Câu chuyện bắt đầu từ một vị bác sĩ.
Ngày 22/1/2020, tờ báo của Bỉ, Het Laatste Nieuws xuất bản bài phỏng vấn ông Kris Van Kerckhoven, một bác sĩ đa khoa đến từ Putte, gần Antwerp. Dòng tít của bài báo như sau: "5G đe dọa đến mạng sống con người, và chẳng ai biết điều đó cả."
Trong khi phiên bản online của tuyên bố vô căn cứ này đã nhanh chóng bị xóa bỏ khỏi website của tờ báo, ấn bản in trên giấy đã được phát hành và nó làm bùng lên thuyết âm mưu lan truyền trên Internet và cuối cùng đã gây nên những hậu quả ngay trong thế giới thực. Nhiều cột phát sóng 5G đã bị đốt cháy trong những ngày qua và những người lắp đặt đường truyền Internet đã gặp phải những lời lăng mạ cùng đe dọa.
Hình ảnh cột phát sóng 5G bị cháy.
Điều gì đã dẫn đến hậu quả tai hại này?
Trong bài phỏng vấn, vị bác sĩ Van Kerckhoven không chỉ tuyên bố về mối nguy hiểm của 5G, ông còn cho rằng, nó có thể có liên quan đến virus corona. Tại thời điểm đó, việc bùng phát virus mới chỉ như một đốm lửa nhỏ tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Nó mới chỉ lây nhiễm cho 440 người và làm chết 9 người khác.
Để chỉ ra mối liên hệ giữa 5G và virus corona, phóng viên tờ Het Laatste Nieuws đã chỉ ra rằng từ năm 2019, một số cột phát sóng 5G đã được xây dựng xung quanh Vũ Hán. Nhưng chúng thì có liên quan gì đến nhau? Ngay bản thân ông Kerckhoven cũng không chắc. Ông chỉ nói lấp lửng rằng: "Tôi chưa thực hiện việc kiểm tra thực tế. Nhưng có thể nó có liên kết đến những sự kiện hiện tại." Ngọn lửa âm ỉ bao lâu nay đã được dịp bùng lên.
Lời bình luận của ông Van Kerckhoven nhanh chóng được các nhóm phản đối 5G thuộc những nước nói hệ ngôn ngữ Hà Lan vồ lấy và phát tán thông qua các fanpage và nhóm Facebook. Chỉ trong vài ngày sau đó, thuyết âm mưu này bắt đầu lan tới các fanpage và nhiều nhóm Facebook dùng tiếng Anh.
Trên thực tế, các thuyết âm mưu như vậy không phải là hiếm. Chúng đã xuất hiện từ những năm 80 với những lo ngại vô căn cứ về tác động của đường điện cao thế với sức khỏe con người, cũng như sau này là sóng điện thoại di động. Đó chính là đất sống của tin giả và các thuyết âm mưu. Chúng đánh lừa được mọi người vì chính họ cũng tin vào điều đó.
Từ lâu nhiều người đã xem các thiết bị phát sóng vô tuyến như thứ gây hại cho sức khỏe con người, dù chẳng có cơ sở khoa học nào cho điều đó
Nhưng lần này, thuyết âm mưu về 5G tìm được phao cứu sinh của mình: virus corona. Việc bùng phát một dịch bệnh mới đầy nguy hiểm thu hút sự chú ý của nhiều người – tạo nên một môi trường hoàn hảo để lan truyền những nội dung sai lầm về căn bệnh này – đặc biệt là khi nó chưa thực sự đặt chân đến châu Âu.
Trên YouTube, các buổi talkshow trực tuyến với một vài vlogger vô danh nhằm tiết lộ "sự thật" về 5G và virus corona thu hút được hàng chục nghìn lượt xem. Những bài đăng tương tự trên Facebook cũng lôi kéo được một vài nghìn lượt xem từ những độc giả tương tự như vậy.
Những tưởng thuyết âm mưu này sẽ chỉ tồn tại giữa những nhóm người này, nhưng vài tuần sau đó, các thuật toán gia tăng tương tác của những nền tảng mạng xã hội bắt đầu giúp chúng được hiển thị nhiều hơn. Trong khi các thuật toán này có đủ trí thông minh để phát hiện ra một xu hướng nội dung mới đang nổi lên để lan truyền nó – nhưng lại quá ngu ngốc đến mức không nhận ra nội dung đó nhảm nhí đến mức độ nào.
Từ lan truyền giữa những kẻ vô danh cho đến sự tham gia của những người nổi tiếng
Và thế là thuyết âm mưu này bắt đầu đạt đến điểm bùng phát của mình. Từ chỗ chỉ được truyền đi qua những kẻ vô danh, thuyết âm mưu này bắt đầu được thúc đẩy bởi những người nổi tiếng với hàng trăm nghìn lượt, thậm chí hàng triệu lượt theo dõi trên mạng xã hội, bao gồm võ sĩ Amir Khan, ca sĩ Anne Marie, diễn viên Woody Harrelson, …
Những người theo thuyết âm mưu đã lan truyền các câu chuyện vô căn cứ về 5G và virus corona trên các nền tảng mạng xã hội như Twitter, TikTok, Facebook, YouTube.
Tuy nhiên, có một tiếng nói đáng kể nhất trong việc phát tán những câu chuyện kỳ quặc về tác hại của 5G là kênh truyền hình RT của Nga. Vào tháng Một năm 2019, một đoạn clip của Michele Greenstein, phóng viên kênh này trên YouTube với tựa đề "5G có thể sẽ giết bạn" đã thu hút được gần 2 triệu lượt xem. Và trong cả năm 2019, riêng một mình phóng viên này đã đăng tải ít nhất 10 clip khác nhau về "những tác hại đến sức khỏe" của 5G – trung bình mỗi clip thu hút đến cả triệu lượt người xem.
