Nhật Bản vốn được biết đến là một đất nước giàu có với những thành tựu công nghệ kĩ thuật có tầm ảnh hưởng đến thế giới.
Hơn thế, con người của siêu cường quốc này luôn được gợi nhớ đến với những đức tính tốt như: khiêm nhường, kiên nhẫn, lịch thiệp, có trách nhiệm…
Một điều đặc biệt hơn cả, ở Nhật Bản, không có phân biệt giàu nghèo: Người giàu cũng sống như người nghèo, người nhiều tiền không màng biệt thự siêu xe.
Người giàu Nhật Bản thích tàu điện ngầm hơn xe hơi
Điều kì lạ ở cường quốc nổi tiếng trong ngành công nghiệp xe hơi này là ô tô “made in Japan” lại xếp sau cả một danh sách dài những món đồ thiết yếu khác.
Theo một nghiên cứu mới đây cho biết, nếu người Nhật kiếm được nhiều tiền, thứ đầu tiên họ mua là một chiếc điện thoại thông minh.
Đối với người Nhật, xe hơi cũng giống như các vật dụng khác trong gia đình như máy giặt, tủ lạnh, tivi… chứ không phải biểu tượng cho sự giàu có và khẳng định địa vị xã hội.
Hơn nữa, chính phủ Nhật cũng khuyến cáo người dân nên sử dụng các phương tiện giao thông công cộng để bảo vệ môi trường và hạn chế khí thải carbon.
Cũng bởi thế, có nhiều người giàu sử dụng các phương tiện công cộng để di chuyển. Siêu xe chỉ dành cho những người thật sự đam mê thế nên không phải cứ giàu là sẽ có xe đắt tiền.
Người nghèo Nhật sống ở nhà riêng, người giàu sống ở chung cư
Ở một số đất nước, đất đai thuộc sở hữu của nhà nước nên chi phí đất đai chiếm tỷ lệ lớn trong chi phí nhà ở. Do đó, biệt thự thường đắt hơn và chung cư rẻ hơn.
Vì thế, người giàu thường chọn những mảnh đất rộng ở ngoại ô để xây những căn biệt thự thật lớn để "khoe khoang".
Tuy nhiên, người giàu ở Nhật có xu hướng tránh phô trương sự giàu có của họ. Danh sách xếp hạng những món đồ người Nhật sẵn sàng chi trả bao gồm: smartphone, laptop, xe đạp, một chiếc loa nhỏ… và vị trí thứ 8 thuộc về mua nhà.
Ở Nhật, ra khỏi trung tâm thành phố thì hầu hết người dân đều sở hữu nhà riêng, đất đai thuộc quyền sở hữu tư nhân.
Dễ thấy như các gia đình nhân vật trong truyện tranh Doraemon đều có mức sống trung bình nhưng đều sống ở nhà riêng.
Ngược lại, chung cư lại là lựa chọn của nhiều người giàu Nhật Bản, lý do là vì vị trí tốt, nằm trong trung tâm thành phố có an ninh đảm bảo, gần ga tàu điện ngầm và có nhiều tiện ích, dịch vụ vệ sinh và có khả năng phòng chống thiên tai, động đất tốt hơn nhà riêng - mà động đất vốn phổ biến ở Nhật.
Để có các tiện ích đó, căn hộ chung cư cũng phải trả phí quản lý, phí đỗ xe... Xét về giá trung bình, căn hộ ở Tokyo cao hơn một ngôi nhà ngoại ô.
Người giàu Nhật Bản dành tiền cho các hoạt động nghệ thuật
Người giàu ở đất nước "mặt trời mọc" không xây biệt thự, lâu đài và luôn giữ tâm niệm rằng “không ném tiền ra cửa sổ một cách bừa bãi”.
Thay vào đó, họ sẽ tiêu tiền vào những thứ họ thích và đặc biệt họ rất tôn trọng nghệ thuật, họ sẵn sàng bỏ số tiền lớn để sở hữu những tác phẩm nghệ thuật, tới các chương trình nghệ thuật đắt đỏ hay đi du lịch vòng quanh thế giới trên du thuyền.
Theo Atsushi Miura, tác giả cuốn sách “The New Rich” (Thế hệ người giàu mới), từ năm 2015, họ mua những sản phẩm nội địa và đi du lịch trong nước, họ ưu tiên sử dụng các sản phẩm được sản xuất tại chính Nhật Bản thay vì hàng nhập khẩu dù cho giá thành có cao hơn bao nhiêu đi chăng nữa.
Miura cho rằng người Nhật Bản đang thể hiện lòng tự tôn đối với dân tộc, thể hiện trách nhiệm công dân của chính mình đối với đát nước.
Người giàu Nhật ý thức được sự giàu có của chính mình và coi trọng những thành quả mình làm ra. Họ biết không ai sinh ra đã tự nhiên giàu có.
Vì vậy, có rất ít người giàu Nhật không đi làm, ở nhà "ngồi mát ăn bát vàng", sống nhờ các khoản đầu tư. Dù tầng lớp xã hội ra sao, họ vẫn ra khỏi nhà đi làm từ sáng sớm và về nhà vào buổi chiều muộn.
"Rich kids" Nhật Bản vẫn được nuôi dạy khắt khe
Không giống những thế hệ thừa kế giàu có ở các đất nước khác, dường như truyền thông không thể tìm được những bức ảnh "ăn chơi trác táng", hàng hiệu "đầy mình", siêu xe vây quanh "rich kids" Nhật Bản.
Bởi lẽ, người giàu Nhật không cho con cái mình tiền để ăn chơi mà cho một nền tảng giáo dục tốt. Bố mẹ mong con cái mình mai sau cũng có thể kiếm được nhiều tiền và duy trì sự giàu có này như các thế hệ trước.
Con nhà giàu Nhật Bản sẽ học tập từ cha mẹ chúng các ví dụ và rồi sau đó tự áp dụng vào thực tế để có kinh nghiệm cũng như tự xây dựng được những chiến lược kinh doanh riêng.
Trong giới con nhà giàu Nhật, có tới hơn 50% tự có khả năng kinh doanh độc lập, tự làm giàu mà không cần tới các tài sản hay mối quan hệ của cha mẹ để lại.
Một bài viết trên Japantimes năm 2017 đã từng viết: "Bạn có thể sống ngay bên cạnh nhà một triệu phú mà không hề biết vì ngôi nhà của họ giống y hệt ngôi nhà của bạn".
Người giàu có nhiều tiền và họ có thể dễ dàng chọn lựa cách họ sống. Khiêm nhường, không thích phô trương, quý trọng nỗ lực tự thân chính là đức tính mà bất cứ ai cũng nên học tập.