'Người mẹ thứ hai' ở xã nghèo vùng cao

CHÂU LINH |

Các lớp học ê a đánh vần của những đứa trẻ người Mông trên lưng đồi ở huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La luôn “sáng đèn” khi được thắp lên từ tấm lòng bao la, thơm thảo của “cô giáo bản”.

Tốt nghiệp khoa Tiểu học - Mầm non của Trường Đại học Tây Bắc năm 2012, cô giáo Lò Thị Bích Đào (sinh năm 1990, quê ở huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La) đã chọn huyện Bắc Yên để công tác và được phân công dạy tại xã nghèo vùng cao như Hua Nhàn.

Cô giáo trẻ Lò Thị Bích Đào vinh dự là một trong 88 giáo viên trong toàn tỉnh Sơn La được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” năm học 2020 - 2021.

Những ngày này, đường đến điểm trường Suối Chẹn, bản Cáy Khẻ (thuộc trường Mầm non Ánh Dương, xã Hua Nhàn, huyện Bắc Yên) nơi cô Đào đang công tác cách nhà khoảng 60km luôn bị bao phủ bởi sương mù. “Mang tiếng đi bằng xe máy nhưng phải “mò mẫm” như người đi bộ. Tầm nhìn khuất, nhiều khi sắp phi xuống rãnh vì không nhìn được đường…”, cô giáo trẻ kể lại.

Thời gian đầu công tác, cô Đào không dám ngủ lại điểm trường vì ở tận lưng đồi, lại vắng vẻ. Cô bèn ở nhờ nhà của người dân trong bản rồi sau đó thuê nhà ở tạm. Trong tâm trí cô giáo người Thái, nhớ nhà một nhưng thương những đứa trẻ ở đây mười, chỉ mong sao có thể dạy các con hình thành được suy nghĩ vươn lên trong học tập để tương lai đỡ khổ.

Người mẹ thứ hai ở xã nghèo vùng cao - Ảnh 2.

Cô Lò Thị Bích Đào bên học trò. Ảnh: Châu Linh

Chia sẻ thêm về tình hình học tập của các em nhỏ vùng cao, cô Đào nói: “Trước đây, các cô giáo đã phải đến tận nhà động viên và thúc giục các con đến lớp . Có những em học chậm, tôi hay động viên bố mẹ cho ở lại trường để cô kèm thêm vào buổi tối, khi nào vững kiến thức bước vào lớp 1 mới cho về. Dần dần, không còn nhiều trường hợp học sinh bỏ học theo mẹ lên nương, lên rẫy nữa. Các em phần nào đã có động lực đến trường hơn và hào hứng trước mỗi bài học".

Kêu gọi mạnh thường quân

Nhiều phụ huynh ở Hua Nhàn mỗi khi nhắc tới cô giáo Lò Thị Bích Đào thường ví cô như “ người mẹ thứ hai ” ở xã vùng cao này bởi tình thương mà cô dành cho trẻ em nghèo.

Ngoài việc đứng lớp, "cắm bản", cô Đào trăn trở về chế độ dinh dưỡng của các em nhỏ bản Cáy Khẻ bởi đa số phụ huynh vùng cao chưa có điều kiện kinh tế, chưa chú trọng đến việc chăm sóc sức khỏe cho các con. Vì thế, cô cùng đồng nghiệp đã chủ động đi tuyên truyền, phổ biến kiến thức về dinh dưỡng, phát triển cho trẻ tới từng phụ huynh. "Sau khi được giải thích, nhiều gia đình trồng ngô, sắn, hễ đến mùa thu hoạch lại trích ra một chút tiền để mua thịt, mua cá, trứng cho con ăn bổ sung vào bữa ăn hàng ngày", cô Đào nói.

Ngoài ra, để kết nối với phụ huynh học sinh, đồng nghiệp và nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với giáo dục mầm non vùng đặc biệt khó khăn, cô Đào đã tận dụng những lợi ích của mạng xã hội , đại diện lập trang Fanpage để đăng tải các hoạt động, thực trạng tại nhóm lớp, quá trình học của các bé, chia sẻ những khó khăn của trẻ vùng cao. Qua đó, vận động và kêu gọi sự hỗ trợ của mạnh thường quân, giúp các em có thêm điều kiện trong sinh hoạt và học tập.

Nhờ sự kết nối và lan tỏa trên mạng xã hội, nhiều năm gần đây, cô Đào cùng học trò tại điểm trường Suối Chẹn luôn được san sẻ yêu thương từ những mạnh thường quân trên cả nước bằng những món đồ thiết thực như quần áo, giày dép cũ, mới, đồ dùng học tập, đồ ăn, thực phẩm cho trẻ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại