Với hơn 113.000 ca nhiễm vào sáng ngày 9/4, Đức đang đứng thứ 4 trên bảng danh sách các nước nhiều ca nhiễm COVID-19 nhất chi sau Mỹ, Tây Ban Nha và Ý. Nhưng sự quản lý của chính quyền nước này trong việc đối phó với sự bùng phát của dịch bệnh khá nổi bật, với số lượng tử vong thấp so với các khu vực khác. Chỉ có 2.200 trường hợp tử vong so với hơn 17.000 của quốc gia đứng ngay phía trên là Italia.
Lời giải thích cho sự thành công của Đức trong việc giữ tỷ lệ tử vong thấp là các cuộc xét nghiệm rộng rãi kết hợp với các biện pháp phân tán xã hội cực đoan. Được thực hiện sớm, các giao thức xét nghiệm khác nhau cho phép quốc gia này phát hiện bệnh nhân sớm hơn những nơi khác. Do đó, bệnh nhân sớm được phân lập và điều trị. Chính các chiến dịch xét nghiệm trên diện rộng cũng giải thích lý do tại sao tổng số trường hợp nhiễm của Đức đã tăng lên hơn 100.000 chỉ trong khoảng một tháng.
Đức có số người nhiễm cao, nhưng tỷ lệ tử vong không lớn, nhờ biện pháp chống dịch liên hoàn.
Tuy nhiên, Đức không dừng lại với các nỗ lực sàng lọc COVID-19 phong phú của mình.Mới đây, quốc gia này đã khởi động một chương trình cho phép thu thập dữ liệu liên quan đến coronavirus với sự trợ giúp của các thiết bị đeo, ví dụ như Apple Watch.
Mục đích của nghiên cứu là thu thập một số lượng lớn các thông số sức khỏe từ những người tham gia, trong một nỗ lực nhằm nắm bắt các dấu hiệu của những đợt bùng phát dịch bệnh mới, trước khi chúng xảy ra. Loại sàng lọc này có thể đóng một vai trò quan trọng một khi các hạn chế về cách ly xã hội được tiến hành đồng thời.
Ứng dụng có tên The Corona Data Donation, có sẵn trên watchOS, WearOS và hỗ trợ các thiết bị có thể tương thích với ứng dụng từ App Store và Google Play. Ứng dụng sẽ thu thập một số thông tin dữ liệu từ smartwatch và thiết bị thể dục đeo tay của người dùng, bao gồm dữ liệu nhịp tim, nhiệt độ và giấc ngủ. Về cơ bản, smartwatch không thể đo nhiệt độ của người dùng, nhưng mọi người có thể nhập dữ liệu này theo cách thủ công vào các ứng dụng sức khỏe. Đây cũng là cách nhanh chóng để theo dõi một người có bị sốt hay không.
Những thay đổi về nhiệt độ và giờ ngủ cũng có thể là dấu hiệu cho thấy sự hiện diện của bệnh. Các triệu chứng COVID-19 phổ biến nhất bao gồm sốt, mệt mỏi, khó thở và ho khan. Có quyền truy cập vào nhiều điểm dữ liệu cho phép hệ thống phân tích các dữ liệu có giá trị, hỗ trợ cho các nhà dịch tễ học tìm ra cơ hội ngăn chặn sự bùng phát có thể xảy ra trong tương lai. Theo Reuters, kết quả sau đó sẽ được thể hiện trên bản đồ tương tác và các nhà chức trách từ đó đánh giá nguy cơ bùng phát mới.
"Nếu các mẫu này đủ lớn để tìm ra bệnh nhân có triệu chứng, điều đó sẽ giúp chúng tôi đưa ra kết luận về mức độ lây nhiễm và xem xét liệu các biện pháp ngăn chặn có hoạt động hay không", người đứng đầu Robert Koch Institute - cơ quan điều phối và phản ứng với COVID-19 của Đức - ông Lothar Wieler chia sẻ.
The Corona Data Donation được phát triển bởi công ty khởi nghiệp về thiết bị đeo Thryve của Đức, khẳng định sẽ không thu thập bất kỳ dữ liệu cá nhân nào. Người dùng sẽ phải đăng ký tài khoản theo mã bưu điện, tuổi, giới tính, chiều cao và cân nặng trước khi ứng dụng bắt đầu theo dõi các thông số sức khỏe.
Tham khảo BGR