Mặc dù vậy, các clip này không liên kết 5G với virus corona. Thế nhưng vào cuối tháng Một năm 2020, lại xuất hiện một clip của Greenstein đặt ra nghi vấn về vai trò của tỷ phú Bill Gates tới đại dịch virus corona. Trong số hàng triệu người đã xem nó có những kẻ theo thuyết âm mưu và chúng nhanh chóng vồ lấy và gán ghép nó với quá trình phát triển 5G.
Trong khi những kẻ theo thuyết âm mưu là người thêu dệt nên những lập luận kỳ quặc về mối liên quan giữa 5G và virus corona, chính các thuật toán của Facebook, Twitter và YouTube đã làm nên tốc độ lan truyền chóng mặt của chúng trên Internet.
Cho đến trước tháng Hai, các thuyết âm mưu về mối liên hệ giữa 5G và virus corona mới chỉ lan truyền trong các nhóm chống 5G, với khoảng 1.000 bài đăng và 45.000 tương tác. Và sau đó, từ đầu tháng Hai, đến lượt hàng loạt website theo thuyết âm mưu cực hữu như InfoWars, ZeroHedge, bắt đầu liên kết sự hiện diện của 5G tại Vũ Hán với sự bùng phát virus corona.
Cho đến giữa tháng Hai, cùng với việc virus corona hoành hành dữ dội tại Trung Quốc, những thuyết âm mưu về nó cũng ngày càng lan rộng hơn, đặc biệt những câu chuyện liên kết nó với 5G. Và đến cả những fanpage lâu năm với hàng trăm nghìn lượt theo dõi như Waking Times cũng bắt đầu chia sẻ các bài đăng về mối liên hệ giữa 5G và virus corona. Đó là còn chưa kể đến vô số các video YouTube khác với hàng ngàn lượt xem cũng như hàng trăm lời bình luận cho mỗi video.
Sự bất lực của các nền tảng mạng xã hội trong việc ngăn chặn tin giả
Đáng buồn hơn cả là trong khi các bài đăng, các đoạn video với đầy tin giả và sai lệch này đang được phát tán chủ yếu qua Facebook và YouTube, những thuật toán của các nền tảng này lại không hề phát hiện ra chúng và đánh dấu cảnh báo cho người xem. Để rồi sau đó, chính các bài đăng và video sai lệch này lại được những người theo thuyết âm mưu dựa vào đó để củng cố cho mối liên hệ kỳ quặc giữa 5G và virus corona trong các bài đăng tiếp theo của mình.
Đỉnh điểm của những thuyết âm mưu này là một bài đăng trên Facebook vào ngày 30 tháng Ba của Robert F. Kenedy, cháu nội của cựu tổng thống Mỹ John F. Kenendy. Là một luật sư và là người chống bài vắc-xin, ông cũng tích cực không kém trong việc chia sẻ các bài viết về mối liên hệ giữa 5G và virus corona.
Hơn nữa, ông còn cho rằng, việc phong tỏa các thành phố nhằm ngăn ngừa lây lan virus, thực chất là kế hoạch của các chính phủ nhằm cấm mọi người tụ tập để phản đối "những kẻ giàu có cướp băng tần 5G từ đất nước chúng ta và phá hủy thiên nhiên." Bài đăng này được chia sẻ đến hơn 11.000 lần và nhận được 8.000 tương tác. Đoạn video đính kèm bài đăng này được xem đến hơn 500.000 lượt.
Cho đến nay đã có hơn 4.800 bài đăng Facebook nói về mối liên hệ giữa virus corona và 5G. Tổng cộng chúng đã nhận được hơn 1,1 triệu tương tác từ người đọc. Điều đáng nói hơn cả là chúng vẫn tồn tại trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook và YouTube khi không bị gắn cờ cảnh báo thông tin gây hiểu nhầm hay bị xóa bỏ.
Hiện trường của vụ cháy cột phát sóng 5G với những gì còn sót lại
Chỉ đến khi những thông tin giả này gây ra các hậu quả nghiêm trọng với khoảng 20 cột phát sóng 5G bị đốt phá trên toàn nước Anh, ngày 5 tháng Tư vừa qua, đại diện YouTube mới đưa ra tuyên bố rằng họ đang thực hiện nhiều động thái nhằm hạn chế việc lan truyền các thuyết âm mưu về 5G và virus corona. Tình hình nghiêm trọng đến mức Bộ trưởng Văn hóa Anh Olivier Dowden phải tổ chức thảo luận với các nền tảng công nghệ lớn để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ngăn chặn tin giả.
Các nền tảng mạng xã hội đã đạt được nhiều thành công liên quan đến việc loại bỏ nội dung liên quan đến khủng bố và khiêu dâm trẻ em, nhưng dường như họ vẫn bất lực trước vấn nạn tin giả. Điều này càng trở nên nghiêm trọng hơn trong bối cảnh thế giới vẫn đang phải cật lực đối phó với sự hoành hành của virus corona cùng lúc với các nỗ lực nhằm đảm bảo an sinh xã hội. Nếu không sớm được ngăn chặn, việc đốt phá các cột phát sóng 5G sẽ chỉ là điểm khởi đầu cho những hậu quả tai hại của tin giả trên các nền tảng mạng xã hội.
Tham khảo The Wired