. Ảnh minh họa.
Mới đây, lực lượng cảnh sát thành phố Hồ Chí Minh đã triệt phá một đường dây mại dâm với 1.500 thành viên. Cầm đầu đường dây là một “tú bà” mới chỉ là sinh viên năm thứ nhất. Tú bà này tạo các tài khoản trên mạng xã hội và lập các nhóm kín để tuyển chọn, cung cấp danh sách các cô gái bán dâm theo hình thức “sugar Baby - sugar daddy”, sex tour, trên địa bàn TP.HCM và nhiều tỉnh, thành khác.
Trước đó, công an thành phố Hà Nội đã tạm giữ 3 đối tượng môi giới mại dâm trên ứng dụng Telegram. Nhóm “tú ông” này tuyển các cô gái có nhu cầu bán dâm, sau đó gắn mác sinh viên hoặc nhân viên công sở rồi liên hệ với khách mua dâm với giá từ 3 - 10 triệu đồng.
Đây chỉ là 2 trong số nhiều đường dây mại dâm bị công an triệt phá trong thời gian gần đây. Theo Điều 328 Bộ luật Hình sự 2015, các “tú ông”, “tú bà” - những đối tượng môi giới mại dâm sẽ bị phạt tù từ 6 tháng – 3 năm; khung hình phạt nặng nhất đến 15 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu – 50 triệu đồng.
Còn các đối tượng có hành vi mua dâm sẽ bị phạt hành chính theo Điều 24 Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Theo đó, mức phạt tiền là 1 triệu – 2 triệu đồng với người thực hiện hành vi mua dâm; mua dâm từ 2 người trở lên cùng lúc thì khung hình phạt là 2 triệu – 5 triệu đồng. Ngoài ra, người mua dâm còn có thể bị tịch thu tang vật vi phạm – những phương tiện sử dụng vào việc mua dâm như điện thoại di động, các phương tiện cá nhân khác.
Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Văn Hưng - Phó Giám đốc Công ty luật The light cho biết, người mua dâm vẫn có thể bị xử lý hình sự theo Điều 329 Bộ luật Hình sự 2015 nếu có hành vi mua dâm với người dưới 18 tuổi. Khung hình phạt của tội này là phạt tù từ 1 năm - 5 năm; mức cao nhất là 7 năm – 15 năm với trường hợp phạm tội từ 2 lần trở lên với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 18 tuổi, gây tổn thương cơ thể nạn nhân tỷ lệ 61% trở lên. Ngoài ra người vi phạm còn bị phạt bổ sung từ 10 triệu – 50 triệu đồng.
Có “cầu” thì mới có “cung”. Nhìn vào số vụ mua bán dâm bị triệt phá gần đây và số lượng người bán dâm trong các đường dây thì có thể thấy nhu cầu mua dâm cao như thế nào. Chống tệ nạn mại dâm, việc xử lý hình sự kẻ cầm đầu, môi giới là cần thiết. Tuy nhiên, đó dường như chưa phải là cách xử lý tận gốc. Công khai danh tính, hoặc để người thân phải bảo lãnh khi bị phát hiện mua dâm là cách là một số quốc gia đã làm nhằm giảm mức “cầu” về mại dâm trong xã hội. Có lẽ đã đến lúc Việt Nam cần xem xét lại vấn đề công khai danh tính người mua dâm – điều đã được tranh luận tại diễn đàn Quốc hội 10 năm trước./.