Một bé trai ở Khlong Toey xách balo lên xe cấp cứu. Ảnh: Bangkok Post
Người dân khu ổ chuột Khlong Toey ở Bangkok (Thái Lan). Ảnh: Bangkok Post
Khi các khách hàng “siêu VIP” (VVIP) bước vào Krystal Exclusive Club, những phụ nữ trẻ tuổi đội vương miện, đeo cánh thiên thần nhanh chóng ùa ra chào đón.
Các khách hàng này được đưa đến phòng VVIP, nơi ngập tràn những món đồ nội thất sang trọng. Khách hàng của Krystal là giới nhà giàu, quan chức Thái Lan hoặc chủ doanh nghiệp. Đối với tầng lớp này, các lệnh hạn chế phòng ngừa dịch COVID-19 dường như không có ý nghĩa.
Nhưng đầu năm nay, Krystal và một hộp đêm khác ở khu vực lân cận, Emerald, đã trở thành ổ dịch lớn nhất và nguy hiểm nhất ở Thái Lan, theo các quan chức Bộ Y tế.
Nhiều người có liên quan đến hai hộp đêm này đã mắc bệnh, trong đó có cả những người thuộc tầng lớp thượng lưu.
Cơ quan y tế cho rằng trong khi phần đông người Thái tuân thủ nghiêm ngặt quy định đeo khẩu trang và hạn chế tụ tập, thì việc giới thượng lưu được áp dụng các đặc quyền đã khiến dịch COVID-19 bùng phát trở lại ở Bangkok. Chùm bệnh ở hộp đêm cũng làm nổi bật sự phân biệt tầng lớp ở một trong những quốc gia có khoảng cách giàu nghèo lớn nhất giữa các nền kinh tế lớn.
Thái Lan là một trong những quốc gia có khoảng cách chênh lệch giàu nghèo rất lớn. Trong ảnh, khu ổ chuột Khlong Toey nằm bên dưới những tòa nhà cao tầng. Ảnh: Bangkok Post
Sittichat Angkhasittisiri, người đứng đầu một cộng đồng ở khu ổ chuột lớn nhất thủ đô - Khlong Toey, chua chát nói: “Người giàu mở tiệc, và người nghèo phải gánh chịu hậu quả.”Thái Lan đã trải qua nhiều tháng không có ca bệnh trong cộng đồng. Nhưng giờ đây, dịch bệnh đã lây lan từ các hộp đêm sang trọng, chuyên phục vụ những người đàn ông quyền lực và giàu có, đến các khu ổ chuột sát đường cao tốc và đường sắt ở Bangkok. Trong những khu vực chật chội này, việc giữ khoảng cách là gần như không thể. Làn sóng dịch bệnh cũng đã lan đến các nhà tù, công trường và nhà máy.
Hiện chưa làn sóng dịch bệnh xâm nhập Khlong Toey bằng cách nào. Nhưng theo ông Sittichat, một người đàn ông sống ở Khlong Toey đã gặp một người bạn từng dự tiệc ở ổ dịch Krystal.
Sau khi cảm thấy không khoẻ, người đàn ông này tự cách ly trong xe hơi của mình vì không còn nơi nào khác để đi. Thế nhưng ông đã kịp lây bệnh cho ba người khác, khiến dịch bệnh lan rộng ở khu ổ chuột nơi có hàng nghìn người sống chen chúc.
“Các quan chức nói rằng phải cách ly, nhưng đó là với những người giàu có. Nhà của chúng tôi quá nhỏ để có thể cách ly”, Sittichat nói.
Một bé trai ở Khlong Toey xách balo lên xe cấp cứu. Ảnh: Bangkok Post
Dịch COVID-19 bùng phát trở lại ở Thái Lan là một phần của làn sóng dịch bệnh đang quét qua Đông Nam Á. Thái Lan chủ yếu dựa vào nguồn vắc xin AstraZeneca được sản xuất trong nước. Công ty sản xuất AstraZeneca chưa từng sản xuất vắc xin trước đó.Trước tháng 11/2020, tổng số ca mắc COVID-19 ở Thái Lan chưa đến 5.000 ca. Nhưng đến cuối tháng 5/2021, Thái Lan ghi nhận hơn 5.800 ca mắc mới COVID-19 chỉ trong một ngày. Tổng số ca bệnh hiện nay ở Thái Lan là khoảng 175.000 ca. “Đã qua rồi cái thời mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ca ngợi Thái Lan về chiến dịch chống COVID-19”, tờ Bangkok Post viết.
Các “phuyai”, được biết đến như “giới thượng lưu” ở Thái Lan, có thể ra nước ngoài du lịch để tiêm vắc xin. Tour du lịch vắc xin Nga có giá 220.000 baht (tương đương gần 150 triệu đồng) ở Thái đã được đặt kín chỗ đến tháng Bảy.
Trong khi đó, những người nghèo hơn lại đang phải vật lộn đấu tranh với dịch bệnh. Nhiều người phải chờ đợi để được điều trị trong các bệnh viện dã chiến của chính phủ.
Mutita Thongsopa, một nhân viên công ty sữa đến Bangkok để hỗ trợ gia đình, cho biết: “Xã hội rất, rất bất bình đẳng. Các phuyai đã phá hủy chiến dịch chống COVID-19, còn chúng tôi, những người nhỏ bé, chúng tôi không thể sống."
Ngày 27/4, chị gái của Mutita - Supatra Thongsopa, một nhân viên tạp hóa 40 tuổi đã đến trung tâm xét nghiệm của chính phủ lúc 3h sáng để xếp hàng. Supatra chờ cả ngày hôm đó, rồi hai hôm sau nữa. Trong lúc chờ đợi, Supatra nhắn tin với em gái để phàn nàn về tình trạng mệt mỏi và các vấn đề về dạ dày.
Đến ngày 1/5, Supatra được xét nghiệm. Kết quả dương tính, và cô qua đời sau đó năm ngày. Bạn trai của Supatra, cũng mắc COVID-19, vẫn đang được điều trị trong bệnh viện. “Họ chết như lá rụng mùa thu”, Mutita nói.
Mặc dù một tòa án ở Bangkok đã kết án các quản lý của hai hộp đêm Krystal và Emerald hai tháng tù giam vì vi phạm quy định phòng dịch, nhưng cho đến nay vẫn chưa có ai khác phải chịu trách nhiệm về việc để dịch bệnh bùng phát trở lại ở Thái Lan.
Dù bị coi là tầng lớp nghèo khổ, nhưng những người dân ở khu ổ chuột Khlong Toey lại là lực lượng lao động quan trọng ở Bangkok. Họ là những người giao hàng, giao đồ ăn. Xe máy của họ len lỏi qua những chiếc Mercedes dàn hàng trên đường. Họ là công nhân xây dựng các khu chung cư sang trọng và các trung tâm thương mại. Khu chợ của họ cung cấp cho Bangkok rau củ, trái cây và hải sản sống.
Tỷ lệ thất nghiệp, vốn đã cao do Thái Lan đóng cửa biên giới, nay lại tăng vọt ở Khlong Toey. Để sống sót, một số gia đình đã phải bán thẻ tiêm vắc xin mà họ nhận được với tư cách là cư dân của khu vực có nguy cơ cao. Một số cư dân Bangkok giàu có đã khoe khoang trên mạng xã hội về việc mua thẻ tiêm chủng từ những cư dân tuyệt vọng nhất của thành phố.
Thái Lan hôm nay, 7/6, bắt đầu chiến dịch tiêm chủng mở rộng Chưa đến 2% dân số nước này được tiêm đủ hai mũi.