1. Các đội tuyển quốc gia đều có những đặc tính, thói quen, đa số do người hâm mộ gán cho họ. Chẳng hạn như Anh quốc, họ có cái huông cứ đến tứ kết một giải đấu lớn là tự động dọn đồ mua vé máy bay về nước. Italia có thói quen chơi rất hay khi bị dồn vào chân tường và chơi rất dở khi đội hình có nhiều cầu thủ giỏi.
Về mặt lý trí mà nói, tất cả đều là những suy diễn vô lý. Hoặc điều đó từng tồn tại trong một thời gian, để rồi mau chóng bị sự thật phủ định. Tây Ban Nha từng được mệnh danh là "Vua vòng loại", nhưng rồi từ 2008-2012 họ cho thấy mình là Vua của vòng chung kết.
Còn Italia, hai kỳ World Cup gần nhất, khi phải đấu những trận sinh tử ở cuối vòng bảng để giành vé đi tiếp, họ đều không thắng nổi và bị loại (trước Slovakia ở World Cup 2010 và trước Uruguay ở World Cup 2014).
Trước trận play-off lượt về, Italia đúng là bị dồn vào chân tường.
Đêm nay, một trận hòa hay thất bại trước Thụy Điển tại San Siro sẽ đặt dấu chấm hết cho hy vọng đến Nga của Italia. Và đấy sẽ là lần thứ 3 người Ý vắng mặt ở giải đấu danh giá nhất hành tinh. Muốn "ngày tận thế" không diễn ra, Italia cần phải thay đổi triệt để so với trận lượt đi. Đấy là một trận đấu mà Andrea Pirlo đã phải bình luận: "Italia đá như một đội bóng trung bình chỉ cầu hòa. Ở châu Âu, điều này là không thể chấp nhận được".
Tại sao Italia lại rơi vào hoàn cảnh tựa lưng vào tường thế này? HLV Gian Piero Ventura chắc chắn sẽ bị đưa lên dàn hỏa trước tiên.
Thế nhưng mọi việc khởi đầu từ năm 2011. Italia chỉ rơi vào "nhóm 2" trong buổi lễ bốc thăm chia bảng vòng loại World Cup vào năm 2015. Và việc chia nhóm này dựa trên thành tích của một đội tuyển trong vòng 4 năm, kể từ thời điểm bốc thăm đổ về trước.
Những trận giao hữu vô bổ đã dìm Italia vào cửa khó trên bàn bốc thăm.
Thành tích của người Italia trong giai đoạn này không tệ. Họ vào đến tận trận chung kết EURO 2012. World Cup 2014, Italia bị loại từ vòng bảng, nhưng thứ làm họ tổn thương nhiều nhất chính là những trận giao hữu. 21 trận giao hữu trong 4 năm từ 2011 đến 2015, Italia chỉ thắng nổi 5 trận. Họ để thua Mỹ và chỉ hòa với Haiti, Luxembourg.
2. Nhiều đội tuyển quốc gia quên rằng giao hữu quốc tế cũng là một cơ sở để FIFA tính điểm trên BXH FIFA. Đấy là lý do đội tuyển Bỉ chưa từng tiến xa ở EURO hay World Cup vẫn chễm chệ dẫn đầu BXH FIFA suốt mấy tháng.
Nếu một đội tuyển không có kế hoạch giao hữu hợp lý, sao cho vừa rà soát được lực lượng, vừa giành được những kết quả chấp nhận được, họ sẽ gặp bất lợi trong những buổi lễ bốc thăm.
LĐBĐ Italia đơn giản là phớt lờ điều đó. Và kết quả là Azzurri lừng lẫy phải rơi vào chung bảng với Tây Ban Nha, chỉ kết thúc vòng bảng ở vị trí thứ nhì và đi play-off. Nhưng trước loạt trận play-off, người Italia vẫn còn rung đùi, theo cái kiểu "hai trận đấu với Thụy Điển sẽ mang chúng ta đến nước Nga".
Liệu còn cơ hội nào cho HLV Ventura?
Sự thong dong ấy còn được thể hiện cả trong đội tuyển. Ở tuổi 69, Ventura đã có 37 năm kinh nghiệm trong nghề cầm quân. Khi Antonio Conte rời nhiệm sở, LĐBĐ Italia xem Ventura là một lựa chọn an toàn vì kinh nghiệm lão luyện của ông.
Nhưng suốt sự nghiệp, Ventura chưa bao giờ làm việc trong áp lực của một đội bóng hàng đầu, bởi ông chỉ dẫn những CLB trung bình. Cũng như Conte, Ventura đã gọi rất nhiều cầu thủ lên đội tuyển để tuyển chọn, với hơn 50 cái tên đã được ông triệu tập.
Nhưng nếu như dưới thời Conte, Italia rơi vào một cơn khủng hoảng tài năng thì với Ventura, người ta lại thấy có rất nhiều những cái tên đáng hy vọng. Andrea Belotti của Torino dẫn đầu làn sóng mới ấy.
Nhưng Ventura chỉ thích gọi những cựu binh, như Gianlugi Buffon và Daniele De Rossi. Hàng phòng ngự vẫn là bộ ba "BBC" (Leonardo Bonucci, Giorgio Chiellini, Andrea Barzagli) không khác mấy so với người tiền nhiệm, bất kể họ đều đã già hơn và sa sút đáng kể.
Với Conte, người ta thấy Italia có lối chơi và triết lý rõ ràng. Ventura thì không. Với hơn 50 cái tên được gọi, người ta chỉ thấy một sự loay hoay. Ông không thể phát huy khả năng sáng tạo của Marco Verratti, một tiền vệ đẳng cấp thế giới. Ông ép Belotti phải đá cặp với Ciro Immobile trong khi không tạo nguồn cung cấp bóng ổn định cho họ.
Bây giờ, ông chỉ còn đúng một trận để cứu lấy chính mình, và Italia cũng chỉ còn 90 phút để ngăn một thảm họa. Sẽ thật ngang trái nếu như VCK World Cup thiếu bóng Italia, trong khi Chủ tịch FIFA Gianni Infantino lại là một người Italia!