Người Hà Nội không "bạc bẽo", đó là văn hoá ăn uống mà thực khách nên hiểu và thông cảm

Hạ Linh |

Nếu thường xuyên lê la hàng quán ở Hà Nội, đặc biệt là hàng quán vỉa hè, có lẽ bạn sẽ không lạ gì kiểu bán hàng này.

Vừa mới đây, câu chuyện một TikToker đi ăn bún chả với trải nghiệm không vui đã khiến cộng đồng mạng không ngừng "sôi sục". Cụ thể, nữ TikToker này đã kể lại rằng mình đi ăn tại một quán bún chả quen (đã ăn nhiều lần) nhưng hôm nay khách đông nên nhân viên hướng dẫn đi vào quán nước phía trong để ngồi. Tại quán nước, bà chủ hỏi uống gì thì cô nàng từ chối vì dự định ăn xong sẽ đi cà phê. 

Sau đó, chủ quán nước nói rằng: "Không gọi nước thì ra ngoài ngồi" thì điều này đã khiến cho nữ TikToker vô cùng bức xúc. Từ đó, trên kênh TikToker với 1,5 triệu người theo dõi, cô đăng tải clip kể lại sự tình, thậm chí còn đề cập đến việc "người Hà Nội bạc bẽo" sau trải nghiệm trên.

Ngay lập tức, câu chuyện ăn bún chả cùng kết luận về sự "bạc bẽo" của cô nàng TikToker này khiến cộng đồng mạng dậy sóng. Trong đó, phần đông ý kiến tỏ ra rất bức xúc bởi kết luận có phần phiến diện này. Cùng với đó, rất nhiều người chỉ ra đặc điểm về văn hoá ăn uống tại rất nhiều hàng quán vỉa hè Hà Nội.

Sự cộng sinh giữa nhiều hàng quán - kiểu bán hàng quen thuộc tại nhiều nơi ở Hà Nội

Nếu là một người thường xuyên lê la hàng quán ở Hà Nội, đặc biệt là hàng quán vỉa hè, có lẽ bạn sẽ không lạ gì kiểu bán hàng này. Theo đó, ở một số khu vực, những hàng quán gần nhau sẽ kết hợp cùng nhau bán hàng: Khách ngồi ở quán bún có thể vừa ăn đồ của quán bún, vừa gọi thêm đồ của quán nước, quán chè kế bên, hoặc khách đến ăn bún nhưng quán bún quá đông có thể sang ngồi quán nước, vừa gọi đồ uống, vừa gọi bún... Điều này cũng khá đúng với câu nói của ông bà ta từ xưa: Buôn có bạn, bán có phường.

Một địa điểm có kiểu bán hàng cộng sinh tại Hà Nội (Ảnh: @ngocanh)

Tất nhiên, câu chuyện sẽ trở nên vô lý nếu khách đến ngồi ở quán nước, không uống nước mà chỉ gọi bún ăn. Lúc này, bất cứ ai cũng có thể hiểu rằng, rõ ràng quán nước chẳng được lợi lộc gì, thậm chí còn bị hạn chế đi một chỗ ngồi cho khách của mình. Và tất nhiên, điều đó khó lòng được các chủ quán chấp nhận.

Nếu đã lựa chọn ăn, hãy hiểu cho quán

Sau sự việc của nữ TikToker trên, các cư dân mạng đã có rất nhiều ý kiến trái chiều. Trong đó, nhiều người cho biết rằng họ hoàn toàn đồng tình với việc ăn bún nhưng ngồi "ké" ở quán nước thì sẽ gọi nước uống, thay vì việc phải đứng xếp hàng chờ ở quán bún cho tới khi có được chỗ ngồi.

Cùng với đó, các TikToker khác cũng lên tiếng bày tỏ quan điểm. Điển hình như TikToker Công Ken, cậu cho biết rằng mình hoàn toàn chấp nhận và hiểu cho những người bán hàng ở các hàng quán đó. Và cậu cũng bỏ qua những vấn đề bên lề này, bởi thứ làm cậu mê nhất chính là hương vị của quán.

Khắp mạng xã hội đều sôi sục trước câu chuyện trên (Ảnh chụp màn hình TikTok)

Đã không ít lần, các du khách từ nơi khác đến cảm thấy không được hài lòng lắm với cách bán hàng ở một số hàng quán vỉa hè ở Hà Nội, dẫn đến những tình huống khó chịu. Nhưng với những vị khách quen, hay các du khách đã từng trải nghiệm, hoặc chí ít là từng tìm hiểu về văn hoá hàng quán tại Hà Nội, họ sẽ dễ dàng chấp nhận điều này hơn.

Tạm không bàn đến những vấn đề thật sự đáng lên án về chất lượng đồ ăn hay cách phục vụ vô lý, thì câu chuyện hàng quán cộng sinh như trên được xem như văn hoá hàng quán vỉa hè ở Hà Nội và một vài nơi khác, vì thế nếu đã lựa chọn, mong rằng các vị thực khách sẽ thông cảm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại