Nếu muốn thành công, một kỹ năng tối thiểu ai cũng phải nắm vững là đối nhân xử thế. Người càng thành công, càng thông minh thì càng phải biết cách đối nhân xử thế một cách tài tình. Thực tế kỹ năng này ai cũng biết nhưng không phải ai cũng giỏi. Đối với những người có chỉ số EQ cao, họ luôn nắm giữ những quy tắc để có thể ứng biến khéo léo trong giao tiếp giúp đường đời suôn sẻ, chiếm trọn sự yêu thích của người khác.
1. Giữ thái độ chân thành trong một mối quan hệ
Những người có trí tuệ cảm xúc cao luôn hiểu rằng không có gì thoải mái hơn là chân thành với đối phương.
Khi thiếu đi sự chân thành, mối quan hệ dường như không thể tồn tại lâu dài. Bởi sự gian dối khiến cả hai có tư tưởng đề phòng, khó có thể chia sẻ cùng nhau.
Nếu muốn tốt hơn trong các mối quan hệ, sự chân thành là chìa khóa giúp bạn mở được cánh cửa trái tim của người đối diện. Mọi người đều phải học cách thể hiện chính xác cảm xúc của mình. Dù bạn là người nhạy cảm hay vô tư, chúng ta đều có thể truyền đạt cảm xúc và ý tưởng của mình thông qua cách diễn đạt để đối phương có thể hiểu chính xác về bạn.
Loại giao tiếp này dựa trên nhận thức, cảm xúc và sự hiểu biết của bạn về bản thân mình. Nhiều người có thể vô tình bỏ qua cảm xúc của họ. Song đối với người có trí tuệ cảm xúc cao luôn nhạy cảm trong việc quan sát bản thân. Khả năng nhận thức cảm xúc này cũng có thể cho phép họ duy trì sự nhạy cảm đối với người khác.
2. Không coi thường người khác
Ảnh: Internet
Thái độ thứ hai mà những người có trí tuệ cảm xúc cao nhấn mạnh trong các mối quan hệ của họ là không hạ thấp người khác. Hạ thấp mọi người là một điều bất lợi và là nguyên nhân khiến mối quan hệ của bạn ngày càng xấu đi.
Những người thực sự thông minh về mặt cảm xúc tránh làm điều này trong các mối quan hệ của họ. Vì họ hiểu rằng mỗi cá nhân là duy nhất. Tài năng và năng khiếu của mỗi người là khác nhau. Việc tôn trọng sự khác biệt giữa các cá nhân giúp chúng ta hiểu sâu hơn về người đối diện.
Không coi thường người khác có nghĩa là không đo lường giá trị của một người theo các tiêu chuẩn của xã hội. Điều bạn cần làm là suy nghĩ về tính cách và ưu điểm của người đó từ góc độ của chính họ.
Dựa trên quan điểm này những người có trí tuệ cảm xúc cao luôn có thể nhìn thấy sự thông minh và khai phá khía cạnh tốt đẹp của đối phương. Những lời khen chê của họ bao giờ cũng tế nhị nhưng sâu sắc và luôn chứa đựng sự cảm thông.
Đây cũng là mấu chốt giúp họ chiếm được tình cảm của người khác. Từ góc độ của người có EQ cao, khi duy trì sự đánh giá cao với người khác, bạn sẽ thấy rằng ai cũng có một điểm đáng quý.
3. Không làm hài lòng người khác bằng mọi giá
Thái độ thứ ba mà những người có trí tuệ cảm xúc cao nhấn mạnh là không làm hài lòng người khác bằng mọi giá. Trong một mối quan hệ với những người giàu có hoặc quyền lực, chúng ta bận rộn tìm cách làm hài lòng họ. Ở một mức độ, bạn đang đánh mất chính mình.
Không quan trọng bạn đến từ đâu hay hoàn cảnh gia đình thế nào, đối mặt với những người giỏi hơn mình, bạn có thể đánh giá cao họ nhưng không nên để bản thân phải làm hài lòng họ bằng mọi giá.
Ảnh: Internet
Khi làm hài lòng người khác, ở một mức độ nào đó, chúng ta đang làm lu mờ đi sự độc đáo của bản thân và sự cao quý của chính mình. Học cách đối mặt với tất cả những người gặp trong cuộc sống với một thái độ khiêm nhường, bạn sẽ nhận ra giá trị của bản thân.
Trong quan hệ giữa người với người, chúng ta phải nhớ nguyên tắc trao đổi ngang giá. Càng làm hài lòng người khác, chưa chắc họ đã xem đó là sự cao quý. Khi bạn đặt bản thân và người đối diện vào đúng vị trí, người đối diện mới nhận ra bạn cũng ngang hàng như họ.