Sáng 3/11, ông Nguyễn Văn Hưởng, Phó trưởng phòng dự báo khí tượng hạn ngắn (Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương) cho biết, cơn bão số 12 (bão Damrey) di chuyển tương đối nhanh và cường độ tương đối mạnh, khoảng cách với vùng biển Ninh Thuận khoảng hơn 400km.
Tốc dộ di chuyển hiện nay của bão vào khoảng hơn 20km/h và sáng sớm mai (4/11) sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Nam Trung Bộ, Trung Trung Bộ từ Quảng Ngãi đến Ninh Thuận.
Theo ông Hưởng, một đặc điểm đáng chú ý là sự tác động giữa bão và không khí lạnh nên hoàn lưu sẽ mở rất rộng về khu vực phía Bắc, từ Quảng Ngãi trở vào đến Ninh Thuận.
"Sự tác động này khiến khu vực ven biển gió có thể mạnh từ cấp 9 - 11, vùng gần tâm bão giật cấp 15 và lúc bão đổ bộ, chúng tôi nhận định có thể gió giật cấp 9 - 11, tương đối mạnh", ông Hưởng nói.
Ông Nguyễn Văn Hưởng.
Ông có thể đưa ra nhận định về những rủi ro nào có thể gặp phải đối với cơn bão số 12 này?
Ông Nguyễn Văn Hưởng: Có hai nguy cơ, rủi ro chính mà chúng tôi nhận định. Thứ nhất là cường độ gió mạnh và thứ hai là mưa lớn.
Trong thời gian vừa qua, khu vực Nam Trung Bộ xảy ra mưa khá lớn đã gây ra lũ ở Phú Yên.
Hiện nay, khi bão số 12 vào bờ còn ảnh hưởng của không khí lạnh nên mưa lớn sẽ tiếp tục đổ bộ, kéo dài gây ra hiện tượng lũ chồng lũ.
Hôm qua, chúng ta đưa ra hai kịch bản là mưa lớn với tổng lượng mưa hơn 1.000mm và thứ hai có thể xảy ra trận lũ lớn như năm 2016. Đến thời điểm này, kịch bản nào có thể xảy ra?
Ông Nguyễn Văn Hưởng: Những kịch bản đó vẫn đang trong dự tính của chúng tôi nên chúng tôi sẽ liên tục cập nhật trong các bản tin và báo đến các địa phương.
Ông có lưu ý gì đối với người dân và các địa phương về cơn bão số 12 này?
Ông Nguyễn Văn Hưởng: Về các lưu ý vẫn là tình hình mưa lớn, gió mạnh dồn dập trong thời gian bão đổ bộ và hoàn lưu bão do có sự tác động của không khí lạnh có thể gây mưa kéo dài.
Cụ thể, từ chiều và đêm nay, do ảnh hưởng của không khí lạnh mạnh và bão số 12 nên các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Thuận có mưa rất to. Diễn biến mưa lớn còn phức tạp và kéo dài, lan rộng ra Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ.
Ngoài ra, nước dâng do bão ở ven biển các tỉnh từ Phú Yên đến Ninh Thuận từ 0,5 - 1m, sóng ngoài khơi vùng tâm bão cao từ 5 - 7m, vùng ven bờ từ 2 -4m.
Còn từ ngày 4 - 8/11, trên các sông từ Hà Tĩnh - Bình Thuận, khu vực tây Nguyên và Đồng Nai sẽ xảy ra đợt lũ. Nguy cơ cao xuất hiện lũ lớn ở khu vực Thừa Thiên Huế - Khánh Hòa, Bắc Tây Nguyên và lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ven sông và ngập lụt sâu, diện rộng ở vùng trũng thấp thuộc các khu vực trên.
Một số ý kiến cho rằng, bão số 12 này có điểm giống với cơn bão Linda trước đây?
Ông Nguyễn Văn Hưởng: Điểm trùng hợp giữa cơn bão số 12 và bão Linda là đều là các cơn bão rất mạnh, cùng xuất hiện cuối năm.
Còn vị trí đổ bộ, thời điểm đổ bộ có sự khác nhau, cụ thể, bão Linda xuất hiện ở vị trí thấp, tức là đi vào khu vực Cà Mau, miền Tây còn cơn bão số 12, chúng tôi đang dự báo là vào khu vực Nam Trung Bộ và tác động một chút đến khu vực Đông Nam Bộ.
Ông Nguyễn Văn Hưởng nói về sự giống và khác nhau giữa cơn bão số 12 và bão Linda.