Người dân chủ động chằng chống nhà cửa, neo đậu tàu thuyền
Chiều 2/11, PV đã có mặt tại huyện Cần Giờ, TP HCM để ghi nhận công tác phòng chống bão số 12.
Hàng nghìn hộ dân tại các xã, thị trấn của huyện Cần Giờ khẩn trương chằng chống nhà cửa, neo đậu tàu thuyền chắc chắn để đảo bảo an toàn tài sản.
Người dân đã mua các bao tải rồi xúc cát đổ vào đưa lên mái nhà chằng nhiều phía để tránh gió thổi tốc. Nhiều cây gỗ lớn được đóng đinh vào cửa chính, cửa sổ ngôi nhà.
Chiều 2/11, nhiều ngư dân nhanh chóng đưa thuyền vào thị trấn Cần Thạnh để trú bão.
Ông Nguyễn Văn Lành (54 tuổi, ngụ huyện Cần Giờ) cho biết, qua đọc báo và theo dõi thông tin trên đài, loa phát thanh, ông biết bão số 12 có nguy cơ đổ bộ vào TP HCM, đặc biệt là huyện Cần Giờ nên nhanh chóng đưa thuyền vào thị trấn Cần Thạnh trú bão.
"Sáng 2/11, không chỉ tàu chúng tôi mà tất cả các tàu thuyền của ngư dân khác đã vào bến neo đậu. Chúng tôi dùng dây buộc chặt, gò nhiều phía chằng chắc chắn để tránh gió thổi va đập", ông Lành nói.
Nhiều người dân tỏ ra long lắng khi hay tin bão số 12 có nguy cơ đổ bộ vào TP HCM, đặc biệt là huyện Cần Giờ.
Còn bà Nguyễn Thị Trúc Nhi (42 tuổi, ngụ thị trấn Cần Thạnh) chia sẻ: "Giờ nghe báo bão là vào chằng chống nhà cửa, tàu thuyền chắc chắn, không có ai dám ra khơi.
Bởi cơn bão số 9 năm 2006, nhận được cảnh báo của các cấp chính quyền, một số thuyền của ngư vẫn trốn ra khơi khiến nhiều người tử vong. Từ vụ việc đau lòng đó, người dân ai cũng sợ, phải nghe chính quyền thông tin về bão để phòng ngừa".
Hơn 1.400 cán bộ, chiến sĩ túc trực ứng phó bão, di dân nếu bão đổ bộ
Trao đổi với PV về công tác phòng chống bão số 12, ông Võ Tuấn Thảo, Phó Chủ tịch thị trấn Cần Thạnh (huyện Cần Giờ) cho biết, chính quyền đã tuyên truyền tới người dân bằng nhiều phương thức để nâng cao ý thức, tránh thái độ chủ quan trong phòng chống bão.
"Trong vòng 10 năm trở lại đây, nhiều cơn bão đã ảnh hưởng tới địa phương. Do đó, người dân đã nhận thức rõ được những thiệt hại từ bão lũ gây ra. Ý thức của người dân được nâng cao hơn.
Hiện tại nhiều hộ gia đình trên địa bàn thị trấn đã tự chằng chống nhà cửa chắc chắn. Một số gia đình có cụ già neo đơn, hoàn cảnh khó khăn, chính quyền địa phương cử lực lượng trực tiếp xuống hỗ trợ di tản", ông Thảo nói.
Lãnh đạo thị trấn Cần Thạnh trực tiếp xuống nhà dân để nhắc nhở, tránh thái độ chủ quan trong phòng chống bão.
Trong khi đó, ông Lê Minh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ nói: "Trên địa bàn huyện có hơn 6.000 người dân cần sơ tán khi có thiên tai xảy ra.
Hiện có khoảng 1.400 cán bộ, chiến sĩ túc trực 24/24, chỉ cần có lệnh của thành phố sẽ triển khai ngay công tác ứng phó. Tại đảo Thạnh An, nếu mức độ nhẹ cho sơ tán dân tại chỗ. Trường hợp bão có nguy cơ đổ bộ vào sẽ sơ tán dân vào đất liền để đảm bảo an toàn".
Ngoài ra, UBND huyện Cần Giờ cũng đã nghiêm cấm tất cả tàu thuyển ra khơi, lệnh cấm có hiệu lực kể từ 1h ngày 3/11/2017 cho đến khi có lệnh mới.
Các cơ quan ban ngành trực thuộc sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị tổ chức cứu hộ, cứu nạn kịp thời khi có lệnh điều động.
> Xem thêm clip: Bão số 1 đổ bộ vào Nam Định.
Bão số 1 đổ bộ vào Nam Định. (nguồn: Báo Giao thông)