Người Mỹ tìm kiếm trẻ em bị mất tích thông qua hộp sữa

VŨ UYÊN |

Những đứa trẻ bị mất tích tại Mỹ từng được người thân của mình tìm kiếm bằng cách in bức hình chân dung mờ nhạt, kèm theo tên tuổi và thông tin liên lạc trên bao bì hộp sữa.

Trước khi những hệ thống thông báo trẻ em mất tích như AMBER Alert ra đời, người dân tại Mỹ đã sử dụng một công cụ khác nhằm khiến toàn xã hội biết về danh tính của những đứa bé bị thất lạc gia đình: 

Đó là in mọi chi tiết có liên quan tới chúng lên phần vỏ hộp sữa làm bằng bìa cứng.

Người Mỹ tìm kiếm trẻ em bị mất tích thông qua hộp sữa - Ảnh 1.

Những đứa trẻ mất tích thường được in ảnh chân dung kèm thông tin cá nhân trên những tấm tờ rơi.

Với những bức hình đen trắng không quá sắc nét, tên tuổi, địa điểm cũng như thời gian thất lạc, thế hệ các em nhỏ bị mất tích cách đây 30 năm thường được biết đến với cái tên khá ấn tượng: Những đứa trẻ hộp sữa!

"Được triển khai vào năm 1985, tôi tin chương trình này sẽ khiến mọi người phải suy nghĩ nhiều hơn. Bởi khuôn mặt của lũ trẻ đáng thương luôn hiện diện ngay trên bàn ăn sáng của mỗi gia đình thông qua phần bao bì quen thuộc", 

ông Joe Mayo, một cựu cảnh sát tại thành phố Chicago nói.

Người Mỹ tìm kiếm trẻ em bị mất tích thông qua hộp sữa - Ảnh 2.

Vỏ hộp sữa đã dần thay thế việc dán tờ rơi tìm trẻ em mất tích.

Môi trường truyền thông ở Mỹ vào đầu thập niên 1980 hoàn toàn khác so với những gì chúng ta thường suy nghĩ. Việc chia sẻ thông tin theo quy mô lớn vẫn hết sức khó khăn do mạng Internet chưa thực sự hình thành.

Không có nhiều ấn phẩm báo chí được phát hành toàn quốc. Các chương trình tiếp sóng trực tuyến trên kênh CNN cũng bị coi là một thử nghiệm lạ lùng ngay khi vừa ra mắt công chúng nước nhà.

Bởi vậy, gia đình có trẻ em mất tích thường phải dán tờ rơi in hình ảnh và thông tin của chúng khắp nơi. Sự giúp đỡ từ cơ quan cảnh sát cũng chẳng đem lại hiệu quả đáng kể gì.

Vậy tại sao người ta vẫn quyết định đưa các vụ việc đó lên phần vỏ hộp sữa trong suốt 10 năm liền, dù mức độ khả thi chỉ dừng ở mức dưới trung bình?

Những câu chuyện đầu tiên

Etan Patz là đứa trẻ đầu tiên được xuất hiện trong chiến dịch vỏ hộp sữa toàn quốc. 

Cậu bé sáu tuổi này bị mất tích vào năm 1979 khi đang đi bộ tới bến xe buýt tại khu dân cư Soho, Lower Manhattan, thành phố New York – nơi tương đối an toàn vì người dân ở đây đều quen biết lẫn nhau.

Do đó, vụ mất tích của Patz khiến nhiều bậc phụ huynh trên khắp nước Mỹ cảm thấy lo lắng về sự an toàn của con cái mình. Gia đình em đã miệt mài làm việc, kêu gọi các bậc cha mẹ khác cùng nâng cao nhận thức về vấn nạn bắt cóc trẻ nhỏ nhưng không mấy thành công.

Người Mỹ tìm kiếm trẻ em bị mất tích thông qua hộp sữa - Ảnh 3.

Những phần tin quảng cáo đã hoàn toàn biến mất trên mọi vỏ hộp sữa làm bằng bìa cứng.

Câu chuyện khác bắt đầu tại vùng Midwest của nước Mỹ: Eugene Martin, cậu bé làm công việc đưa báo buổi sáng đã mất tích gần thành phố Des Moines, bang Iowa hồi cuối năm 1984.

Khi đó, người phụ nữ tốt bụng đang làm việc tại nhà máy sữa Anderson & Erickson Dairy đã nhờ ban giám đốc in hình ảnh cùng thông tin sơ lược về đứa cháu mất tích lên vỏ sản phẩm do họ sản xuất.

Và chỉ vài tuần sau, những phần tin quảng cáo thông thường đã hoàn toàn biến mất trên mọi vỏ hộp sữa làm bằng bìa cứng. Thay vào đó là danh tính cụ thể của Martin và một đứa trẻ bị thất lạc nữa.

Người Mỹ tìm kiếm trẻ em bị mất tích thông qua hộp sữa - Ảnh 4.

Một số tờ báo in cũng sử dụng hình ảnh trên vỏ hộp sữa để nói về những đứa trẻ mất tích.

Tới tháng 12/1984, Hội đồng An toàn Trẻ em Quốc gia Mỹ (National Child Safety Council – NCSC) đã học tập sáng kiến này và mở rộng thành "Chương trình Trẻ em Mất tích trên Vỏ hộp sữa" nhằm xác định tung tích của khoảng 1,8 triệu trẻ em mỗi năm.

"Ảnh chân dung hay thông tin chung của những đứa trẻ mất tích được in lên vỏ bìa cứng của hàng triệu hộp sữa. Điều này giúp khắc họa rõ nét về vấn nạn bắt cóc, góp phần truyền thông điệp cảnh báo tới người dân Mỹ nói riêng và người dân trên toàn thế giới nói chung.

Chúng tôi sẽ cung cấp toàn bộ mẫu thiết kế cho các nhà sản xuất vỏ hộp sữa mà không hề thu bất kỳ khoản phí nào", đại diện phía NCSC thời đó nhấn mạnh.

Người Mỹ tìm kiếm trẻ em bị mất tích thông qua hộp sữa - Ảnh 5.

"Chương trình Trẻ em Mất tích trên Vỏ hộp sữa" đã nhận được sự ủng hộ từ phía dư luận.

"Chương trình Trẻ em Mất tích trên Vỏ hộp sữa" đã nhận được sự ủng hộ từ phía dư luận và nhanh chóng phát triển lên nhiều vật dụng tương tự khác như: Túi giấy đựng đồ trong các cửa hàng, danh bạ điện thoại hay thậm chí là... vỏ hộp đựng bánh pizza.

Nó cũng dần trở thành một bộ phận của văn hóa đại chúng, đồng thời xuất hiện trong nhiều cuốn sách, phim truyện và âm nhạc nổi tiếng.

Không đem lại hiệu quả rõ ràng

Theo thống kê, trong suốt quãng thời gian hoạt động của chương trình này, có khoảng năm tỷ vỏ hộp sữa với hình ảnh trẻ em mất tích được phân phối trên khắp nước Mỹ.

Nhưng đa phần những đứa trẻ ấy đều "một đi không trở lại", bao gồm cả cậu bé giao báo lẫn Patz bé nhỏ. Mãi tới khi thủ phạm sát hại Patz thú nhận hành vi tội ác của mình và bị kết án tù chung thân vào ngày 18/04/2017 vừa qua thì mọi việc mới bắt đầu sáng tỏ.

Người Mỹ tìm kiếm trẻ em bị mất tích thông qua hộp sữa - Ảnh 6.

Có khoảng năm tỷ vỏ hộp sữa với hình ảnh trẻ em mất tích được phân phối trên khắp nước Mỹ.

Dù chưa đem lại hiệu quả thực tế, song chương trình trên đã trở thành mô hình tìm kiếm trẻ em mất tích có sự phối hợp chặt chẽ đầu tiên và góp phần mở đường cho việc hình thành nên hệ thống AMBER Alert vào năm 1996.

Đại diện hệ thống này cho biết: "Chúng tôi gửi thông tin về trẻ em mất tích thông qua lời nhắn điện thoại, đài radio thời tiết cũng như biển quảng cáo cỡ lớn bên vệ đường. Tính tới năm 2015, có tổng cộng 182 lần với 153 trường hợp được tìm thấy thông qua AMBER Alert".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại