Khó khăn tăng, người lao động thận trọng
Bước sang đầu năm 2024, tình hình kinh tế thế giới vẫn diễn biến phức tạp với nhiều khó khăn, thách thức: dư âm của dịch Covid-19 vẫn tồn tại, nợ xấu gia tăng, kim ngạch thương mại - đầu tư ảm đạm, cùng những hệ lụy không mong muốn của bất ổn địa chính trị…. Điều này tác động không nhỏ tới tình hình kinh tế nói chung và thị trường lao động Việt Nam nói riêng.
Trong nước, theo báo cáo quý 1/2024 của Tổng cục Thống kê, thị trường lao động ghi nhận nhiều yếu tố tích cực khi lực lượng lao động và số người có việc làm đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, thị trường lao động Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức đáng lưu ý, đặc biệt là tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên vẫn đang cao. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong độ tuổi từ 15-24 quý 1 năm 2024 là 7,99%, tăng 0,37 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,38 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực thành thị là 10,18%, tăng 0,72 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; còn ở khu vực nông thôn là 6,87%, tăng 0,22 điểm phần trăm.
Trong tình hình như vậy, tỷ lệ người lao động tích cực tìm kiếm việc làm tại Hà Nội, Đà Nẵng hay các thành phố lớn theo khảo sát của JobsGo là 62.4%, thấp hơn tỷ lệ của năm ngoái là 69%. Con số này chứng tỏ người lao động năm nay có xu hướng thận trọng và ít nhảy việc hơn. Đặc biệt, khi phân tích sâu hơn theo mức lương, thị trường lao động cho thấy một bức tranh khá thú vị.
Kế hoạch tìm kiếm công việc mới dựa theo mức lương của người lao động năm 2024 - Nguồn: JobsGO
Trong số gần 700 câu trả lời nhận được từ nhiều người lao động thuộc các ngành nghề khác nhau và được chia thành các nhóm thu nhập từ thấp đến cao, dễ dàng nhận thấy nếu bỏ qua nhóm lương cao (trên 25 triệu) thì người lao động có xu hướng thu nhập càng lên cao thì tỷ lệ dự định chuyển việc càng giảm. Điển hình là trong khi nhóm lương dưới 10 triệu có tới hơn 40% tích cực tìm việc mới, thì nhóm thu nhập 20 - 25 triệu chỉ có hơn 20% tích cực tìm việc mới. Điều này thể hiện sự ổn định với công việc và hài lòng với thu nhập của nhóm lao động với mức lương trên dưới 20 triệu/tháng.
Tuy nhiên xu hướng này lại đảo ngược lại hoàn toàn với những người lao động có mức lương cao trên 25 triệu đồng/tháng. Nhóm này có tỷ lệ "tích cực tìm việc mới" lên đến 46,8%, cao hơn rất nhiều so với những người lao động có mức lương dưới 25 triệu đồng.
Niềm tin vào bản thân và cơ hội
Đánh giá tình hình tìm kiếm việc làm của người lao động năm 2024 - Nguồn: JobsGO
Những ứng viên có mức lương trên 25 triệu đồng thể hiện sự tự tin và kỳ vọng vào khả năng của bản thân. Khi được hỏi về đánh giá tình hình tìm việc năm 2024, chỉ có 61% trong số họ cho rằng "khó hơn năm trước" - thấp hơn so với mức chung (65,1%).
Điều này phản ánh rằng, các chuyên gia, quản lý cấp cao có mức lương cao không quá lo lắng về khó khăn của thời điểm hiện tại. Họ tin rằng với trình độ, kinh nghiệm và mối quan hệ của bản thân, họ sở hữu cv xin việc ấn tượng và thu hút bất kỳ nhà tuyển dụng nào. Họ cũng là những người có quan hệ và kiến thức về thị trường để nhìn ra nhiều cơ hội hơn những người khác.
Bên cạnh đó, 24,5% số người trong nhóm này cho biết họ "không tích cực tìm việc mới, nhưng nếu có cơ hội tốt hơn vẫn sẽ nhảy việc". Điều này cho thấy, họ luôn sẵn sàng cập nhật thông tin, đón đầu các cơ hội tốt hơn và chấp nhận rủi ro nhất định để thay đổi và phát triển sự nghiệp.
Những người lao động "cao cấp" này tỏ ra ít quan ngại về tình hình việc làm năm 2024 hơn so với mức chung. Qua đó cho thấy họ không chỉ tin tưởng vào năng lực bản thân, mà còn sẵn sàng đối mặt với những thử thách mới để tiến thân.
Một yếu tố quan trọng khác có thể giải thích sự chủ động và tự tin của những người lao động có mức lương cao là khả năng an toàn tài chính. Với mức thu nhập trên 25 triệu đồng/tháng, họ có thể chủ động tìm kiếm cơ hội mới, mà không quá lo lắng về vấn đề an sinh tài chính.
Tóm lại, trong bối cảnh kinh tế nhiều thách thức, những con số biết nói trên vẫn cho thấy những người lao động có mức lương cao vẫn giữ được sự lạc quan và chủ động tìm kiếm các cơ hội việc làm mới. Điều này đặt ra không ít thách thức đối với các doanh nghiệp trong việc thu hút và giữ chân nhân tài. Vì vậy, các doanh nghiệp cần có chiến lược nhân sự linh hoạt, chú trọng tới các yếu tố như văn hóa, cơ hội phát triển và mức độ hài lòng của nhân viên để có thể giữ chân được những nhân tài then chốt.