Một người dân địa phương đã phát hiện ra chú cá ngừ đại dương này trên bãi biển Bea Sand, đảo Sanday thuộc quần đảo Orkney, Scotland sau những cơn gió mạnh và biển động do cơn bão Deirdre gây ra.
Từ khi loài cá này xuất hiện trở lại trên vùng biển nước Anh, đây là lần thứ ba một con cá ngừ vây xanh Đại Tây Dương được tìm thấy trên các bãi biển của Scotland.
Loài cá ngừ có nguồn gốc ở đông và tây Đại Tây Dương, cũng như Địa Trung Hải.
Cá ngừ vây xanh Đại Tây Dương có thể nặng tới cả tấn và là họ hàng gần của hai loài cá ngừ vây xanh khác là cá ngừ vây xanh Thái Bình Dương và cá ngừ vây xanh miền nam.
Mắt của chú cá ngừ này to gần bằng nửa bàn tay người.
Nhân viên kiểm lâm Emma Neave-Webb cho biết:”Con cá thật dài đúng 2m. Nếu không bị mắc cạn, chú sẽ còn phát triển nữa.
Thời tiết cuối tuần qua thật tồi tệ và trở thành nguyên nhân chính cho việc mắc cạn của con cá. Nó trông khá tươi, vì vậy tôi nghĩ nguyên nhân cái chết là nguyên nhân tự nhiên.”
Webb cho biết thêm, loài cá ngừ đã từng di chuyển dần về phía bắc và đã được tìm thấy tại eo biển Măng cũng như tại vùng biển của Scotland.
Kích thước khổng lồ của con cá làm kinh ngạc người dân trên đảo Sanday và biến nơi đây thành một địa điểm tham quan.
Câu chuyện về con cá giờ đã được lan truyền rộng khắp và trong một vài ngày tới, các chuyên gia sẽ trở lại tiến hành việc mổ con cá để xem xem liệu có dấu hiệu của việc ô nhiễm chất thải nhựa hay không.
Vào tháng 10 vừa qua, một con cá ngừ vây xanh dài gần 1,9m, nặng 110kg đã được tìm thấy dạt vào một bãi biển ở Culross, Fife và vào tháng trước, một con khác đã được phát hiện trên bãi biển Tolsta, Isle of Lewis.
John Hourston, người sáng lập Hiệp hội Hành tinh xanh, cho biết: “Đây là trường hợp thứ ba của một con cá ngừ vây xanh bị mắc kẹt ở vùng biển Scotland trong năm nay”.
“Cá ngừ vây xanh mới chỉ quay trở lại sinh sống vùng biển Anh Quốc gần đây kể từ khoảng năm 2013, nhưng rất hiếm khi dạt vào các bờ biển thuộc quần đảo Orkney.
Loài cá này từng đã sinh sống rất nhiều ở các bờ biển nước Anh vào khoảng những năm 1920 và 1930, nhưng sau đó chúng lại đột ngột biến mất”.
Hourston lý giải: “Có lẽ việc con người đã đánh bắt cạn kiệt nguồn thức ăn của chúng, như cá trích hoặc có thể do sự dao động nhiệt độ đại dương, nhưng biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính khiến loài cá ngừ quay trở lại vùng biển nước Anh ngày một nhiều hơn.”