Nga với 81.818 tấn, trị giá hơn 173 triệu USD.
Bước sang năm 2023, theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, nước ta đã xuất khẩu hơn 1,6 triệu tấn cà phê và thu về hơn 4,2 tỷ USD, giảm 8,7% về lượng nhưng tăng mạnh 4,6% về trị giá. Trong đó xuất khẩu sang thị trường Nga đạt 91.488 tấn và thu về hơn 245 triệu USD, giảm 11,6% về lượng nhưng chỉ giảm nhẹ 1,6% về trị giá so với năm 2022 và chiếm tỷ trọng 14% trong số các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Nga trong năm 2023.
Giá xuất khẩu bình quân đạt 2.679 USD/tấn, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2022. Trong năm 2022, Nga là thị trường xuất khẩu đứng thứ 7 của Việt Nam với thị phần 5,82% về lượng thì trong năm 2023 đã vươn lên trở thành thị trường lớn thứ 5 của Việt Nam.
Việt Nam đã xuất khẩu cà phê đến hơn 80 nước, trong đó sản lượng xuất khẩu nhiều nhất phải kể đến là nước Đức. Tiếp đến là các nước Italia, Mỹ, Nga, Bỉ, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Hà Lan, Indonesia, Hàn Quốc, Trung Quốc.
Theo số liệu của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng diện tích cà phê của Việt Nam tính đến hết năm 2022 đạt 710,66 nghìn ha. Cà phê Việt Nam được trồng trên 19 tỉnh khắp cả nước nhưng chủ yếu tập trung tại 5 tỉnh Tây Nguyên, chiếm 91,2% tổng diện tích cả nước. Tổng sản lượng cà phê của nước ta đạt trên 1,97 triệu tấn, tăng nhẹ 1% so với năm 2022.
Dự báo năm 2024, ngành cà phê Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi nhờ giá cà phê Robusta sẽ tăng, có thể lập đỉnh do lo thiếu hụt nguồn cung. Trong niên vụ 2023 - 2024, sản lượng cà phê của Việt Nam dự kiến sẽ giảm xuống 1,6 – 1,7 triệu tấn, thấp hơn so với niên vụ 2022 - 2023.
Hiện cà phê trong nước hiện được thu mua quanh mức 70.400 - 71.000 đồng/kg. Trong nửa đầu tháng 1/2024, giá cà phê xuất khẩu đạt trung bình 2.955 USD/tấn, tăng 2,3% so với mức bình quân tháng 12/2023.